Toan tính chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ khi lập 2 căn cứ F-16 tại Syria

Toan tính chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ khi lập 2 căn cứ F-16 tại Syria
5 giờ trướcBài gốc
Động thái này có thể đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong động lực quân sự khu vực, đặc biệt là khi xét đến vai trò lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Syria và lợi ích chiến lược của Ankara trong việc đối phó với các mối đe dọa dọc biên giới phía Nam.
Cặp tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 31/5/2021. Ảnh: USAF
Các nguồn tin Arab cho hay, các cuộc thảo luận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể sớm dẫn đến một hiệp định quốc phòng chính thức. Theo thỏa thuận dự kiến, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có trách nhiệm huấn luyện các đơn vị của quân đội Syria và phi công Syria - động thái có thể giúp Damascus nâng cao đáng kể năng lực không quân.
Sáng kiến huấn luyện này được kỳ vọng sẽ thực hiện song song với việc triển khai 50 máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, đóng vai trò như lực lượng không quân tạm thời cho đến khi Syria tái xây dựng phi đội của mình.
Thông tin trên được công bố trong bối cảnh Tổng thống lâm thời Syria Ahmed Al-Sharaa ngày 4/2 tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ theo lời mời của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Hai bên dự kiến thảo luận các bước chung cần thực hiện để phục hồi kinh tế, ổn định bền vững và an ninh tại Syria.
Mở rộng hợp tác quốc phòng với Syria
Trước đó, truyền thông khu vực đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng hợp tác quốc phòng ngoài việc bán máy bay không người lái (UAV) và hỗ trợ trinh sát cho Syria. Việc thành lập các căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria được cho là một cam kết an ninh dài hạn của Ankara và điều này có thể thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.
Một trong những yêu cầu chính từ Syria trong các cuộc đàm phán này là mua UAV, các hệ thống radar và hệ thống tác chiến điện tử của Thổ Nhĩ Kỳ. Mục đích của Damacus chủ yếu là nhằm tăng cường an ninh dọc khu vực biên giới với Israel – nơi đã trở thành điểm nóng của căng thẳng khu vực.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Syria xác nhận, lô UAV đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến được giao trong thời gian tới. Các hệ thống không người lái này, có thể bao gồm Bayraktar TB2 hoặc nền tảng Akinci tiên tiến hơn, sẽ cung cấp cho Syria khả năng giám sát và tấn công tốt hơn, đặc biệt trong không phận tranh chấp.
Ngoài các tài sản trên không, Thổ Nhĩ Kỳ còn đang cân nhắc triển khai các hệ thống radar tích hợp và hệ thống tác chiến điện tử (EW). Những hệ thống này có thể được sử dụng để đối phó với các cuộc xâm nhập trên không và cải thiện nhận thức tình huống dọc biên giới Syria.
Theo Bulgarian Military, các hệ thống EW tiên tiến của Thổ Nhĩ Kỳ như Koral và hệ thống thống gây nhiễu điện tử của Aselsan có thể đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố cơ sở hạ tầng phòng thủ của Syria.
Tính toán chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ
Việc triển khai các lực lượng và tài sản quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đặt ra câu hỏi liệu nó có ý nghĩa như thế nào đối với khu vực rộng lớn hơn.
Cần phải phải nhắc lại rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở lại phái bộ ngoại giao tại Syria và cử người đứng đầu cơ quan tình báo và Ngoại trưởng tới hội đàm với nhà lãnh đạo mới của Syria ngay sau khi chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad bị lật đổ.
Syria hiện cũng đang điều chỉnh mối quan hệ với các đối tác quốc tế và khu vực. Chính quyền lâm thời do ông Al-Sharaa đứng đầu có vẻ ưu tiên hợp tác an ninh với Ankara hơn, bất chấp việc Nga và Iran vẫn đang tìm cách gây ảnh hưởng đến các vấn đề của Syria.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang thực hiện chiến dịch chống lại các nhóm dân quân người Kurd mà nước này coi là khủng bố và thậm chí là các phần tử IS còn sót lại, đồng thời cũng phải đối mặt với hoạt động quân sự được Nga và Iran hậu thuẫn ở Syria,
Trong khi đó, Washington Post đưa tin, Israel đang thành lập các căn cứ quân sự trong khu vực đệm ở Cao nguyên Golan. Điều này làm nổi bật sự phức tạp ngày càng gia tăng ở Syria và khả năng leo thang căng thẳng dọc theo các mặt trận chiến lược quan trọng.
Trong bối cảnh như vậy, Ankara cần một máy bay chiến đấu có khả năng tấn công mạnh mẽ và né tránh được các mối đe dọa như F-16. Hầu hết máy bay mà Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng cho mục đích này sẽ là các biến thể hiện đại hóa như Block 40M và 50M.
Những máy bay này được nâng cấp theo chương trình Ozgur của Thổ Nhĩ Kỳ, có khả năng tấn công chính xác từ trên không, hệ thống tác chiến điện tử và khả năng sinh tồn được nâng cấp giúp chúng hoạt động hiệu quả trong chiến trường phức tạp và thường khó đoán ở miền Bắc Syria.
Block 40M là lựa chọn hợp lý cho các nhiệm vụ tấn công chính xác. Một trong những lợi thế lớn của nó là tích hợp tối ưu với các hệ thống nhắm mục tiêu tiên tiến như AN/AAQ-33 Sniper và Aselpod của Aselsan, cho phép phi công thực hiện các cuộc tấn công phẫu thuật vào các mục tiêu có giá trị cao, ngay cả trong điều kiện tầm nhìn thấp.
Trong một chiến trường mà các nhóm nổi dậy thường hoạt động từ các công trình kiên cố, các đường hầm dưới đất hoặc các khu vực đô thị, khả năng phóng vũ khí dẫn đường bằng GPS và laser với độ chính xác cao là rất quan trọng.
Trong khi đó, Block 50M lại mang đến một lợi thế khác, nhất là trong việc kiểm soát không phận và đối phó với hệ thống phòng không của đối phương. Điều này đặc biệt quan trọng khi xét đến sự hiện diện của không quân Nga trong khu vực. Mặc dù xung đột trực tiếp giữa máy bay Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn khó xảy ra, nhưng trong những năm gần đây đã có những cuộc đối đầu trên không căng thẳng, và Ankara rõ ràng muốn duy trì thế phòng thủ răn đe.
Bức tranh lớn hơn ở đây là các mục tiêu chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Ankara đã làm rõ rằng nước này sẽ không chấp nhận sự hình thành một hành lang thù địch dọc biên giới phía Nam, dù là bởi các lực lượng dân quân người Kurd hay lực lượng của chính quyền Assad trước đây. Sức mạnh không quân là một yếu tố quan trọng trong tính toán quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ cho các hoạt động tấn công trực tiếp mà còn như một phương tiện để phô diễn sức mạnh trên chiến trường.
Bằng cách triển khai những chiếc F-16 hiện đại hóa, Thổ Nhĩ Kỳ muốn đảm bảo rằng họ có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác và nhanh chóng vào các mối đe dọa mới nổi, đồng thời duy trì đủ ưu thế trên không để ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng leo thang xung đột.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Bulgarian Military, Al Arabiya
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/toan-tinh-chien-luoc-cua-tho-nhi-ky-khi-lap-2-can-cu-f-16-tai-syria-post1152456.vov