Chiều 26/7, có mặt trên đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển, ghi nhận của PV Báo Xây dựng tuyến đường dù nhỏ hẹp nhưng phải "cõng" lượng phương tiện khổng lồ dù không phải giờ cao điểm.
Dọc tuyến đường tồn tại các điểm ùn tắc giao thông trầm trọng như trước cổng Bệnh viện K Tân Triều, nút giao giữa đường 70 và Phạm Tu, đoạn qua cầu Tó (nút giao ngã tư Kim Giang - Phan Trọng Tuệ).
Tốc độ phát triển đô thị tăng nhanh, nhiều khu nhà ở mới, cùng hệ thống bệnh viện, trường học khiến đường tỉnh 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển thường xuyên xảy ra ùn tắc. Thời điểm hơn 14h người, xe như nêm chặt trên đường, người dân chật vật để di chuyển.
“Đây thực sự là tuyến đường ‘tử thần’ tại Hà Nội,” anh Nguyễn Chiến (phường Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ. “Đường vừa nhỏ hẹp, lưu lượng phương tiện lại quá lớn, tình trạng ùn tắc xảy ra hằng ngày, kể cả vào giờ thấp điểm. Việc phải di chuyển sát bên những chiếc container, xe tải khiến ai cũng thấp thỏm, lo lắng tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngoài những vụ tai nạn nghiêm trọng, va quệt nhẹ giữa các phương tiện xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Mỗi ngày tôi phải đi làm qua đây đều cảm thấy mệt mỏi và bất an".
Theo tìm hiểu của phóng viên, tỉnh lộ 70 (đoạn Hà Đông - Văn Điển) giữ vai trò quan trọng về kinh tế - xã hội đối với TP Hà Nội nói chung, đặc biệt là khu vực phía Nam thành phố. Trong bối cảnh đường Vành đai 4 chưa được triển khai và Vành đai 3,5 còn chưa hoàn thiện, tỉnh lộ 70 hiện đang đảm nhiệm vai trò là trục giao thông liên tỉnh quá cảnh qua Hà Nội. Tuyến đường này kết nối hiệu quả các quốc lộ hướng tâm như quốc lộ 32, quốc lộ 6, quốc lộ 1A và đường Láng - Hòa Lạc, góp phần đảm bảo lưu thông hàng hóa và đi lại giữa các khu vực.
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa quyết định phê duyệt cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển - nút giao Tứ Hiệp với chiều dài khoảng 7,122km (không bao gồm nút giao Xa La); Điểm đầu nối với đường Nguyễn Khuyến trong khu đô thị Văn Quán - phường Thanh Liệt, điểm cuối tại nút giao Tứ Hiệp - xã Thanh Trì (nối với Tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3), quy mô mặt cắt ngang 50m.
Với tổng mức đầu tư hơn 2,1 nghìn tỷ đồng, nguồn từ ngân sách TP Hà Nội, thực hiện trong năm 2025-2027 do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư.
Người dân lưu thông trong mệt mỏi, nhích từng chút trên đường.
Các hạng mục chính của dự án sẽ xây dựng nền mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, các dải phân cách, hè đường, tường chắn, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp nước, hào kỹ thuật, chiếu sáng, cây xanh, 3 công trình cầu trên tuyến đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khác…
Chị Nguyễn Thu Phương ở phường Thanh Liệt bày tỏ: "Tuyến đường cần gấp rút được mở rộng, hiện nay lượng phương tiện qua đây rất lớn. Vào các khung giờ cao điểm tôi và nhiều người gặp ùn tắc kéo dài tới 3km, nhất là khu vực đoạn Bệnh viện K Tân Triều".
Theo UBND TP Hà Nội, dự án đầu tư mở rộng tuyến đường nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung của thành phố theo quy hoạch, hình thành một trục giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại. Tuyến đường không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, giảm ùn tắc, mà còn tăng khả năng kết nối, nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến giao thông trong khu vực. Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn thành phố nói chung và các địa phương như: Hà Đông, Thanh Liệt, Kiến Hưng, Đại Thanh, Thanh Trì cùng các khu vực lân cận nói riêng. Đồng thời, tuyến đường sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại và gia tăng giá trị sử dụng đất hai bên tuyến cũng như trong toàn khu vực.
Lê Tươi