Quyết liệt điều chỉnh tổ chức, biên chế
Quán triệt yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ tám của QUTƯ nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 25-12-2023: “Quyết tâm thực hiện và thực hiện bằng được việc điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội năm 2024 với yêu cầu tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành được mục tiêu tinh gọn, mạnh và tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu đến năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Quá trình thực hiện phải thật chặt chẽ, chắc chắn, không chủ quan, nóng vội. Việc điều chỉnh tổ chức phải tạo được niềm tin, khí thế, sức mạnh mới để Quân đội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ”. Thực hiện sự chỉ đạo, QUTƯ, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt điều chỉnh tổ chức, biên chế ở các cấp. Theo đó, năm 2024, toàn quân điều chỉnh, ban hành biểu tổ chức biên chế gần 1.100 tổ chức, bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, đúng lộ trình, đáp ứng yêu cầu tinh, gọn, mạnh.
Ngày 15-12-2024, Bộ tư lệnh Quân đoàn 34 tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Quân đoàn trên cơ sở sáp nhập Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của Quân đội ta, là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Thiếu tướng Nguyễn Bá Lực, Tư lệnh Quân đoàn 34 cho hay: “Quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng, bám sát kế hoạch của Bộ Quốc phòng, sự chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân đoàn 34 chủ động, tích cực kiện toàn tổ chức, biên chế, tập trung xây dựng lực lượng, nhanh chóng ổn định, triển khai tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu sau khi thành lập, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn lịch sử phát triển mới của Quân đoàn 34”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2-4-2022 của QUTƯ và Kế hoạch số 1228/KH-BQP ngày 25-4-2022 của Bộ Quốc phòng về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân triển khai kế hoạch tổng thể, phương pháp tiến hành chặt chẽ, khoa học, với lộ trình, bước đi cụ thể, điều chỉnh tăng, giảm tổ chức, quân số phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, có cơ cấu đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng; giảm đầu mối trung gian và đơn vị phục vụ, bảo đảm. Trong lộ trình điều chỉnh tổ chức, biên chế, tiếp tục tổ chức một số đơn vị dự bị chiến lược theo quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, bảo đảm Quân đội có đủ khả năng làm nòng cốt cùng toàn dân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Năm 2024, đã sắp xếp, kiện toàn đủ 100% đầu mối đơn vị dự bị động viên, đạt 98,7% quân số, 77,4% đúng chuyên nghiệp quân sự.
Huấn luyện hiệp đồng giữa Phòng không - Không quân với Hải quân năm 2024. Ảnh: TUẤN HUY
Quá trình rà soát, điều chỉnh, các cơ quan, đơn vị luôn coi trọng tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, trách nhiệm và hành động; chú trọng gắn việc điều chỉnh tổ chức lực lượng với duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, giáo dục-đào tạo; chăm lo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, kiên quyết chống lại các biểu hiện tiêu cực, chủ quan, nóng vội, hoặc trông chờ, thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện...
Tạo hành lang pháp lý cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng
Năm 2024, Bộ Quốc phòng đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong lập đề nghị xây dựng nhiều dự án luật, pháp luật. Đặc biệt, Quốc hội xem xét, thông qua 3 dự án luật quan trọng, gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam với sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội.
Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam được đánh giá rất thành công. Từ thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đồng ý đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội năm 2024, trong 5 tháng, Ban soạn thảo dự án luật đã làm việc khẩn trương, không kể ngày đêm, nghiên cứu, sửa đổi hoàn thiện nội dung dự luật bảo đảm chất lượng, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam trong tình hình mới. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2024, tức là chỉ 3 ngày sau khi Quốc hội thông qua.
Cùng với đó, tại các kỳ họp của Quốc hội năm 2024, Bộ Quốc phòng đã báo cáo, trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, thông qua hồ sơ đề nghị và đang tiến hành soạn thảo một số dự án luật và pháp lệnh, gồm: Dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp; dự thảo Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp tục triển khai tổng kết, lập hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015. Ngoài ra, đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành 7 nghị định, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành các quyết định, thông tư theo thẩm quyền...
Kết quả này khẳng định hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo của QUTƯ, Bộ Quốc phòng trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật QS, QP, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về QS, QP; đồng thời cũng là khẳng định trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật của Quân đội.
Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp, quá trình lập đề nghị xây dựng các dự án luật của Bộ Quốc phòng bảo đảm chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục; chất lượng soạn thảo các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật luôn bám sát và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Điều này đã được khẳng định thông qua đánh giá của các cơ quan chủ trì thẩm định, thẩm tra về chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, đặc biệt là sự tán thành, đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội trong quá trình cho ý kiến tại các phiên họp và biểu quyết thông qua.
Những kết quả tích cực trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đã giúp lãnh đạo Bộ Quốc phòng và chỉ huy các cơ quan, đơn vị thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và quản lý, chỉ huy, điều hành Quân đội bảo đảm đúng quy định của pháp luật, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, để góp phần đưa pháp luật về QS, QP nhanh chóng đi vào thực tiễn, cần đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với các đối tượng, đặc thù nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị. Chú trọng triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Quốc phòng; tổ chức biên soạn và cấp phát hệ thống tài liệu, bản tin pháp luật đến từng cơ quan, đơn vị. Tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình “Tủ sách pháp luật”; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức các hoạt động, chương trình, cuộc thi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho toàn quân, toàn dân... Qua đó, tạo chuyển biến toàn diện trong thực thi pháp luật và vận dụng trong quản lý, chỉ huy, điều hành các mặt công tác ở mỗi cơ quan, đơn vị.
(còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN