Toàn cảnh vụ Khai Phong 'vỡ trận' vì 100.000 sinh viên đạp xe ăn đêm

Toàn cảnh vụ Khai Phong 'vỡ trận' vì 100.000 sinh viên đạp xe ăn đêm
17 giờ trướcBài gốc
Cụm từ "ye qi" (tạm dịch: chuyến đi đêm) đã trở nên thông dụng trên mạng xã hội Trung Quốc thời gian gần đây. Các nhóm sinh viên từ những trường đại học ở Trịnh Châu - thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc với dân số khoảng 12 triệu người - đã thuê xe đạp công cộng để tới Khai Phong - thành phố lịch sử lân cận với 5 triệu cư dân. Những chuyến đi này thường bắt đầu vào buổi tối hoặc khoảng nửa đêm.
Trên các nền tảng, video về dòng người đạp xe hướng về Khai Phong lan truyền nhanh chóng. Đoàn người đạp xe hơn 60 km, cầm theo cờ, cùng nhau hát hò, quay phim bằng điện thoại. Tất cả tạo nên không khí vui vẻ, nhộn nhịp.
Theo một số báo cáo, khoảng 100.000 đến 200.000 người đã tham gia những chuyến đi đêm này. Xu hướng thu hút sự chú ý của truyền thông trong nước và quốc tế, đặc biệt là khi chính quyền địa phương áp dụng các hạn chế đối với những người đạp xe thường được gọi là "đội quân cưỡi ngựa đêm" này.
Nguồn gốc xu hướng
Nguồn gốc của trào lưu này khá mơ hồ. Các clip đầu tiên về sinh viên đạp xe đến Khai Phong xuất hiện ngày 2-3/11, trùng với những chuyến đi quy mô lớn xuất phát từ Trịnh Châu. Xu hướng được cho xuất hiện một cách bất ngờ.
Hôm 3/11, nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc đăng bài giải thích về hiện tượng này. Theo các bài viết, vào ngày 18/6, 4 nữ sinh viên đã quyết định đạp xe từ Trịnh Châu đến Khai Phong vào lúc 19h để thưởng thức món sủi cảo nổi tiếng của thành phố.
Nhóm đạp xe hết 5 tiếng đồng hồ, sau đó đăng clip về hành trình này với chú thích: "Tuổi trẻ chỉ đến một lần". Bài đăng đã truyền cảm hứng cho hàng trăm sinh viên khác làm theo.
Xu hướng tổ chức các chuyến đạp xe ban đêm theo nhóm lên đến đỉnh điểm vào hai tuần đầu tháng 11. Trào lưu này cũng được các tờ báo nước ngoài như BBCThe Guardian đưa tin.
Những người đạp xe hơn 60 km đi ăn đêm ở Trung Quốc.
Nhưng thực tế, các trang tin ở Hà Nam đã nhảy vào sớm hơn, khi đưa tin về hành trình của 4 cô gái từ đầu mùa hè. Tiếp theo là clip ghi lại chuyến đi của một người dùng Douyin (phiên bản ở Trung Quốc của TikTok) từ Trịnh Châu đến Khai Phong để ăn sáng vào ngày 23/6. Đến tháng 10, một clip tương tự xuất hiện và cũng được đưa tin.
Điều đáng chú ý là hiện tại không thể tìm thấy clip gốc của 4 cô gái đạp xe hồi tháng 6. Nhiều người tò mò tại sao clip này lại viral đến vậy dù không để lại dấu chân kỹ thuật số (digital watermark) đáng kể.
Bên cạnh đó, các clip này xuất hiện trong bối cảnh nhiều thành phố ở Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt để trở thành hiện tượng mạng xã hội tiếp theo. Sau thành công của thành phố nhỏ bé Truy Bác với món thịt nướng, các thành phố hạng hai, hạng ba ở xứ tỷ dân đã nỗ lực sao chép danh tiếng của Truy Bác.
Lý tưởng nhất là nổi tiếng một cách tự nhiên, nhưng nhiều nơi cũng cố gắng quảng bá đặc sản địa phương, thậm chí thổi phồng một địa điểm hay món ăn nào đó. Những nơi như Thiên Thủy (tỉnh Cam Túc) hay Cáp Nhĩ Tân đã tận hưởng được khoảnh khắc nổi tiếng trong năm nay nhờ clip, meme (nội dung chế) lan truyền trên các nền tảng chia sẻ video ngắn.
Khai Phong đã khởi động sáng kiến thúc đẩy du lịch trước khi có xu hướng đạp xe. Hồi tháng 3, dịch vụ đưa đón đặc biệt từ Trịnh Châu đến Khai Phong được triển khai nhằm khuyến khích các chuyến đi trong ngày. Đến tháng 4, thành phố ra mắt chương trình "Ghép đôi Vương Bà" tại khu võ thuật Vạn Thủy để thu hút du khách.
Ngay khi các clip đạp xe được quan tâm, thành phố dường như đã cố gắng tận dụng sự lan truyền trên mạng xã hội, biến nó thành xu hướng. Tuy nhiên, quy mô của hiện tượng có lẽ đã vượt xa những gì địa phương mong đợi.
