Toàn cảnh quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông

Toàn cảnh quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông
14 giờ trướcBài gốc
Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác là di tích nguyên gốc, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp y đức của Đại danh y trên vùng đất huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cũng như cả nước nói chung.
Theo ông Trần Xuân Lương, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) Hà Tĩnh, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đợt 16 cho 6 di tích, trong số này có Di tích Mộ và Khu lưu niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH, TT&DL) xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1990. Đây là di tích nguyên gốc, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp y đức của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở quê nhà.
Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác gồm hai khu vực: Mộ và tượng đài Lê Hữu Trác, thuộc thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung; Khu lưu niệm Lê Hữu Trác, thuộc thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm. Ảnh: Quần thể di tích Đại danh y được an táng nằm dưới chân núi Minh Tự, bên sông Ngàn Phố.
Mộ là nơi yên nghỉ của Đại danh y Lê Hữu Trác từ khi mất (năm 1791) đến nay, có diện tích khoảng 15m2; khuôn viên được xây bằng đá nguyên khối, nằm dưới chân núi Minh Tự, quay mặt về hướng Tây Nam, phía trước là sông Ngàn Phố. Tuy có một số lần trùng tu, tôn tạo nhưng vị trí, hướng và hình thức mộ không thay đổi.
Tại mộ và khu lưu niệm hiện còn lưu giữ một số tư liệu, hiện vật quan trọng như các bản sách thuốc của Lê Hữu Trác được viết vào những năm đầu thế kỷ XX, sách thuốc Hải Thượng Lãn Ông toàn thư (viết năm 1942), sách Y gia tâm lĩnh (viết năm 1950), một số dụng cụ bào chế thuốc của Lê Hữu Trác…
Lê Hữu Trác tên thật Lê Hữu Huân, sinh ngày 12/11/1724, là con thứ bảy trong một gia đình đại trí thức ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), quê ngoại ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Ông lấy hiệu Hải Thượng Lãn Ông, ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, quyền thế.
Lê Hữu Trác mất ngày 15 tháng Giêng năm Tân Hợi 1791, thọ 67 tuổi và được an táng ở chân núi Minh Tự, bên sông Ngàn Phố.
Ông để lại cho đời một tấm gương sáng về y đức, y lý, y thuật. Ông có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, trong đó có thuốc Nam khi kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh thiền sư.
Cuối tháng 11/2023, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 42, Hội đồng UNESCO chính thức thông qua nghị quyết với danh sách 53 danh nhân văn hóa, trong đó có Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Hà Diệp Anh
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/toan-canh-quan-the-di-tich-quoc-gia-dac-biet-dai-danh-y-hai-thuong-lan-ong-192241204163821071.htm