Tốc độ – Tàng hình – Trí tuệ nhân tạo: Ba trụ cột của tên lửa chống hạm hiện đại

Tốc độ – Tàng hình – Trí tuệ nhân tạo: Ba trụ cột của tên lửa chống hạm hiện đại
11 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, đây vẫn là loại vũ khí “xa lạ” với nhiều người do các thông số kỹ thuật và khả năng tác chiến được bảo mật. Sự khác biệt giữa các quốc gia về công nghệ, mục tiêu sử dụng và chiến lược phát triển đã tạo nên một hệ sinh thái tên lửa chống hạm đa dạng, phức tạp và đang không ngừng phát triển.
Từ thô sơ đến siêu vượt âm
Từ cuối thập niên 1940 đến nay, tên lửa chống hạm đã trải qua năm thế hệ phát triển, từ tầm bắn trong phạm vi có thể quan sát bằng mắt thường đến ngoài tầm nhìn, từ tốc độ cận âm đến siêu vượt âm, từ lộ diện đến siêu tàng hình.
Sau Thế chiến II, để đối phó các mối đe dọa trên biển và khắc phục hạn chế tác chiến hải quân, Liên Xô, Thụy Điển và một số nước bắt đầu phát triển tên lửa chống hạm. Thập niên 1950 ghi dấu thế hệ đầu tiên với các mẫu như: Broom, P-15 Termit (Liên Xô), RB-315 (Thụy Điển), Petrel (Mỹ). Những mẫu này chủ yếu sử dụng động cơ tuabin hoặc xung phản lực, dẫn đường bằng vô tuyến hoặc chùm tia, có kích thước lớn, bay chậm và phải điều khiển liên tục sau khi phóng.
Từ cuối những năm 1960 đến thập niên 1970, với sự phát triển của động cơ tên lửa rắn và công nghệ dẫn đường quán tính, thế hệ thứ hai ra đời, tiêu biểu như: Exocet (Pháp), Gabriel (Israel), Penguin (Na Uy) và Malachite (Liên Xô). Chúng sử dụng động cơ rocket nhiên liệu rắn, bay bám biển và có thể tự dẫn đường tới mục tiêu sau khi phóng, với tầm bắn chủ yếu từ 20 đến 40km và tốc độ hành trình khoảng Mach 0,7 - 0,9.
Tên lửa "Tấn công Hải quân" của Mỹ.
Từ giữa thập niên 1970, chiến lược hải quân toàn cầu thay đổi mạnh mẽ. Liên Xô chuyển từ phòng thủ ven biển sang tấn công đại dương; Mỹ triển khai “kế hoạch 600 tàu chiến” xoay quanh cụm tàu sân bay. Để đáp ứng yêu cầu tác chiến viễn dương, hai nước này tập trung phát triển tên lửa chống hạm tầm trung và tầm xa.
Sự xuất hiện của động cơ phản lực cánh quạt nhỏ gọn và công nghệ dẫn đường ngoài tầm nhìn đã mở ra thế hệ tên lửa thứ ba: BGM-109E “Tomahawk”, RGM-84 “Harpoon” (Mỹ), “Bazalt” (Liên Xô). Tầm bắn nâng lên 100km đến hơn 1.000km, cho phép tấn công ngoài khu vực phòng thủ, linh hoạt triển khai từ nhiều nền tảng, dù tốc độ vẫn còn hạn chế.
Đến thập niên 1980-1990, khi các cụm tàu sân bay hình thành hệ thống phòng thủ nhiều lớp, thế hệ tên lửa thứ tư ra đời để đột phá phòng thủ: Granit, Yakhont, Kh-59MK... Một số dùng động cơ ramjet đạt tốc độ siêu âm, số khác bay sát mặt biển và có khả năng tàng hình cao.