"Tuổi trẻ là vô giá, hãy đi đêm đến Khai Phong"
Khi "chuyến đi đêm từ Trịnh Châu đến Khai Phong" được các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin và dẫn đầu xu hương tìm kiếm trong tuần đầu tháng 11, sinh viên nhanh chóng tham gia "bắt trend". Đến tuần thứ hai của tháng 11, đại lộ Trịnh Khải - con đường chính nối liền Trịnh Châu và Khai Phong - đã đông nghẹt xe đạp.
Nhiều sinh viên cho biết họ tham gia những chuyến đi này không chỉ đơn giản là vì món sủi cảo hay tập thể dục, mà bởi năng lượng, niềm vui, sự tự do của tuổi trẻ.
Các địa điểm du lịch ở Khai Phong ban đầu miễn phí vé tham quan cho khách đi đêm.
Xu hướng ban đầu được chính quyền Khai Phong ủng hộ và tạo điều kiện. Ngày 3/11, các trạm xe đạp công cộng được thiết lập dọc theo đại lộ Trịnh Khải để quản lý dòng người đi xe đạp. Cảnh sát chỉ dẫn giao thông, làm việc để đảm bảo an toàn suốt đêm. Cục Du lịch Khai Phong ban hành "hướng dẫn an toàn khi đạp xe", khuyến khích du khách tuân thủ luật giao thông, tránh giờ cao điểm và "tận hưởng vẻ đẹp theo mùa của Khai Phong với thái độ tích cực".
Bắt đầu từ ngày 3/11, các địa điểm du lịch chính của Khai Phong như công viên Thành phố Thiên niên kỷ, núi Wansui, đền Daxiangguo đã mở cửa đặc biệt cho những khách đi vào giữa đêm, thậm chí cung cấp vé du lịch miễn phí hàng năm. Xe buýt còn đưa đón sinh viên trở về Trịnh Châu miễn phí.
Vào thời điểm này, khẩu hiệu "Tuổi trẻ là vô giá, hãy đi đêm đến Khai Phong" được tích cực quảng bá tại các điểm du lịch và trên phương tiện truyền thông.
Chuyển sang đi bộ
Vào ngày 8-9/11, nhiều clip cho thấy cảnh hỗn loạn khi hàng nghìn sinh viên đạp xe từ Trịnh Châu đến Khai Phong. Một số ước tính có 30.000 sinh viên đến Khai Phong trong một đêm.
Xu hướng có tác động đáng kể, làm dấy lên nhiều lo ngại. Các vấn đề an toàn trở nên nghiêm trọng khi số lượng xe đạp trên đường quá lớn và nhiều người không có kinh nghiệm đạp xe đường dài. Tình trạng tắc nghẽn giao thông khiến tài xế ôtô than phiền.
Hệ thống xe đạp chung cũng gặp phải các vấn đề nghiêm trọng. Sau khi háo hức đạp xe 4-5 giờ đến Khai Phong, nhiều sinh viên mệt mỏi không muốn đạp xe trở về Trịnh Châu nữa. Họ bỏ lại xe đạp ngổn ngang ở Khai Phong hoặc dọc đường đi. Các công ty xe đạp chung phải tự mình thu gom số xe này.
Ngoài gánh nặng hậu cần đối với hệ thống chia sẻ xe đạp, những chiếc xe đạp bị bỏ lại khiến giao thông ở Khai Phong ách tắc. Còn người dân ở Trịnh Châu phàn nàn tình trạng thiếu xe đạp đi làm.
Trong khi nhiều người khen ngợi tinh thần phiêu lưu của các sinh viên, những người khác ngày càng thất vọng với những vấn đề gia tăng.
Dòng người đạp xe từ Trịnh Châu đến Khai Phong gây tắc nghẽn giao thông.
Đến chiều 9/11, thái độ ủng hộ xu hướng ban đầu của truyền thông địa phương đã thay đổi. Thông tin về những mặt trái liên tục xuất hiện. Một người đàn ông tham gia trào lưu với con gái đã gục ngã vì kiệt sức sau 12 km đạp xe và phải nhập viện. "Đừng chạy theo xu hướng một cách mù quáng", một tờ báo đưa tin cùng lời cảnh báo.
Chính quyền cũng nhanh chóng vào cuộc để ngăn chặn các chuyến đi đêm. Cảnh sát giao thông Trịnh Châu và Khai Phong đã ban hành thông báo chung cấm sử dụng làn đường dành cho xe đạp trên đại lộ Trịnh Khải từ 16h ngày 9/11 đến 12h ngày 10/11.
Ba công ty xe đạp chung lớn - Meituan, HelloBike và Qingju - đã đưa ra tuyên bố nhắc nhở người dùng rằng xe đạp của họ chỉ dùng để đi lại trong thành phố. Nếu đạp xe ra khỏi khu vực được chỉ định, người dùng sẽ bị khóa xe và phải chịu "phí di dời".
Một số trường đại học đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt như yêu cầu sinh viên quay lại trường, thực hiện lệnh phong tỏa. Đến tối chủ nhật, các sinh viên đăng trên Weibo rằng họ không được rời khỏi trường.
Bất chấp lệnh cấm, một số sinh viên ở Trịnh Châu cho biết sẽ chuyển sang đi bộ đường dài - hành trình có thể mất đến 11 tiếng. Vậy nên, trào lưu đi đêm đến Khai Phong có lẽ vẫn chưa kết thúc.
Lê Vy
Ảnh: VCG, ABC News
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/toan-canh-vu-khai-phong-vo-tran-vi-100000-sinh-vien-dap-xe-an-dem-post1510900.html