Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã chính thức nhận được sự thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương và đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường xây dựng lĩnh vực đường sắt và tham gia phát triển công nghiệp đường sắt (Ảnh: minh họa).
Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn được tổ chức vào tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định sẽ nghiên cứu, giao nhiệm vụ, đặt hàng các doanh nghiệp xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng. Trong đó có dự đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị…
Nhấn mạnh đây là một trong những công trình biểu tượng của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Thủ tướng khẳng định với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: "Chúng ta đủ điều kiện để làm và phải quyết tâm làm". Cùng với nguồn lực tài chính, phải huy động tổng lực nguồn nhân lực, phương tiện của đất nước phục vụ dự án.
Với định hướng sử dụng vốn đầu tư công là chủ yếu, liệu các doanh nghiệp giao thông Việt Nam có cơ hội tham gia vào thị trường xây dựng và tiếp cận lĩnh vực công nghiệp đường sắt vô cùng tiềm năng mà dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mang lại hay không?
Báo Giao thông tổ chức tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt" để cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, chuyên gia cùng trao đổi, hiến kế, tham vấn vào quá trình hoạch định kế hoạch triển khai dự án.
Tọa đàm được tường thuật trực tiếp Báo Giao thông điện tử.
Khách mời tham dự tọa đàm:
Theo phương án trình Quốc hội, dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km.
Điểm đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi). Điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm).
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Trên toàn tuyến được đề xuất bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Dự án được đề xuất sử dụng 3 loại kết cấu chính trên tuyến, gồm: Kết cấu cầu khoảng 60% chiều dài tuyến, áp dụng trong trường hợp tuyến đi qua khu vực đô thị, đông dân cư, vượt sông, đất yếu và các vị trí giao với các công trình khác (đường sắt hiện tại, đường bộ...).
Kết cấu hầm khoảng 10% chiều dài tuyến, áp dụng khi tuyến đi qua khu vực đồi núi cao.
Kết cấu nền đất khoảng 30% chiều dài tuyến, áp dụng khi tuyến đi qua khu vực dân cư thưa, không giao cắt với công trình khác, ít bị ảnh hưởng của lũ lụt, động đất, điều kiện địa chất ổn định.
Kỳ Nam