Toàn cảnh bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2024 qua các con số
4 giờ trướcBài gốc
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, dù gặp nhiều thách thức, thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra nhưng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 vẫn tăng mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực: tăng trưởng GDP đạt 6,82%; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,34%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023...
TỔNG SẢN PHẨM QUỐC NỘI
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 năm 2024 ước tính tăng 7,40% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020 - 2024, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41% (đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây); dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04%.
Về sử dụng GDP quý 3 năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,02% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 59,78% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 7,08%, đóng góp 39,03%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,84%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 1,19%.
Lũy kế GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.
CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG
Giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố do ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3 (siêu bão Yagi); giá thuê nhà ở tăng... là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2024 chỉ tăng 0,29% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2023 tăng 2,63%.
CPI bình quân quý 3 năm 2024 tăng 3,48% so với quý 3 của năm 2023. Lũy kế 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm ngoái; lạm phát cơ bản tăng 2,69%. Trong mức tăng 0,29% của CPI tháng 9 năm 2024 (so với tháng trước), có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Bên cạnh đó, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 27/9/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.589,67 USD/ounce, tăng 3,77% so với tháng 8/2024. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 9 năm 2024 tăng 1,88% so với tháng trước và tăng 32,27% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân, 9 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 26,27%.
Tính đến ngày 27/9/2024, chỉ số giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 100,95 điểm, giảm 1,4% so với tháng trước khi FED quyết định giảm lãi suất khiến giá đồng USD liên tục giảm. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do đạt mức 25.329VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9 năm 2024 giảm 1,79% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân, 9 tháng năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,46%.
HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ
Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ trong 9 tháng năm 2024.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 năm 2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 16,7%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành trong tháng ước đạt 535,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,6% và lưu trú, ăn uống tăng 7,9%. Đồng thời, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của quý 3 năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1.591,0 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với quý trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 10,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ tăng 7,6%).
HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP
Trong tháng, cả nước có 11,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 92,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 63 nghìn lao động, giảm 16,3% về số doanh nghiệp, giảm 25,5% về vốn đăng ký và giảm 12,3% về số lao động so với tháng 8 năm 2024. So với cùng kỳ năm 2023, giảm 5,0% về số doanh nghiệp, giảm 5,8% về số vốn đăng ký và giảm 16,3% về số lao động.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8,3 tỷ đồng, giảm 11,1% so với tháng trước và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, cả nước còn có gần 6,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,7% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, cả nước có gần 121,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.158,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 735,0 nghìn lao động, tăng 3,4% về số doanh nghiệp, tăng 3,4% về vốn đăng ký và giảm 3,4% về số lao động so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2024 đạt 9,5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái.
CÁN CÂN XUẤT - NHẬP KHẨU
Trong tháng 9 năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 65,81 tỷ USD, giảm 8% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tăng 15,4%; nhập khẩu tăng 17,3%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng hóa:
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 năm 2024 sơ bộ đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,39 tỷ USD, giảm 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,66 tỷ USD, giảm 8,1%.
So với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng sơ bộ tăng 10,7%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 8,8%.
Quý 3 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 108,6 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 10,6% so với quý 2 của năm 2024. Lũy kế 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,16 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 72,1%.
Nhập khẩu hàng hóa:
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9 năm 2024 sơ bộ đạt 31,76 tỷ USD, giảm 5,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,94 tỷ USD, giảm 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,82 tỷ USD, giảm 3,6%.
So với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng sơ bộ tăng 11,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 8,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,5%.
Quý 3 năm 2024, kim ngạch nhập khẩu sơ bộ đạt 99,74 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 6,1% so với quý 2 của năm 2024. Lũy kế 9 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 100,85 tỷ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 177,99 tỷ USD, tăng 16,5%.
CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP (IIP)
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm 2023 (quý 1 tăng 6,47%; quý 2 tăng 8,78%; quý 3 tăng 9,59%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76% (quý 1 tăng 7,21%; quý 2 tăng 10,39%; quý 3 tăng 11,41%), đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Chỉ số IIP 9 tháng năm 2024 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm 2023: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 18,8%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 16,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,0%; dệt tăng 12,8%; sản xuất kim loại tăng 12,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 12,0%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,8%.
Chỉ số IIP 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.
THU - CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2024 ước tăng 17,9%, chi ngân sách Nhà nước ước tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Thu ngân sách Nhà nước:
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 9 năm 2024 ước đạt 94,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2024 ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số khoản thu chính như sau:
- Thu nội địa tháng 9 năm 2024 ước đạt 74 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 1.203,1 nghìn tỷ đồng, bằng 83,3% dự toán năm và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Thu từ dầu thô tháng 9 năm 2024 ước đạt 4,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 44,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,6% dự toán năm và giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2023.
- Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 9 năm 2024 ước đạt 15,4 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 200,2 nghìn tỷ đồng, bằng 98,1% dự toán năm và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Chi ngân sách Nhà nước:
Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 9 năm 2024 ước đạt 153,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 1.256,3 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán năm và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi thường xuyên 9 tháng năm 2024 ước đạt 856,5 nghìn tỷ đồng, bằng 68,0% dự toán năm và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái; chi đầu tư phát triển đạt 320,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,3% và giảm 11,8%; chi trả nợ lãi 77,3 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2% và tăng 6,6%.
VẬN TẢI HÀNH KHÁCH VÀ HÀNG HÓA
Hoạt động vận tải trong tháng ổn định, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. So với cùng kỳ năm 2023, vận tải hành khách tăng 9,0% về vận chuyển và tăng 18,0% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 12,6% về vận chuyển và tăng 7,3% về luân chuyển.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, vận chuyển hành khách tăng 7,4% và luân chuyển tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái; vận chuyển hàng hóa tăng 13,7% và luân chuyển tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Vận tải hành khách tháng 9 năm 2024 ước đạt 435,4 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 0,6% so với tháng trước và luân chuyển 23,5 tỷ lượt khách/km, tăng 0,9%; quý 3 năm 2024 ước đạt 1.301,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023 và luân chuyển đạt 70,9 tỷ lượt khách/km, tăng 12,6%.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 3.660,2 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 13,2%) và luân chuyển đạt 204,6 tỷ lượt khách/km, tăng 12,2% (cùng kỳ tăng 26,7%). Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 3.646,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023 và 161,4 tỷ lượt khách/km luân chuyển, tăng 8,1%; vận tải ngoài nước ước đạt 13,4 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 19,2% và 43,2 tỷ lượt khách/km luân chuyển, tăng 31,1%.
Vận tải hàng hóa tháng 9 năm 2024 ước đạt 218,8 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 0,6% so với tháng trước và luân chuyển 44,9 tỷ tấn/km, giảm 1,7%; quý 3 năm 2024 ước đạt 659,0 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2023 và luân chuyển 136,5 tỷ tấn/km, tăng 9,3%.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 1.917,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 14,6%) và luân chuyển 393,4 tỷ tấn/km, tăng 10,5% (cùng kỳ tăng 11,3%). Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 1.883,4 triệu tấn vận chuyển, tăng 13,9% và 238,8 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 6,6%; vận tải ngoài nước ước đạt 34,5 triệu tấn vận chuyển, tăng 4,3% và 154,6 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 17,2%.
KHÁCH QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM
Nhờ chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng.
Trong tháng, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,3 triệu lượt người, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 9 tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 12,7 triệu lượt người, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tổng số 12,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng năm 2024, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 10,8 triệu lượt người, chiếm 84,9% và tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023; khách đến bằng đường bộ đạt gần 1,8 triệu lượt người, chiếm 13,8% và tăng 68,1%; khách đến bằng đường biển đạt gần 165,7 nghìn lượt người, chiếm 1,3% và tăng 158,7%.
Bên cạnh đó, số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong tháng là 421,8 nghìn lượt người, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 9 tháng năm 2024, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 4,1 triệu lượt người, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
VỐN FDI ĐĂNG KÝ CẤP MỚI
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 3 năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 966,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2023, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 273,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 537,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 155,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2%.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 2.417,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 664,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng vốn và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.336,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,3% và tăng 7,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 415,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,2% và tăng 10,7%.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2024 ước đạt 428,1 nghìn tỷ đồng, bằng 55,7% kế hoạch năm và tăng 2,0% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ bằng 57,3% và tăng 24,7%). Theo cấp quản lý, vốn Trung ương đạt 75,2 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4% kế hoạch năm và giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn địa phương đạt 352,9 nghìn tỷ đồng, bằng 54,8% và tăng 2,7%.
Trong vốn địa phương quản lý, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 236,1 nghìn tỷ đồng, bằng 51,8% và tăng 1,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 100,6 nghìn tỷ đồng, bằng 60,3% và tăng 5,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 16,2 nghìn tỷ đồng, bằng 76,3% và tăng 3,5%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/9/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 9 tháng năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,77 tỷ USD, chiếm 35,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc gần 1,86 tỷ USD, chiếm 13,7%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 1,55 tỷ USD, chiếm 11,5%; Hàn Quốc 1,49 tỷ USD, chiếm 11,0%; Nhật Bản 1,26 tỷ USD, chiếm 9,3%; Thổ Nhĩ Kỳ 731,3 triệu USD, chiếm 5,4%.
7 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI đăng ký cấp mới là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Hưng Yên và Bình Dương.
Nam Anh
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/toan-canh-buc-tranh-kinh-te-9-thang-nam-2024-qua-cac-con-so-post555152.html