Cụ bà Nguyễn Thị Sáu (ở Bình Dương), gần 90 tuổi - người đã lặng lẽ trao đi những bữa sáng ấm lòng cho học sinh, công nhân, người lao động nghèo - là một trong những tấm gương tiêu biểu
Triển lãm “Những tấm gương bình dị cao quý" lần thứ 13 do Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức là dịp để tôn vinh 135 tấm gương điển hình tiên tiến (bao gồm 71 tập thể và 64 cá nhân) từ mọi lĩnh vực, mọi miền Tổ quốc.
Đây là những tấm gương tiêu biểu được Ban Tổ chức lựa chọn từ gần 600 tấm gương trong hơn một năm qua do Ban Tuyên giáo và Dân vận các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương giới thiệu. Họ chính là các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, hết lòng, hết sức cống hiến vì lợi ích của cộng đồng, vì sự bình yên, phồn vinh và phát triển của đất nước.
Các đại biểu tham dự khai mạc triển lãm diễn ra chiều ngày 18/5 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà chia sẻ: "Có thể nói, giữa những bộn bề của cuộc sống hiện đại hôm nay, vẫn luôn hiện hữu những con người bình dị mà cao quý, lặng thầm cống hiến, không phô trương, nhưng để lại dấu ấn sâu đậm. Tiêu biểu như tấm gương Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn ở Hà Nam - người thầy thuốc trẻ tận tụy, từng cứu sống hàng ngàn bệnh nhân nguy kịch, với 2.000 ca chụp động mạch vành, trong đó có 600 bệnh nhân được can thiệp đặt stent động mạch vành thành công. Anh không chỉ giỏi chuyên môn mà còn lan tỏa y đức, tinh thần “lương y như từ mẫu” của đội ngũ y, bác sĩ.
Ở tuyến đầu phòng cháy chữa cháy, Thượng úy Nguyễn Viết Quân, đã dũng cảm cứu sống 4 người trong vụ cháy tại Quỳnh Lôi, Hà Nội, năm 2024. Anh là minh chứng sống động cho tinh thần “vì dân phục vụ” của người chiến sĩ Công an nhân dân.
Triển lãm còn giới thiệu một số tư liệu các bài viết, sách và sưu tập sách nội dung về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng với một số huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng những tấm gương người tốt việc tốt.
Đặc biệt, trong triển lãm còn có sự xuất hiện của những tấm gương phụ nữ bình dị mà cao quý.
Ngoại Sáu - Gương sáng giữa đời thường
Đó là bà Nguyễn Thị Ngang (ngoại Sáu), sinh năm 1936, ngụ khu phố 3, phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Bà vẫn lặng lẽ bán bánh mì suốt hơn 40 năm qua với một tấm lòng nhân hậu. Nhiều người trìu mến gọi bà Ngang là “bà tiên” giữa đời thường, bởi ở tuổi xưa nay hiếm, cụ bà vẫn minh mẫn, ngày ngày đem những ổ bánh mì giá “không thể nào rẻ hơn” đến với những người khó khăn.
Từ gánh bánh mì nhỏ, bà đã lan tỏa yêu thương bằng hành động giản dị mà đầy ý nghĩa. Ổ bánh mì 5.000 đồng - giá không đổi suốt nhiều thập kỷ, là cách bà chia sẻ yêu thương với học sinh, công nhân, người lao động nghèo, giúp họ có bữa sáng ấm lòng trước khi bước vào một ngày làm việc, học tập. Tấm gương giản dị mà cao đẹp ấy được người dân quý mến, cảm phục. Trong lễ tổng kết Cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, bà Ngang được phường Tân An tuyên dương danh hiệu “Người công dân 5 gương mẫu”.
Hành động bình dị của bà là bài học quý về lòng nhân ái, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống tốt đẹp, xây dựng Thủ Dầu Một văn minh, hiện đại và giàu tình người.
Cô học trò đam mê nghiên cứu khoa học
Một trong những tấm gương trẻ tuổi được tôn vinh tại triển lãm là em Nguyễn Minh Tú, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, là tấm gương tiêu biểu về tinh thần sáng tạo khoa học kỹ thuật trong học sinh.
Em Nguyễn Minh Tú, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên
Đam mê nghiên cứu khoa học từ sớm, em luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi để có thể cho ra đời nhiều dự án có tính thực tiễn, ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu, em luôn được thầy, cô giáo, gia đình, bạn bè khuyến khích, hỗ trợ cả vật chất lẫn kiến thức chuyên môn, điều đó đã giúp em hoàn thành những ý tưởng, có cách làm sáng tạo, phù hợp hơn với điều kiện thực tế, thành công trong việc nghiên cứu những sản phẩm. Minh Tú đã chế tạo nhiều sản phẩm ứng dụng cao.
Năm học 2023 - 2024, sản phẩm “Máy BMD bấm huyệt, massage, dẫn dược tự động” của em đạt giải Nhì cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia. Thiết bị gồm 3 bộ phận: thị giác máy tính để quét bàn chân, hệ thống bấm huyệt - massage - dẫn dược và giao diện cập nhật thông tin bệnh nhân cho bác sĩ theo dõi từ xa. Năm 2023, nhóm của em giành Huy chương Vàng tại cuộc thi sáng tạo quốc tế INNOVERSES 2023 với sản phẩm “Head-Mouse” điều khiển máy tính bằng đầu. Các sản phẩm của Tú được đánh giá cao về tính sáng tạo, khả năng thương mại hóa và được doanh nghiệp trong nước quan tâm phát triển.
Những thành tích nổi bật của Minh Tú không chỉ là niềm tự hào của gia đình, nhà trường mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến các bạn học sinh khác. Với tinh thần say mê nghiên cứu em đang viết tiếp hành trình chinh phục tri thức, góp phần xây dựng thế hệ trẻ tự tin, sáng tạo, hội nhập và phát triển.
Dù ở, đâu, dù ở lửa tuổi nào, những người phụ nữ như ngoại Sáu, như em Minh Tú và những con người bình dị khác đã không ngừng cố gắng, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng. Họ chính là những bông hoa tươi thắm nhất kính dâng Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người.
Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phối hợp Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý".
Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” được tổ chức liên tục trong 13 năm (2013-2025), là một hoạt động chính trị, văn hóa vô cùng ý nghĩa. Không chỉ tôn vinh những tấm gương “Người tốt, việc tốt”, triển lãm còn góp phần giúp công chúng nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó khơi dậy tinh thần cống hiến bằng những hành động thiết thực, lan tỏa trong đời sống xã hội.
Triển lãm diễn ra từ 18/5/2025 đến tháng 8/2025 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, 19C Ngọc Hà, Q.Ba Đình, Hà Nội.
Phương Anh