Toàn văn trình bày Tờ trình về Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trước Quốc hội

Toàn văn trình bày Tờ trình về Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trước Quốc hội
4 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tóm tắt Tờ trình về Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) (Ảnh: Quốc hội)
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Kính thưa đồng chí Chủ tịch và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội - chủ trì phiên họp;
Kính thưa các vị Đại biểu Quốc hội.
Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết số 41 ngày18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 30/7/2024 Chính phủ đã có Tờ trình số 371 và Tờ trình tóm tắt số 372 cùng hồ sơ Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) trình Quốc hội.
Tại phiên họp hôm nay, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tôi xin báo cáo với Quốc hội về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) như sau:
I. Sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi)
Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007. Sau 16 năm thi hành, Chính phủ nhận thấy: So với thời điểm ban hành, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi; Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan đến lĩnh vực hóa chất; nhiều Luật mới có liên quan cũng đã được Quốc hội ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó, Việt Nam đã gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do và là thành viên của một số Công ước, Điều ước quốc tế mới về quản lý hóa chất. Mặt khác, thực tiễn thi hành luật cũng cho thấy một số quy định của Luật Hóa chất hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Hóa chất là rất cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng trong lĩnh vực hóa chất và khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) (Ảnh: Quốc hội)
II. Mục đích, quan điểm xây dựng Luật
1. Xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất.
2. Sửa đổi toàn diện, đồng bộ các quy định của Luật Hóa chất theo hướng vừa bảo đảm kế thừa các quy định “đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình và đã được kiểm chứng qua thực tiễn”; bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, gây vướng mắc, cản trở; bổ sung, phát triển các quy định mang tính nguyên tắc, nền tảng phù hợp với tình hình mới gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.
3. Dự thảo Luật này không có nội dung trái Hiến pháp, trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; không có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ và bảo đảm tương thích với các điều ước/cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
III. Quá trình xây dựng dự án Luật
Quá trình xây dựng hồ sơ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) đã được thực hiện theo đúng quy định. Cơ quan soạn thảo đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các đối tượng chịu sự tác động và ý kiến nhân dân để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật cùng các hồ sơ tài liệu có liên quan; Bộ Tư pháp đã thẩm định; Chính phủ đã họp, thống nhất thông qua, trình Quốc hội tại Tờ trình số 371, ngày 30/7/2024.
Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) đã được Ủy ban KHCN&MT và các cơ quan của Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tại Thông báo số 4255 ngày 17/9/2024) và ý kiến thẩm tra của Ủy ban KHCN&MT (Báo cáo số 2929 ngày 08/10/2024), Chính phủ đã giao Bộ Công Thương rà soát, chỉnh lý các báo cáo, tài liệu trong hồ sơ Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), bao gồm: (i) Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, (ii) Báo cáo việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật, (iii) Bản đánh giá thủ tục hành chính; (iv) Bổ sung nội dung thuyết minh, đánh giá, số liệu để làm sâu sắc hơn các nội dung quan trọng. Về Tờ trình và dự thảo Luật được giữ nguyên nội dung như Tờ trình số 371 ngày 30/7/2024 của Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp này.
Các Đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp (Ảnh: Quốc hội)
IV. Bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) bám sát 04 chính sách lớn được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội thông qua, bao gồm: (i) Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; (ii) Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; (iii) Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; (iv) Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.
Dự thảo Luật gồm 09 chương, 89 điều (giảm 01 chương và tăng 18 điều so với Luật Hóa chất hiện hành). Việc tăng các điều, khoản trong dự thảo Luật chủ yếu là do bổ sung các quy định mới về phát triển công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành về quản lý hóa chất. Cụ thể như sau:
- Chương I. Quy định chung, gồm 8 Điều. Nội dung chủ yếu về: (i) Phạm vi điều chỉnh; (ii) Đối tượng áp dụng; (iii) Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hóa chất.
- Chương II. Phát triển công nghiệp hóa chất, gồm 6 Điều. Nội dung chủ yếu về: (i) Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất; (ii) Các yêu cầu đặc thù đối với dự án hóa chất; (iii) Cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm.
- Chương III. Quản lý hoạt động hóa chất, gồm 30 Điều, được chia thành 4 Mục. Nội dung chủ yếu về: (i) Quy định chung đối với hoạt động hóa chất; (ii) Quy định về Hóa chất có điều kiện; (iii) Quy định về Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt; (iv) Quy định về Hóa chất cấm. Các quy định tại Chương này nhằm quản lý các hoạt động trong toàn bộ vòng đời, từ sản xuất, nhập khẩu đến sử dụng, thải bỏ hóa chất.
- Chương IV. Thông tin hóa chất, gồm 11 Điều. Nội dung Chương này cơ bản kế thừa quy định tại Luật Hóa chất hiện hành về: (i) Đăng ký, đánh giá, quản lý hóa chất mới; (ii) Thông tin về hóa chất, bảo mật thông tin và Cơ sở dữ liệu hóa chất.
Việc áp dụng các quy định nêu trên đã ổn định, phù hợp với thực tiễn và các quy định có liên quan của pháp luật. Dự thảo Luật chỉ quy định cụ thể hơn về trách nhiệm cung cấp, lưu giữ, cập nhật thông tin về phân loại đặc tính nguy hiểm của hóa chất và phiếu an toàn hóa chất.
- Chương V. Hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, gồm 3 Điều. Đây là Chương được bổ sung mới nhằm quy định rõ: (i) Trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành về công bố hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật; (ii) Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm trong xây dựng quy trình quản lý hóa chất; (iii) Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm về công bố thông tin trên Cơ sở dữ liệu hóa chất. Các quy định trên được xây dựng theo hướng minh bạch thông tin đến công chúng và không phát sinh thủ tục hành chính.
- Chương VI. An toàn hóa chất, gồm 13 Điều, chia thành 2 Mục. Nội dung chủ yếu về: (i) Yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động hóa chất và (ii) Phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
- Chương VII. Bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng, gồm 5 Điều. Nội dung Chương này cơ bản kế thừa quy định tại Luật Hóa chất hiện hành vì đã thực hiện ổn định, phù hợp với thực tiễn và các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
- Chương VIII và Chương IX. Các quy định về tổ chức thực hiện, gồm 13 Điều. Nội dung chủ yếu về: (i) Trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất và (ii) Điều khoản thi hành.
V. Kiến nghị
Do yêu cầu cần thiết phải sửa đổi toàn diện, đồng bộ Luật Hóa chất như đã báo cáo ở phần trên, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tại Kỳ họp này và xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới.
Sau kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các Đại biểu Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực hóa chất. Đồng thời, rà soát, xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập (nếu có) với các luật khác để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và tương thích với các Điều ước, Công ước quốc tế về hóa chất mà Việt Nam tham gia, nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa chất phát triển hiệu quả, bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.
Huyền My
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/toan-van-trinh-bay-to-trinh-ve-du-an-luat-hoa-chat--sua-doi--cua-bo-truong-nguyen-hong-dien-truoc-quoc-hoi-129494.htm