Từ đầu thế kỷ 21, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo thúc đẩy sự xuất hiện của thế hệ tên lửa chống hạm thứ năm, như: Kalibr, Zircon, LRASM. Những tên lửa này tích hợp dẫn đường kép, AI điều hướng, tàng hình toàn diện và liên kết dữ liệu, mang lại khả năng tác chiến linh hoạt, thông minh và sống sót cao trong môi trường điện tử hiện đại.
Chiến lược của các cường quốc
Hiện nay, hơn 70 quốc gia triển khai tên lửa chống hạm, trong đó trên 20 nước có khả năng tự sản xuất. Sự khác biệt về công nghệ động lực, tàng hình và dẫn đường đã tạo nên các hướng phát triển đa dạng, với Nga nổi bật trong chiến lược “đột phá phòng thủ bằng tốc độ siêu vượt âm”.
Nga đang trang bị nhiều mẫu tên lửa thế hệ thứ tư và thứ năm, tiêu biểu như: Bazalt, Granit, Kh-35 Uran, Bal, Oniks, Bastion, Kalibr, Kh-22 Kitchen và đặc biệt là Zircon. Ngoài một số tên lửa cận âm như Uran hay Bal, phần lớn là tên lửa hành trình siêu âm hoặc siêu vượt âm, được thiết kế để xuyên phá hệ thống phòng thủ nhiều lớp và tiêu diệt mục tiêu có giá trị cao như tàu sân bay.
Nổi bật nhất là Zircon - tên lửa siêu vượt âm chính thức trực chiến từ tháng 1-2023, phóng từ tàu chiến, sử dụng tổ hợp động cơ đẩy và scramjet, đạt tầm bắn 1.000km, tốc độ tối đa Mach 9, vẫn duy trì Mach 5-6 khi áp sát mục tiêu. Nhờ quỹ đạo bay gần không gian và đầu đạn bán xuyên giáp 400kg, Zircon có thể xuyên thủng boong tàu sân bay, gây tổn thất nghiêm trọng về khí tài và nhân lực.
Hiện Nga còn đang phát triển Serpentine - tên lửa đạn đạo chống hạm siêu vượt âm thế hệ mới, với tầm bắn kỳ vọng lên đến 4.000km, tiếp tục nhắm vào các mục tiêu tàu mặt nước cỡ lớn.
Tên lửa chống hạm RBS15 MK3 của Thụy Điển.
Mỹ theo đuổi tên lửa cận âm tàng hình, chính xác, linh hoạt, tích hợp sâu trong hệ thống tác chiến mạng lưới nhằm đạt hiệu quả tấn công chính xác với chi phí tối ưu.
Các loại tên lửa chống hạm Mỹ đang sử dụng gồm: Harpoon, Penguin, Naval Strike Missile (NSM), LRASM (Long-Range Anti-Ship Missile), Tomahawk Block 4 và phiên bản chống hạm của Standard-6. Ngoại trừ Standard-6, các loại còn lại đều là tên lửa cận âm, sử dụng động cơ tuabin phản lực nhỏ, thân nhẹ, phù hợp với nhiều nền tảng phóng như máy bay, tàu mặt nước, tàu ngầm và hệ thống phòng thủ bờ.
Điển hình, LRASM có tầm bắn 480km, trọng lượng khoảng 1 tấn - chỉ bằng 1/3 trọng lượng của Oniks (Nga) dù cùng tầm bắn - giúp tăng tính linh hoạt trong triển khai từ các nền tảng có tải trọng giới hạn.
Để nâng cao khả năng đột phá, Mỹ đặc biệt chú trọng đến thiết kế tàng hình, sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar và tích hợp công nghệ “man-in-the-loop” cùng tác chiến mạng lưới. Điều này cho phép tên lửa khai thác dữ liệu từ hệ thống cảm biến, tự tối ưu quỹ đạo bay, chọn lọc mục tiêu ưu tiên và nâng cao hiệu quả tấn công phối hợp khi phóng loạt.
