TikTok đang đối mặt với lệnh cấm tiềm tàng tại Mỹ. Ảnh: Reuters.
Tòa án Tối cao Mỹ mới đây đã thông báo sẽ xem xét luật yêu cầu cấm ứng dụng video TikTok nếu ứng dụng này không được bán cho một chủ sở hữu không phải người Trung Quốc trước ngày 19/1. Vụ việc đặt ra câu hỏi liệu luật này có vi phạm quyền tự do ngôn luận được bảo vệ bởi Hiến pháp Mỹ hay không.
Các lập luận trong vụ kiện sẽ được trình bày tại tòa vào ngày 10/1. Đồng thời, tòa án đã yêu cầu các bên liên quan nộp bản tóm tắt trước ngày 27/12.
TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc), hiện có khoảng 170 triệu người dùng tại Mỹ. Trong đơn kháng cáo khẩn cấp nộp hôm thứ hai, TikTok yêu cầu tạm dừng lệnh cấm, cho rằng luật này áp đặt "hạn chế về ngôn luận vượt quá tiêu chuẩn khắt khe nhất của Hiến pháp".
TikTok nhận định lệnh cấm không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền tự do ngôn luận của người dùng mà còn thiếu cơ sở pháp lý. Đại diện của TikTok nhấn mạnh: "Các lệnh cấm chỉ được vượt qua được tiêu chuẩn hiến pháp trong những trường hợp đặc biệt, và TikTok không phải trường hợp đặc biệt".
Trước đó, nhiều người dùng và người sáng tạo nội dung trên TikTok đã lên tiếng phản đối lệnh cấm, cho rằng nền tảng này không chỉ là công cụ giải trí mà còn là phương tiện giao tiếp và kinh doanh quan trọng.
Vấn đề pháp lý này diễn ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng tại Mỹ về nguy cơ an ninh quốc gia liên quan đến dữ liệu người dùng TikTok. Chính quyền Mỹ cho rằng mối quan hệ giữa ByteDance và chính phủ Trung Quốc có thể dẫn đến việc dữ liệu người dùng bị thu thập và sử dụng sai mục đích.
Quyết định của Tòa án Tối cao sẽ có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với TikTok mà còn đối với việc cân bằng giữa tự do ngôn luận và các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia tại Mỹ.
Theo SCMP
Tiến Dũng