Tọa đàm 'Công khai ngân sách: Từ khung pháp lý đến thực tiễn triển khai'

Tọa đàm 'Công khai ngân sách: Từ khung pháp lý đến thực tiễn triển khai'
2 giờ trướcBài gốc
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung chủ trì cuộc họp báo công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước năm 2022 ngày 02/7/2024. Ảnh tư liệu
Việc công khai ngân sách cũng như việc công khai kết quả kiểm toán là một yếu tố rất quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về hiệu quả quản lý ngân sách.
Đặc biệt, việc công khai, minh bạch có thể giúp nâng cao được lòng tin của công chúng đối với hoạt động của các cơ quan, của chính quyền trong việc sử dụng ngân sách.
Điều 15 Luật Ngân sách nhà nước 2015 đã quy định cụ thể về công khai ngân sách từ nội dung, hình thức, thời gian đến thủ tục công khai.
Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin cũng cụ thể hóa những thông tin phải được công khai, trong đó có thông tin liên quan đến tình hình dự toán, quá trình thực hiện và quyết toán ngân sách nhà nước.
Điều 50 và Điều 51 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 quy định rõ việc công khai báo cáo kiểm toán, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật này cũng đã quy định rõ 8 tài liệu cần phải được công khai và thời điểm công khai.
Khung pháp lý trên là cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng ngân sách thực thi việc công khai ngân sách.
Bước tiến trên cả 3 “trụ cột”
Tài liệu về công khai ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính.
Theo kết quả khảo sát năm 2023 do Tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) thực hiện, nước ta đã có sự tiến bộ về công khai, minh bạch ngân sách trên cả 3 trụ cột.
Khảo sát công khai ngân sách (OBS) được xây dựng trên các tiêu chí quốc tế của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD), Tổ chức Quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) và các tiêu chuẩn về sự tham gia của tổ chức Sáng kiến toàn cầu về Minh bạch tài khóa (GIFT). Đây là sáng kiến nhằm thúc đẩy các chính phủ công khai minh bạch ngân sách, hướng tới hệ thống ngân sách minh bạch, có sự tham gia và giải trình tốt hơn, từ đó tăng uy tín và hiệu quả sử dụng ngân sách. Khảo sát công khai ngân sách ở Việt Nam do Tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) thực hiện với chu kỳ đánh giá 2 năm 1 lần kể từ năm 2012.
Trụ cột minh bạch có điểm số tăng dần qua các kỳ khảo sát và năm 2023 đạt 51/100 điểm, xếp hạng 57/125 quốc gia. Việt Nam cũng đã công khai được 7/8 tài liệu chủ chốt, trong đó có báo cáo kiểm toán và báo cáo thực hiện kiến nghị kiểm toán, mức độ đầy đủ của các báo cáo này cũng tăng lên.
Báo cáo kiểm toán là 1 trong 8 tài liệu bắt buộc phải công bố trong các chỉ số công khai, minh bạch về ngân sách và cũng đã thường xuyên được công bố đúng hạn trong tất cả các kỳ. Đặc biệt hơn nữa là nội dung của các báo cáo kiểm toán này đã được tăng lên về độ phức hợp và đầy đủ. Hơn nữa, chúng ta cũng thấy rằng báo cáo về thực hiện kiến nghị kiểm toán cũng đã được công khai, không chỉ ở cơ quan Kiểm toán nhà nước mà còn ở các đơn vị được kiểm toán.
Bà Ngô Minh Hương – Giám đốc Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI)
Việt Nam đang đứng hàng đầu ở trụ cột giám sát ngân sách, xếp hạng 11/125 quốc gia. Đặc biệt, vai trò giám sát của Quốc hội đạt 78/100 điểm và việc giám sát của Kiểm toán nhà nước đạt 89/100 điểm. Hai điểm số này đều cao hơn so với điểm trung bình toàn cầu lần lượt là 45 và 62/100 điểm. Những con số này khẳng định vai trò quan trọng của Quốc hội và Kiểm toán nhà nước trong việc giám sát ngân sách.
