Những kẻ lừa đảo đã gọi điện cho các ông trùm kinh doanh hàng đầu như Giorgio Armani, Patrizio Bertelli (Prada), Diego Della Valle (Tod’s), Massimo Moratti (cựu chủ sở hữu Inter Milan) và nhiều nhân vật khác, thuyết phục họ chuyển tiền vào tài khoản nước ngoài để giải cứu các nhà báo Ý bị bắt cóc. Một số người nhanh chóng nghi ngờ và từ chối, nhưng ít nhất một doanh nhân đã bị thuyết phục chuyển gần một triệu euro ( hơn 1 triệu USD) với niềm tin Ngân hàng Ý sẽ hoàn trả khoản tiền này.
Vụ việc được dàn dựng tinh vi với nhiều cuộc gọi giả danh nhân viên Bộ Quốc phòng, sau đó chuyển máy cho Bộ trưởng Crosetto – thực chất là giọng nói được AI tạo ra. Những kẻ lừa đảo còn sử dụng công nghệ giả mạo số điện thoại để khiến các cuộc gọi dường như xuất phát từ văn phòng chính phủ.
Bộ trưởng Crosetto khẳng định đây là một trò lừa đảo và chính phủ không hề yêu cầu sự trợ giúp tài chính từ các doanh nhân. Ông phát hiện ra vụ việc khi một doanh nhân liên hệ trực tiếp với ông để xác minh sau khi đã chuyển khoản tiền lớn cho một tài khoản do kẻ mạo danh "Tướng Giovanni Montalbano" cung cấp.
Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto khẳng định đây là trò lừa đảo và chính phủ không hề yêu cầu sự trợ giúp tài chính từ các doanh nhân. Ảnh: EPA-EFE
Banca d'Italia đã nhanh chóng ra thông báo phủ nhận mọi liên quan đến vụ việc, đồng thời cảnh báo công chúng không nên phản hồi bất kỳ yêu cầu tài chính nào tương tự. Các công tố viên tại Milan đã vào cuộc điều tra, trong khi cảnh sát Ý đã tìm thấy và đóng băng số tiền gần một triệu euro trong một tài khoản ngân hàng tại Hà Lan.
Trên mạng xã hội, ông Crosetto ca ngợi các thẩm phán và lực lượng cảnh sát đã hành động kịp thời để ngăn chặn tổn thất tài chính cho nạn nhân.
Vụ lừa đảo này gợi nhớ đến một sự kiện tương tự tại Pháp một thập kỷ trước, khi một kẻ mạo danh Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã lừa hơn 150 doanh nhân, quan chức và lãnh đạo tôn giáo, thu về tổng cộng 85 triệu USD. Trong số đó, cố Aga Khan – lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo Ismaili – đã bị lừa gần 20 triệu USD. Kẻ chủ mưu, Gilbert Chikli, bị kết án 11 năm tù vào năm 2020. Các chuyên gia cho rằng sự tiến bộ của AI đang dẫn đến những phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi, đến mức ngay cả những doanh nhân dày dạn kinh nghiệm cũng có thể bị mắc bẫy.
Moratti, người đã chuyển gần một triệu euro theo chỉ dẫn của những kẻ lừa đảo, đã đệ đơn khiếu nại sau khi nhận ra mình bị lừa. Chia sẻ với báo La Repubblica, ông cho biết vụ việc được dàn dựng rất thuyết phục và có thể xảy ra với bất kỳ ai. Những kẻ lừa đảo đã tận dụng sự kiện gần đây, khi chính phủ Ý đàm phán trao đổi tù nhân để giải cứu nhà báo Cecilia Sala, nhằm tạo ra một câu chuyện hợp lý để thuyết phục các doanh nhân chuyển tiền. Vụ việc này đang đặt ra thách thức lớn đối với các nhà chức trách trong việc phát hiện và ngăn chặn các hình thức lừa đảo tinh vi sử dụng công nghệ AI.
Tùng Lâm