Tọa đàm 'Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới'

Tọa đàm 'Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới'
2 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc tọa đàm.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, lãnh đạo Đảng, nhà nước đã có các bài viết, bài phát biểu quan trọng về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và công tác xây dựng pháp luật, trong đó có những thông điệp, tư duy, tư tưởng mới cần nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn như phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10, phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV của Tổng Bí thư Tô Lâm; các bài viết của Tổng Bí thư “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, và đặc biệt là bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Để kịp thời tổ chức triển khai quan điểm, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã giao Báo Pháp luật Việt Nam xây dựng Chuyên mục “Thể chế trong Kỷ nguyên mới” và tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới”. Tọa đàm có ý nghĩa rất lớn trong việc định hướng nội dung cho chuyên mục quan trọng này.
Đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng luật là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thời gian tới nhằm tạo đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đưa đất nước vững bước vào Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
TS Nhị Lê phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới là chủ đề mới trong bối cảnh mới. Sau 40 năm đổi mới, cùng với những kết quả đạt được thì đất nước ta cũng phát hiện điểm nghẽn trong thể chế pháp luật. “Để đạt được mục tiêu 21 năm tới trở thành nước phát triển, vấn đề thể chế là then chốt”, TS Nhị Lê khẳng định.
Theo nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, thể chế được xây dựng từ hai nhân tố pháp trị và đức trị. Nghĩa là, thể chế được xây dựng từ luật pháp thống nhất với truyền thống xã hội, dư luận xã hội, pháp lý quốc tế và thông lệ quốc tế, nhằm định hướng và bảo đảm mọi sự phát triển kinh tế xã hội một cách thống nhất và cân bằng. Hơn lúc nào hết, Đảng ta phải tiếp tục chủ động, chủ động hơn và kiên định “nắm chắc” luật pháp để cầm quyền, bảo đảm thống nhất vai trò lãnh đạo, trách nhiệm lịch sử; bảo đảm thượng tôn pháp luật nhằm nâng cao vị thế, vai trò và sức mạnh lãnh đạo của Đảng đối với đất nước thông qua nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. TS Nhị Lê cũng mong muốn hệ thống pháp luật nước ta ngày càng đồng bộ, thống nhất hơn. Ông đồng thời gợi mở một số giải pháp để giải quyết vấn đề này.
GS.TS Phan Trung Lý phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm.
Liên quan đến chủ đề tọa đàm, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội nêu những ý kiến tâm huyết về vấn đề chủ quyền của nhân dân. Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, đây là giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền nói chung và nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam nói riêng. Quyền lực nhà nước phải được kiểm soát chặt chẽ, nhân dân góp phần tích cực kiểm soát quyền lực nhà nước. Đồng thời, theo GS.TS Trần Ngọc Đường, hoạt động lập pháp phải đảm bảo quyền của nhân dân, cần đề cao chủ quyền của nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền.
Nguyễn Hương
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/toa-dam-doi-moi-tu-duy-xay-dung-phap-luat-trong-ky-nguyen-moi-i748988/