Đối với trụ cột sự tham gia của công chúng, Việt Nam cũng đã có bước tiến nhỏ với điểm trung bình năm 2023 là 19/100 điểm, tăng 2 điểm so với kết quả khảo sát năm 2021.
Những “điểm trừ” cần khắc phục
Mặc dù cả 3 trụ cột đều có những bước tiến nhất định nhưng việc thực hiện công khai ngân sách và kết quả kiểm toán tại các địa phương, Bộ, ngành vẫn còn những “điểm trừ”.
Theo kết quả khảo sát sơ bộ của CDI, năm 2023 có 10 tỉnh công bố Kết quả kiểm toán ngân sách tỉnh, gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Hòa Bình, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Cà Mau, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ngãi; tăng 4 tỉnh so với năm 2022 nhưng số địa phương thực hiện công khai vẫn còn ít so với yêu cầu.
Năm 2021, chỉ có 5/44 Bộ, cơ quan Trung ương được khảo sát công khai ngân sách đầy đủ và tương đối đầy đủ, trong khi có tới 17/44 Bộ, cơ quan Trung ương công khai ngân sách chưa đầy đủ và 22/44 Bộ, cơ quan Trung ương ít công khai ngân sách.
Cũng theo khảo sát của CDI, cơ hội để công chúng tham gia vào chu trình ngân sách còn ít. Bên cạnh đó, quy định về việc công khai chưa đầy đủ, chế tài xử lý các đơn vị chưa công khai ngân sách còn thiếu...
Cải thiện hơn nữa việc công khai, minh bạch ngân sách và kết quả kiểm toán
Với mong muốn có thêm những góc nhìn đa chiều, những đề xuất giải pháp toàn diện từ phía chuyên gia cũng như đại diện các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan về vấn đề này, Báo Kiểm toán tổ chức Tọa đàm để cùng trao đổi, thảo luận sâu sắc và toàn diện hơn về chủ đề: “Công khai ngân sách: Từ khung pháp lý đến thực tiễn triển khai”.
Khách mời tham dự Tọa đàm có ông Bùi Đặng Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; ông Vũ Ngọc Tuấn – Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III, Kiểm toán nhà nước; ông Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính.
Ông Bùi Đặng Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội
Ông Vũ Ngọc Tuấn – Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III
Ông Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính
Tại Tọa đàm, các khách mời sẽ tập trung phân tích, làm rõ thực trạng triển khai các quy định về công khai ngân sách nhà nước và công khai kết quả kiểm toán; trong đó làm rõ những mặt đã làm được và những vướng mắc khi thực thi pháp luật.
Trên cơ sở đó, các khách mời sẽ khuyến nghị các giải pháp để khắc phục hạn chế trong việc tổ chức thực hiện công khai ngân sách gắn với kết quả kiểm toán tại các đơn vị sử dụng ngân sách hiện nay...
Thực tiễn cũng đã cho thấy, nhiều vụ việc tham nhũng, buông lỏng quản lý tài chính – ngân sách, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước thời gian vừa qua có một phần nguyên nhân đến từ sự thiếu công khai, minh bạch ngân sách.
Bởi vậy, hơn bao giờ hết, yêu cầu công khai, minh bạch ngân sách cần phải được coi trọng và ngày càng cải thiện hơn nhằm đáp ứng những đòi hỏi khách quan trong quá trình quản lý, điều hành tài chính – ngân sách, tạo niềm tin và sự đồng thuận của người dân vào nền tài chính quốc gia.
Những chia sẻ, khuyến nghị của các vị khách mời tại Tọa đàm được kỳ vọng sẽ giúp các cơ quan, đơn vị liên quan có thêm thông tin, giải pháp để cải thiện tính minh bạch, công khai trong quy trình ngân sách, góp phần nâng cao hiệu quả các chính sách tài khóa cũng như trách nhiệm giải trình trong việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước.
Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục đưa tin về Tọa đàm…
THÙY ANH
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/toa-dam-cong-khai-ngan-sach-tu-khung-phap-ly-den-thuc-tien-trien-khai-35273.html