Tọa đàm 'Bảo tàng trong kỷ nguyên AI'

Tọa đàm 'Bảo tàng trong kỷ nguyên AI'
6 giờ trướcBài gốc
Tọa đàm là cơ hội để những nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, bảo tàng, nhìn nhận rõ hơn những cơ hội, thách thức trong quá trình chuyển đổi số tại bảo tàng, nhà trưng bày, khu di dích, qua đó hướng đến chia sẻ, thảo luận và tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất để bảo tàng thu hút khách trong thời đại công nghệ số.
Giám đốc bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện nhận định: Hiện nay, trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu chú trọng ứng dụng công nghệ trong hoạt động chuyên môn như số hóa hiện vật, thuyết minh tự động đa ngôn ngữ, triển lãm online, giờ học trực tuyến, tuy nhiên, ứng dụng công nghệ vẫn còn rời rạc, chưa có tính kết nối, đồng bộ, chưa bắt kịp với xu hướng toàn cầu.
Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm “Bảo tàng trong kỷ nguyên AI”
“Trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI), các thiết chế văn hóa như bảo tàng, di tích không nằm ngoài guồng quay đổi mới.
Từ những không gian trưng bày truyền thống, bảo tàng ngày nay đang dần trở thành những trung tâm sáng tạo, đổi mới và học tập suốt đời, nơi mà công nghệ không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là cầu nối để kết nối quá khứ với hiện tại và hướng tới tương lai.
Tọa đàm cũng khẳng định tầm quan trọng của Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do Bộ Chính trị ban hành ngày 22.12.2024.
Trong đó có nhấn mạnh nội dung: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới" - , ông Thiện chia sẻ.
Bà Trần Thị Anh Thư - Giám đốc Bảo tàng quân khu 5 nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong hệ thống các bảo tàng
Bà Trần Thị Anh Thư - Giám đốc Bảo tàng quân khu 5 cho rằng trong thời buổi hiện đại, khi đã sẵn các cơ sở, dữ liệu, nếu các bảo tàng không ứng dụng công nghệ số vào quảng bá và hoạt động thì là điều rất đáng tiếc: “Bảo tàng quân khu 5 có 2 bảo tàng bên trong là Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh quân khu 5 và Bảo tàng khu 5. Tất cả những bảo tàng của chúng tôi đang trưng bày theo hướng cổ điển, chưa có bất cứ một ứng dụng công nghệ nào trong hệ thống.
Qua tọa đàm này, chúng tôi đã tiếp thu được nhiều kiến thức mới mẻ và nhận biết được hiệu quả mà công nghệ mang lại cho các bảo tàng. Chúng tôi nhận ra là hệ thống các bảo tàng đang chuyển mình nhanh chóng nhờ công nghệ, nếu vẫn tiếp tục hoạt động theo kiểu truyền thống như thế thì chúng tôi cảm thấy rõ là mình đang bị tụt hậu so với các bảo tàng khác”.
Qua đó, bà Anh Thư bày tỏ mong muốn trong tương lai, Bảo tàng quân khu 5 sẽ có sự đầu tư, chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ, nhằm thay đổi nội dung và hình thức, tăng tính nhận diện hấp dẫn đối với du khách tham quan.
Thuyết minh viên Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu các không gian trưng bày với quan khách
Tại tọa đàm, Công ty Cổ phần Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam AIAIVN đã trình bày các nội dung về “Ứng dụng hệ thống công nghệ nâng cao trải nghiệm tham quan, góp phần đa dạng và cá nhân hóa trải nghiệm của khách”, và “Xây dựng hệ sinh thái Bảo tàng số bền vững - Kết nối dữ liệu, AI và công tác bảo tồn”.
Theo đó, 3 bước chuyển đổi số cốt lõi cho Bảo tàng Đà Nẵng sẽ là: Thu thập và phân tích hành vi khách tham quan để cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu nội dung trưng bày và hành trình tham quan; Tối ưu hóa bán vé, dịch vụ bổ sung và tối ưu dòng khách; Chuyển đổi từ 2D sang 3D, tạo lớp thông tin mở rộng giúp tăng tương tác, quản lý hiệu quả và dễ dàng mở rộng kho dữ liệu di sản.
Hiện nay, Bảo tàng Đà Nẵng là một thiết chế văn hóa hiện đại mới, nổi bật tại thành phố Đà Nẵng với những ứng dụng công nghệ tân tiến, thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế.
Không gian bảo tàng hấp dẫn, thu hút mọi lứa tuổi
Đón tiếp du khách tại quầy lễ tân Bảo tàng Đà Nẵng là trợ lý ảo với chức năng hỗ trợ 10 ngôn ngữ, giúp du khách có hành trình khám phá lịch sử một cách dễ dàng và sống động.
Không dừng lại ở đó, trong tương lai, trợ lý ảo tại Bảo tàng Đà Nẵng sẽ được tăng số lượng trên 20 ngôn ngữ hỗ trợ. Cải tiến nội dung về số lượng cổ vật, hiện vật, tích hợp với Website, Fanpage, Messenger, Whatsapp, tích hợp hệ thống bán vé online, hệ sinh thái AI Agent của du lịch Đà Nẵng..., đáp ứng các trải nghiệm tham quan thông minh, quản lý và vận hành bền vững, trở thành địa chỉ giáo dục di sản thế hệ mới.
NGỌC HÀ
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/van-hoa/toa-dam-bao-tang-trong-ky-nguyen-ai-136046.html