Toàn ngành thanh tra kiến nghị xử lý hành chính 2.360 tổ chức và 9.017 cá nhân trong năm 2024

Toàn ngành thanh tra kiến nghị xử lý hành chính 2.360 tổ chức và 9.017 cá nhân trong năm 2024
16 giờ trướcBài gốc
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo, năm 2024, ngành Thanh tra đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính và 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, đồng thời phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất. Trong đó, kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng và 41 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 71.183 tỷ đồng, 204 ha đất; ban hành 105.108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 4.150 tỷ đồng.
Toàn ngành đã kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.360 tập thể và 9.017 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.
Lãnh đạo Thanh tra tỉnh tham dự hội nghị
Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra tiếp tục được đẩy mạnh, đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 6.771 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 4.468 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện.
Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 6.050 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 45,3%), 77 ha đất; xử lý hành chính 2.965 tổ chức, 11.109 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 108 vụ, 106 đối tượng; khởi tố 21 vụ, 29 đối tượng. Ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 399 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra.
Trong năm, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đã tổ chức 70.454 lớp cho hơn 3,8 triệu lượt cán bộ, Nhân dân tham gia. Xuất bản 607.099 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Và ban hành mới 13.625 văn bản để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung 400 văn bản, bãi bỏ là 97 văn bản không phù hợp.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Kết quả trong kỳ, đã phát hiện 61 vụ việc tham nhũng, với 107 người. Trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 11 vụ, 19 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 36 vụ, 69 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 14 vụ, 19 người liên quan đến tham nhũng.
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã tập trung chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, nhất là tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc khiếu kiện đông người lên Trung ương và tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
Các cấp, các ngành có nhiều cố gắng, nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 85,4% cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra (85%), nhất là tỷ lệ giải quyết tố cáo (đạt 88,5%).
Kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Hội nghị cũng đã nghe ý kiến thảo luận của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Trong đó, tập trung bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành để triển khai công tác thanh tra.
Đổi mới trong tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra. Và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra, nhất là thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ…
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.
THỤY TRANG
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/chinh-tri/202412/toan-nganh-thanh-tra-kien-nghi-xu-ly-hanh-chinh-2360-to-chuc-va-9017-ca-nhan-trong-nam-2024-a020a61/