Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025. Ảnh: TTXVN
Toàn văn Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025 (Phần 2).
c) Về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong thời gian ngắn đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, chất lượng được nâng cao. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 Luật quan trọng[1]. Tại Kỳ họp lần này, Chính phủ trình Quốc hội số lượng luật, nghị quyết lớn nhất từ trước đến nay tại một kỳ họp (44 dự án luật, nghị quyết); trong đó có nhiều nội dung quan trọng, có tính “mở đường” như phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế tư nhân, một luật sửa nhiều luật trong lĩnh vực tài chính, Nghị quyết về chính sách xây dựng và thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách đặc biệt đối với người làm công tác pháp luật..., đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo động lực phát triển mới. Tích cực ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành[2]; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư[3], Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, thông suốt, hiệu quả, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đã hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ)[4]; đồng thời triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, người nước ngoài, chuyên gia nước ngoài[5]. Thực hiện nghiêm Chương trình công tác, Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung hoàn thiện thể chế, giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra và thực hiện kết luận thanh tra[6]; đẩy mạnh giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân[7].
Công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực[8], nhất là việc xử lý các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; trong đó, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347 nghìn ha.
d) Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại
Triển khai hiệu quả đường lối, chiến lược, chính sách quân sự, quốc phòng. Xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Trật tự an toàn xã hội được giữ vững; bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện quan trọng của đất nước. Đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo trực tuyến, ma túy, hàng giả... đạt kết quả tích cực[9]; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí[10]. Hoàn thành xuất sắc công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar[11].
Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, toàn diện, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển[12]. Nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao được triển khai hiệu quả[13]. Nâng tầm đối ngoại đa phương; tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư[14] và Hội nghị Tương lai ASEAN, thể hiện trách nhiệm quốc tế, vị thế mới, tâm thế mới và vai trò dẫn dắt của Việt Nam. Công tác đối ngoại nhân dân, bảo hộ công dân tiếp tục được triển khai hiệu quả.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La dự khai mạc kỳ họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
2. Hạn chế, bất cập cần được xử lý quyết liệt
Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp[15]. Các động lực tăng trưởng truyền thống tuy đã phát huy hiệu quả nhưng chưa đạt kỳ vọng; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp[16]; sức mua trong nước phục hồi nhưng còn chậm; xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào FDI và chịu ảnh hưởng bất lợi do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Các động lực tăng trưởng mới đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian để phát huy hiệu quả. Thị trường bất động sản phục hồi còn chậm và vẫn tiềm ẩn rủi ro. Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ chưa đạt yêu cầu[17]. Phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn tập trung nhiều ở Trung ương, gây ách tắc và phiền hà cho cấp dưới. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn, tội phạm ma túy, công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… còn diễn biến phức tạp. Ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông… tại các thành phố lớn chậm được giải quyết.
3. Nguyên nhân
(1) Nguyên nhân của kết quả đạt được: là do sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, mà thường xuyên, trực tiếp, sâu sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; sự phối hợp, đồng hành và giám sát của Quốc hội; sự vào cuộc của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự quản lý, điều hành đúng hướng, quyết liệt, sát thực tiễn, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, tin tưởng, tích cực tham gia của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
(2) Nguyên nhân của hạn chế, bất cập bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chủ yếu là do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo, điều hành. Nước ta vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, lại có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài và tính cạnh tranh chưa cao. Những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế kéo dài từ lâu bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn. Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách có lúc chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức năng lực chưa đạt yêu cầu, chưa quyết liệt, sâu sát, còn vô cảm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
4. Bài học kinh nghiệm
(1) Bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
(2) Tăng cường đoàn kết, thống nhất. Không lùi bước trước khó khăn; kiên định mục tiêu đề ra nhưng với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện.
(3) Nắm chắc diễn biến tình hình, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, khả thi, hiệu quả; nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; tiết kiệm thời gian; coi trọng trí tuệ; quyết đoán đúng thời điểm. Phân công nhiệm vụ bảo đảm 6 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”.
(4) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, động viên, khen thưởng, xử lý kỷ luật kịp thời, đúng bản chất.
(5) Tập trung tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn; kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, giảm chi phí, thời gian tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, công khai, minh bạch.
Trong đó:
[1] Gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
TTXVN