Theo nguồn tin của PLO, VKSND Tối cao đang nghiên cứu tổ chức lại VKS địa phương.
VKSND tối cao đang khẩn trương xây dựng đề án bỏ cấp trung gian (cấp huyện) theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong Kết luận 126, ngày 14-2.
Tái khởi động tòa khu vực, viện kiểm sát khu vực
Những thảo luận ban đầu đưa ra ba phương án, trong đó phương án 1 là chuyển VKSND huyện thành VKSND cấp sơ thẩm khu vực; phương án 2 là đưa VKSND huyện về VKSND tỉnh, chuyển thành các phân viện; phương án 3 tương tự phương án 2 nhưng đưa các VKSND Cấp cao về VKSND Tối cao.
Tất cả mới là ý tưởng phác thảo ban đầu, tuy nhiên đều tính toán kế thừa phương án tổ chức VKSND khu vực tương ứng với đề án TAND khu vực trước đây, khi ngành tòa án triển khai Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị năm 2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Đây là những bước tiếp theo của công tác tinh gọn bộ máy của ngành kiểm sát. Trước đó, theo chủ trương chung, hôm 7-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về tinh gọn bộ máy bên trong của VKSND tối cao. Theo đó giảm được 4 đầu mối cơ quan cấp vụ và tương đương.
Với TAND Tối cao, tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, lãnh đạo TAND Tối cao cho biết trên cơ sở Kết luận 126, cơ quan này đang khẩn trương xây dựng đề án và sẽ báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo.
Đây không phải là vấn đề mới với ngành tòa án. Trước đây, TAND Tối cao đã xây dựng đề án tổ chức TAND theo cấp xét xử theo tinh thần Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp tầm nhìn 2020, trong đó dự kiến giảm số lượng TAND huyện trên cả nước để chuyển thành tòa sơ thẩm khu vực. Ngành kiểm sát cũng có đề án tương tự.
Các phương án đã được Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương báo cáo và đầu năm 2014, Bộ Chính trị đã họp, ra Kết luận 92-KL/TW khẳng định tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức TAND, VKSND theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Theo đó, TAND cấp sơ thẩm và VKSND tương ứng cần được nghiên cứu xây dựng 2 phương án là theo khu vực hoặc tiếp tục đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện.
Khi sửa đổi Luật Tổ chức TAND, ngành tòa án đã nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức TAND trình cả 2 phương án trong đó có phương án tòa sơ thẩm khu vực. Tuy nhiên, cuối cùng, chưa đạt thống nhất cao nên tòa huyện và viện kiểm sát huyện vẫn tiếp tục duy trì cho đến nay.
TAND Tối cao cho biết trên cơ sở Kết luận 126, cơ quan này đang khẩn trương xây dựng đề án và sẽ báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo.
Thi hành án dự kiến theo khu vực, nhưng đang đợi tòa án
Cũng liên quan đến lĩnh vực tư pháp, từ trước Tết, Bộ Tư pháp đã báo cáo Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương về tinh gọn bộ máy. Theo đó, thi hành án dân sự cấp huyện dự kiến tổ chức lại thành thi hành án dân sự khu vực, qua đó giảm đầu mối cơ quan thi hành án ở địa phương.
Tuy nhiên, sau Kết luận 126 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư (trong đó giao Đảng ủy Các cơ quan Đảng Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy TAND tối cao, Đảng ủy VKSND Tối cao nghiên cứu, tham mưu theo định hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện)), thì các thảo luận tiếp theo với đề án thi hành án dân sự đang tạm dừng lại để đợi đề án của TAND Tối cao. Các đề án của TAND Tối cao, VKSND Tối cao phải báo cáo Bộ Chính trị trong quý II tới.
“Chúng ta đang trong cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy. Nay có thêm Kết luận 126 thì mọi vấn đề phải được đánh giá lại, đảm bảo tính đồng bộ của các cơ quan liên quan với mô hình tổ chức của TAND trong giai đoạn mới”, một lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết.
Cơ quan điều tra công an tỉnh gánh việc của huyện
Cũng liên quan đến cải cách tư pháp, việc bỏ công an huyện đang đặt ra những yêu cầu về tổ chức lại cơ quan điều tra.
Tin từ Bộ Công an cũng như công an các quận, huyện cho biết, đến nay, các đơn vị đều cơ bản đã kiểm kê, đóng gói hồ sơ để chuyển về công an tỉnh, thành phố. Nhân sự từ huyện được phân bổ về các phòng trên tỉnh và một phần chuyển xuống công an xã, phường.
Chức năng, nhiệm vụ của công an huyện sẽ được điều chuyển thế nào thì dự kiến 1-3 tới, Bộ Công an sẽ công bố. Nhưng tin từ các đơn vị công an cho biết nhiều khả năng, nhiệm vụ của cơ quan cấp huyện sẽ được chuyển chủ yếu lên cơ quan điều tra của công an tỉnh. Ngoài ra, việc đưa điều tra viên về công an xã, phường sẽ thuận lợi cho việc giao công an xã, phường tiến hành một số hoạt động tố tụng với các vụ việc xảy ra trên địa bàn.
Tất cả các phương án cải cách nêu trên đều đặt ra yêu cầu sửa đổi nhiều luật về tổ chức TAND, VKSND, cơ quan điều tra, thi hành án. Thời điểm này, Luật Tổ chức cơ quan điều tra, Luật Thi hành án dân sự đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi.
Nghĩa Nhân