Nằm cách trung tâm TPHCM 26km, 3 địa điểm gồm Học viện Phật giáo Việt Nam, chùa Thanh Tâm và Công viên văn hóa Láng Le (huyện Bình Chánh) là nơi diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.
Không chỉ là lễ hội tâm linh, Vesak 2025 còn là dịp để giới thiệu sâu rộng bản sắc Phật giáo Việt Nam và thúc đẩy thông điệp hòa bình, hiểu biết, hợp tác giữa các quốc gia.
Cận cảnh xá lợi Đức Phật - bảo vật quốc gia Ấn Độ được đặt trong bảo tháp của chùa Thanh Tâm để người dân tới chiêm bái. Trước đó (ngày 2/5), chuyên cơ quân sự đưa xá lợi đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sau nghi thức chuyển giao trang trọng, xá lợi được đưa về chùa Thanh Tâm, nơi diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.
Chùa Thanh Tâm mở cửa cho khách thập phương vào chiêm bái xá lợi Đức Phật từ sáng 3/5.
Chùa được khởi công tạo dựng từ những năm 1956. Ngày nay, chùa là nơi lưu trú dành cho chư Ni đang theo học các chương trình cao đẳng, cử nhân và sau đại học thuộc Học viện. Nơi đây là địa điểm tham quan nổi tiếng của TPHCM với cảnh quan yên bình, xanh mát, kiến trúc tráng lệ, chùa thu hút khách thập phương bởi sở hữu tượng “Phật cô đơn”.
Nằm cạnh chùa Thanh Tâm là Học viện Phật giáo Việt Nam, nơi dự kiến diễn ra lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 vào sáng 6/5.
Gian chính điện của Học viện Phật giáo Việt Nam với tên gọi Giảng đường Minh Châu.
Hội trường chính với sức chứa 2.700 chỗ ngồi và 5 hội trường dành cho các phiên hội thảo khoa học trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025.
Công viên văn hóa Láng Le (nằm cạnh Học viện Phật giáo) dự kiến là địa điểm vãn cảnh và tổ chức các hoạt động văn hóa Phật giáo bên lề đại lễ.
Khu vực hồ bán nguyệt sẽ diễn ra các chương trình nghệ thuật, thả hoa đăng trong khuôn khổ đại lễ Vesak 2025 .
Nhiều khu vực phục vụ ẩm thực cho đại biểu, khu làm trung tâm báo chí, trung tâm an ninh, trung tâm y tế, và khu vực tổ chức các sự kiện văn hóa.
Đại lễ diễn ra từ ngày 6-8/5 tại Học viện Phật giáo Việt Nam TPHCM (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) với chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.
Đây là lần thứ tư Việt Nam vinh dự đăng cai sự kiện trọng đại này, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò tích cực của Phật giáo Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, giàu truyền thống văn hóa và thân thiện với bạn bè thế giới.
Nguyễn Huế