Kênh CNN đã thống kê toàn bộ các mốc thời gian và mức thuế quan mà hai bên áp lên hàng hóa của nhau từ đầu năm 2025 tới nay.
Các mốc thời gian và mức thuế
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, 25% đối với hàng hóa Mexico và Canada.
Ngày 3/2, ông Trump thông báo tạm hoãn áp thuế 25% với Mexico và Canada trong 30 ngày, nhưng không hoãn với Trung Quốc.
Ngày 4/2, mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực.
Cùng ngày, Trung Quốc đáp trả và áp thuế 15% đối với than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ, áp mức thuế 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp, ô tô phân khối lớn và xe bán tải. Các mức thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 10/2.
Ngày 10/2, ông Trump công bố áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ tất cả các quốc gia.
Ngày 13/2, ông Trump thông báo chính quyền của ông đang tiến hành điều tra để áp thuế đối ứng đối với các quốc gia khác.
Ngày 4/3, ông Trump áp thêm thuế 10% đối với Trung Quốc và 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, trừ một số ngoại lệ.
Cùng ngày, Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế từ 10 đến 15% đối với các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 10/3.
Ngày 12/3, mức thuế 25% đối với thép và nhôm có hiệu lực với tất cả các quốc gia. Trung Quốc sẽ phải trả mức thuế hơn 25% do trước đó đã bị áp các mức thuế hiện hành đối với thép và nhôm, khiến tổng mức thuế là 45%.
Ngày 26/3, ông Trump công bố mức thuế 25% đối với ô tô, có hiệu lực từ ngày 3/4; còn thuế đối với phụ tùng ô tô sẽ có hiệu lực chậm nhất là ngày 3/5.
Ngày 2/4, ông Trump công bố một gói thuế đối ứng đối với hàng chục quốc gia, trong đó Trung Quốc sẽ bị tăng thuế lên 34%.
Đối với các quốc gia bị áp thuế đối ứng, mức thuế phổ thông 10% sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4 và sẽ được khấu trừ vào mức thuế đối ứng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9/4.
Ngày 3/4, thuế 25% đối với ô tô nhập vào Mỹ có hiệu lực.
Ngày 4/4, Trung Quốc thông báo áp thuế 34% đối với hàng hóa Mỹ, có hiệu lực từ ngày 10/4.
Ngày 5/4, mức thuế cơ bản 10% có hiệu lực, đưa tổng mức thuế của Trung Quốc lên 30%.
Ngày 7/4, đáp trả việc Trung Quốc đánh thuế trả đũa, ông Trump cảnh báo áp thêm thuế 50%, bên cạnh mức thuế đối ứng 34%, nếu Trung Quốc không rút lui.
Ngày 9/4, ông Trump áp thêm thuế 84% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nâng tổng mức thuế lên 104%.
Cùng ngày, Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa 84% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, tiếp tục làm leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngày 9/4, ông Trump nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên ít nhất 145%, có hiệu lực ngay lập tức.
Ông Trump công bố tạm dừng 90 ngày áp thuế đối ứng đối với các quốc gia, trừ Trung Quốc. Tuy nhiên, mức thuế phổ thông 10% vẫn giữ nguyên hiệu lực.
Ngày 11/4, Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ lên mức 125%. Đây là lần thứ ba trong vòng 3 ngày qua Bắc Kinh tăng thuế quan đối với hàng hóa Mỹ. Thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc nêu rõ mức thuế quan đối với hàng hóa Mỹ sẽ tăng từ 84% lên 125%. Ủy ban Thuế vụ Hải quan Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 12/4.
Ngày 15/4, chính phủ Mỹ cho biết hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào nước này phải đối mặt với mức thuế quan lên đến 245% do các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh.
Ngày 16/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiếm, khẳng định: “Cuộc chiến thuế quan và thương mại không có người thắng. Trung Quốc không mong muốn chiến tranh thương mại, nhưng cũng không sợ”.
Trước đó, khi Nhà Trắng xác nhận rằng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc đã tăng lên 145%, Trung Quốc cho rằng việc Mỹ tiếp tục áp thêm thuế không còn mang lại ý nghĩa kinh tế nữa. Phía Trung Quốc nêu rõ: “Xét thấy hiện tại là không còn khả năng thị trường có thể chấp nhận hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc với mức thuế quan hiện nay, nếu phía Mỹ tiếp tục áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ thì phía Trung Quốc không quan tâm đến điều đó nữa”.
Ông Lâm Kiếm nhấn mạnh nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết vấn đề thông qua đàm phán, họ cần từ bỏ cách tiếp cận gây áp lực cực đoan và tham gia đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi.
Ngày 17/4, Tổng thống Trump cho biết ông không muốn tiếp tục tăng thuế đối với Trung Quốc vì điều đó có thể làm đình trệ thương mại giữa hai nước. Ông còn ám chỉ rằng có thể cân nhắc hạ các mức thuế đó. Ông nói: “Đến một thời điểm nào đó, tôi không muốn thuế tăng cao hơn nữa vì đến một thời điểm nào đó, mọi người sẽ không mua nữa… Tôi có thể muốn giảm xuống thấp hơn nữa vì, bạn biết đấy, bạn muốn mọi người mua hàng”.
Dù thuế quan giữa hai nước đã lên mức rất cao nhưng cả hai bên vẫn thể hiện lập trường khá cứng rắn. Nhà Trắng cho rằng Trung Quốc nên chủ động tiếp cận trước, trong khi Bắc Kinh nói họ chưa rõ yêu cầu cụ thể từ phía Mỹ.
Tác động đến nền kinh tế thế giới
Tàu container thuộc công ty vận tải COSCO của Trung Quốc neo tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh BBC, tác động lan tỏa của cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ được cảm nhận trên toàn cầu và hầu hết các nhà kinh tế đánh giá rằng tác động này sẽ rất tiêu cực.
Tổng giá trị giao dịch hàng hóa giữa hai cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới lên tới khoảng 585 tỷ USD vào năm 2024.
Mỹ nhập khẩu nhiều hơn từ Trung Quốc (440 tỷ USD) so với Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ (145 tỷ USD). Điều đó khiến Mỹ phải chịu thâm hụt thương mại với Trung Quốc là 295 tỷ USD vào năm 2024. Đây là mức thâm hụt thương mại đáng kể, tương đương với khoảng 1% nền kinh tế Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc chiếm một phần lớn trong nền kinh tế toàn cầu, khoảng 43% trong năm 2025.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới và đang sản xuất nhiều hơn nhiều so với mức tiêu thụ trong nước của dân số nước này. Trung Quốc hiện có thặng dư hàng hóa gần 1.000 tỷ USD - nghĩa là nước này đang xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn sang các nước khác trên thế giới so với nhập khẩu.
Trung Quốc cũng thường sản xuất những hàng hóa đó với giá thấp hơn chi phí sản xuất thực tế nhờ trợ cấp trong nước và hỗ trợ tài chính của nhà nước. Có nguy cơ là nếu những sản phẩm như vậy không thể vào Mỹ, các công ty Trung Quốc có thể tìm cách "bán phá giá" ra nước khác. Mặc dù điều đó có thể có lợi cho một số người tiêu dùng, nhưng cũng có thể làm suy yếu các nhà sản xuất ở những quốc gia đó, đe dọa đến việc làm và tiền lương.
Theo các nhà kinh tế, không có người chiến thắng thực sự nào trong cuộc chiến thương mại và cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc đầu tàu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu khi các hành động bảo hộ leo thang.
Thùy Dương/Báo Tin tức