Toàn cảnh 25km tuyến Vành đai 1 Hà Nội

Toàn cảnh 25km tuyến Vành đai 1 Hà Nội
8 giờ trướcBài gốc
Ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt nhằm ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, yêu cầu TP Hà Nội triển khai các giải pháp để đến ngày 1/7/2026, không còn xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1.
Theo tìm hiểu của PV Báo Xây dựng, Vành đai 1 được xác định khép kín qua các tuyến: Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Đê La Thành - Bưởi - Cầu Giấy - Võ Chí Công - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Quang Khải. Chu vi toàn tuyến khoảng 25km, diện tích khoảng 31km², trong đó Hồ Tây chiếm khoảng 5,2km².
Vành đai 1 đi qua 9 phường mới (sau sắp xếp), gồm 6 phường nằm trọn: Ba Đình, Ngọc Hà, Hoàn Kiếm, Cửa Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hai Bà Trưng và 3 phường một phần: Tây Hồ, Ô Chợ Dừa, Giảng Võ. Dân số trong khu vực vào khoảng 600.000 người. Hiện có gần 450.000 xe máy do người dân trong khu vực sở hữu. Trong toàn thành phố, tổng số phương tiện xe máy là khoảng 6,9 triệu chiếc.
Ghi nhận của PV Báo Xây dựng cho thấy, giao thông qua các tuyến đường Vành đai 1 luôn trong trạng thái đông đúc, lượng phương tiện di chuyển đông đúc nhất trong giờ cao điểm là xe máy.
Được biết, thành phố hiện có 45 tuyến buýt trợ giá hoạt động trong Vành đai 1, trong đó có 11 tuyến buýt điện với tổng cộng 126 xe buýt năng lượng sạch, phục vụ gần 6.500 lượt xe/ngày, tần suất dao động từ 5 - 20 phút/lượt.
Trục đường Âu Cơ - Nghi Tàm được đưa vào khai thác dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.
Đường Âu Cơ hướng đi nút giao với đường Lạc Long Quân.
Trong ảnh nút giao Voi Phục đường Vành đai 1.
Trục đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân là điểm nóng về giao thông ở tuyến đường Vành đai 1.
Hầm chui Kim Liên ở trên tuyến Vành đai 1.
Trên thực tế, dự án Vành đai 1 chưa được khép kín do vẫn còn đoạn từ Hoàng Cầu tới Voi Phục đang thi công. Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài hơn 2,2km, mặt cắt ngang 50m, điểm đầu giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa cũ), điểm cuối tại nút giao Voi Phục (quận Ba Đình cũ).
Một số căn nhà trên đường Đê La Thành đang được tháo dỡ để bàn giao mặt bằng cho dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Tuy nhiên, phần lớn mặt bằng trên tuyến vẫn chưa được bàn giao. Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục hiện chỉ rộng 7-8m, 2 làn xe, thường xuyên ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm.
TS Phan Lê Bình, chuyên gia đến từ Tổ chức JICA (Nhật Bản), cũng cho rằng, nếu áp dụng từ 1/7/2026, lượng người bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là người thu nhập thấp, buôn bán nhỏ. Việc tổ chức giao thông công cộng kết nối, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để người dân chấp nhận thay đổi. Chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để lộ trình cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ 1/7/2026 trở thành hiện thực, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân.Nếu được chuẩn bị bài bản, đồng bộ và nhân văn, đây sẽ là bước ngoặt xanh hóa giao thông đô thị, mang lại môi trường sống tốt hơn cho hàng triệu người dân Thủ đô.
Lê Tươi
Biển Ngọc
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/toan-canh-25km-tuyen-vanh-dai-1-ha-noi-192250714183132266.htm