Châu Âu ưu tiên tên lửa chống hạm cận âm, linh hoạt và phù hợp tác chiến ven bờ. Các quốc gia châu Âu phát triển tên lửa chống hạm theo hướng cận âm, tàng hình cao, nhưng đặc biệt nhấn mạnh vào khả năng triển khai đa nền tảng và hiệu quả trong môi trường ven biển phức tạp.
Hiện nay, nhiều mẫu tên lửa chống hạm châu Âu đang được sử dụng rộng rãi như: Exocet MM40 Block3C và SM40 (Pháp), TESEO Mk2/E và Marte MK2/ER (Ý), RBS15 MK3 (Thụy Điển), Sea Venom và Sea Skua (Anh). Điểm chung của các mẫu này là có thể triển khai từ tàu chiến, hệ thống phòng thủ bờ, trực thăng và chiến đấu cơ, đáp ứng nhu cầu linh hoạt của nhiều quốc gia trong EU.
Sự thích ứng với môi trường tác chiến ven bờ bắt nguồn từ đặc điểm địa lý của châu Âu: Bờ biển dài, vùng biển nhỏ, địa hình và môi trường điện từ phức tạp. Vì vậy, các tên lửa được thiết kế với tầm bắn ngắn đến trung bình, khả năng nhận dạng và phân loại mục tiêu cao, phù hợp tác chiến trong địa hình hạn chế. Tiêu biểu, tên lửa NSM (Na Uy) có tầm bắn 3-200km, trang bị hệ thống nhận diện mục tiêu tự động, có thể chọn điểm yếu hệ thống phòng thủ để tấn công chính xác trong điều kiện địa hình phức tạp.
Xu hướng tương lai: Hoàn thiện và nâng cao năng lực tác chiến cốt lõi
Thực tiễn phát triển tên lửa chống hạm cho thấy, mỗi quốc gia theo đuổi một lộ trình riêng, với ưu - nhược điểm khác nhau về tính năng và công nghệ. Trong bối cảnh chiến trường trên biển tương lai ngày càng đa lực lượng, thông minh hóa trang bị và phức tạp trong tác chiến hệ thống, xu hướng tất yếu là các quốc gia sẽ học hỏi lẫn nhau, kết hợp điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao năng lực tác chiến cốt lõi của loại vũ khí chiến lược này.
Tên lửa Exocet MM40 Block3C của Pháp.
Thứ nhất, kết hợp tốc độ cận âm - siêu âm và tiến tới siêu vượt âm.
Nhanh và khó bị phát hiện đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển tên lửa chống hạm. Nhờ tiến bộ về động cơ và vật liệu, nhiều quốc gia đang hướng tới xây dựng hệ tên lửa kết hợp giữa hành trình cận âm và tấn công siêu âm, đồng thời đẩy mạnh phát triển tên lửa siêu vượt âm.
Mô hình “cận âm - siêu âm” cho phép tên lửa bay thấp ở tốc độ khoảng Mach 0,7 trong giai đoạn hành trình để tránh bị phát hiện, sau đó tăng tốc lên gần Mach 3 ở pha cuối để xuyên phá phòng thủ. Tên lửa Kalibr của Nga là ví dụ tiêu biểu cho hướng phát triển này.
Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đang tiến thẳng tới tên lửa siêu vượt âm. Phiên bản chống hạm của SM-6 (Standard-6) có tầm bắn trên 800km, tốc độ cuối lên tới Mach 7. Tên lửa Perseus do Anh - Pháp hợp tác phát triển sử dụng động cơ sóng nổ liên tục và vật liệu composite siêu nhẹ, đạt tốc độ Mach 5 và vẫn duy trì khả năng tàng hình cao - mở ra hướng tiếp cận vừa nhanh, vừa kín đáo cho tác chiến tương lai.
Thứ hai, tăng cường tác chiến hiệp đồng bằng loạt tên lửa chống hạm.
