Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, các thẩm phán ICC cho biết tòa án có căn cứ hợp lý để tin rằng ông Netanyahu và ông Yoav Gallant phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi đàn áp, bỏ đói và giết hại trong một "cuộc tấn công có hệ thống và lan rộng nhằm vào dân thường ở Gaza".
Tòa án cũng tuyên bố có căn cứ hợp lý để tin rằng lệnh phong tỏa Gaza và tình trạng thiếu lương thực, nước, điện, nhiên liệu và vật tư y tế "đã tạo ra các điều kiện được tính toán nhằm gây ra tổn thương đối với một phần dân thường ở Gaza, dẫn đến việc nhiều người, bao gồm cả trẻ em, thiệt mạng do suy dinh dưỡng và mất nước".
Trong khi đó đối với ông Masri, còn có biệt danh là Mohammed Deif, lệnh bắt giữ của ICC cáo buộc ông về tội giết hại nhiều người trong cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10/2023, châm ngòi cho cuộc xung đột tại Gaza, cũng như các cáo buộc bắt giữ con tin và cưỡng hiếp. Quân đội Israel tuyên bố đã hạ sát ông Masri trong một cuộc không kích hồi tháng 7, tuy nhiên lực lượng Hamas vẫn chưa đưa ra bình luận về việc này.
Quyết định của ICC nhận được sự hoan nghênh từ lực lượng Hamas, đồng thời kêu gọi tòa án mở rộng trách nhiệm giải trình cho tất cả các nhà lãnh đạo Israel. Reuters dẫn lời quan chức cấp cao của Hamas, Basem Naim, nhận định các lệnh bắt giữ lãnh đạo Israel là một bước quan trọng hướng tới việc mang lại công lý cho các nạn nhân và tất cả các quốc gia nên ủng hộ họ.
Tuy nhiên, quyết định trên vấp phải sự phản đối từ chính phủ Israel. Văn phòng của ông Netanyahu cho biết quyết định của ICC mang tính chất "chống Do Thái" và ông sẽ "không khuất phục trước áp lực và sẽ không nản lòng" cho đến khi các mục tiêu của Israel được đáp ứng.
Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Saar trong một tuyên bố trên mạng xã hội X khẳng định ICC đã "mất hết tính hợp pháp" sau khi ban hành lệnh bắt giữ ông Netanyahu và ông Gallant. Ông cho biết quyết định này là "một khoảnh khắc đen tối đối với Tòa án Hình sự Quốc tế,” đồng thời nói thêm rằng tòa đã ban hành "những lệnh vô lý mà không có thẩm quyền".
Về phía Mỹ, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết Washington "về cơ bản bác bỏ" động thái này. "Chúng tôi rất quan ngại về việc công tố viên vội vàng tìm kiếm lệnh bắt giữ và những sai sót trong quy trình đáng lo ngại dẫn đến quyết định này,” phát ngôn viên cho biết, đồng thời nói thêm rằng Mỹ đang thảo luận các bước tiếp theo với các đối tác của mình.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, cho biết quyết định này không mang tính chính trị mà do tòa án đưa ra và do đó cần được tôn trọng và thực hiện. "Thảm kịch ở Gaza phải chấm dứt," ông nói.
Trước đó ngày 20/5, công tố viên ICC Karim Khan đã tuyên bố rằng ông đang xin lệnh bắt giữ thủ lĩnh Hamas ở Gaza Yahya Sinwar – người đã bị ám sát - và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng một số lãnh đạo cấp cao của hai bên.
Vào thời điểm đó, tuyên bố này vấp phải thái độ phản đối kịch liệt của Thủ tướng Israel khi ông tuyên bố: “Tôi từ chối sự so sánh ghê tởm của công tố viên ở Hague giữa Israel dân chủ và những kẻ sát nhân hàng loạt ở Hamas”.
Ông cho biết ICC so sánh Hamas đã thực hiện các hành động tàn ác lên người dân Israel “với những người lính IDF đang chiến đấu trong một cuộc chiến chính nghĩa” là “sự bóp méo hoàn toàn thực tế”. Ông Netanyahu nhận định động thái của công tố viên ICC là một kiểu bài Do Thái mới.
Ngân Hà