Một xu hướng nổi bật hiện nay là nâng cao khả năng phối hợp tác chiến của tên lửa chống hạm theo biên đội, dưới sự hỗ trợ của hệ thống tác chiến hợp nhất và mạng lưới thông tin hiện đại.
Theo đó, nhiều tên lửa có thể phóng cùng lúc theo đội hình “loạt đạn thông minh”, trong đó 1-2 quả mang đầu dò tầm xa, quét rộng, đóng vai trò “đạn dẫn đầu”, còn các quả còn lại là “đạn theo sau”. Tên lửa dẫn đầu tiếp nhận thông tin từ hệ thống chỉ huy, phân phối nhiệm vụ và điều phối toàn đội hình tấn công theo nhiều hướng, nhiều đợt, đồng thời đánh giá kết quả để quyết định có tấn công tiếp hay không.
Hiện khả năng phối hợp chủ yếu giới hạn trong cùng loại tên lửa hoặc cùng nền tảng phóng. Tuy nhiên, trong tương lai, các hệ thống có thể tiến tới tác chiến hợp nhất giữa tên lửa phóng từ máy bay, tàu chiến, xe bờ và phối hợp với UAV bầy đàn, tạo thành đòn tấn công tổng lực, chính xác và linh hoạt hơn nhiều lần.
Thứ ba, phát triển năng lực tác chiến độc lập khi hệ thống hỗ trợ bị vô hiệu.
Một hướng đi quan trọng hiện nay là nâng cao khả năng tác chiến độc lập của tên lửa chống hạm trong điều kiện hệ thống hỗ trợ bị suy yếu hoặc phá hoại. Đây được xem là “phương án dự phòng” chiến lược, giúp tên lửa vẫn có thể xuyên phá phòng thủ đối phương mà không phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống dẫn đường, chỉ huy hoặc liên kết dữ liệu.
Một xu hướng mới hiện này là sự phát triển tên lửa “sói đơn độc” với AI và khả năng tự tác chiến. Trước môi trường tác chiến ngày càng phức tạp, nhiều quốc gia đang phát triển các loại tên lửa chống hạm độc lập kiểu “sói đơn độc” - có thể hoạt động hiệu quả ngay cả khi bị gây nhiễu mạnh. Những tên lửa này tích hợp công nghệ dẫn đường đa chế độ, cảm biến đa kênh, AI ra quyết định tự động và biện pháp gây nhiễu chủ động ngay trên thân tên lửa.
Tiêu biểu là Perseus - tên lửa do Anh và Pháp hợp tác phát triển. Tên lửa này sử dụng hệ thống dẫn đường kết hợp radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) và laser bán chủ động ở giai đoạn cuối. Radar AESA ứng dụng ảnh SAR và Doppler độ phân giải cao để nhận diện chính xác khu vực mục tiêu; đầu dò laser hỗ trợ khóa mục tiêu bằng so sánh địa hình.
Đặc biệt, Perseus được thiết kế với hai khoang chứa đầu đạn phụ nặng 40-50kg ở hai bên thân. Khi tiếp cận mục tiêu, các đầu đạn này được tách ra, vừa gây nhiễu hệ thống phòng thủ, vừa tạo sát thương đa điểm quanh khu vực tàu chiến.
Thực tiễn cho thấy, mỗi quốc gia theo đuổi một hướng đi riêng trong phát triển tên lửa chống hạm, tùy thuộc vào học thuyết quân sự và điều kiện thực tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh trên biển ngày càng phức tạp, trang bị ngày càng thông minh và không gian tác chiến ngày càng mở rộng, xu hướng tích hợp ưu điểm, học hỏi lẫn nhau sẽ ngày càng rõ rệt.
THANH SƠN (theo 81.cn)
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/toc-do-tang-hinh-tri-tue-nhan-tao-ba-tru-cot-cua-ten-lua-chong-ham-hien-dai-836350