Năm 2024, phát triển kinh tế - xã hội của vùng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2024 của vùng đạt 7,31%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (cả nước khoảng 7%), đứng thứ 3/6 các vùng kinh tế. Tổng giá trị tăng thêm năm 2024 của cả 3 khu vực là 7,46%, trong đó khu vực I tăng 3,85%, khu vực II tăng 11,18%, khu vực III tăng 7,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,65%.
Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành vùng đạt 1.409,28 nghìn tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2023 và chiếm 12,2% sản phẩm cả nước. Thu nhập bình quân đầu người toàn vùng năm 2024 đạt 80,7 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 5/6 vùng trên cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của các tỉnh trong vùng duy trì tăng trưởng tốt, trong đó các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang và Hậu Giang có mức tăng trưởng cao.
Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn vùng tăng khá và cao hơn bình quân cả nước (9%). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn vùng đạt 44,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,44% so năm 2023. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lũy kế đến hết tháng 11/2024, toàn vùng có 2.086 dự án đang hoạt động với tổng số vốn huy động là 36.755,34 triệu USD. Thu ngân sách toàn vùng ước đạt 116.707 tỷ đồng, tăng 5,4% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Xuất khẩu cả vùng đạt 25,7 tỷ USD, tăng 17% so cùng kỳ. Tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 4,15%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (5,71%)…
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN
Các đại biểu tham dự hội nghị nhận định, hạn, mặn, sạt lở, thiếu nước ngọt, hệ thống thủy lợi, hạ tầng giao thông… là vấn đề bức thiết và trọng tâm của vùng. Vì vậy, các đại biểu tập trung chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và thảo luận về công tác phối hợp vùng trong đảm bảo an ninh nguồn nước, hiện trạng hệ thống quan trắc, giám sát dự báo hạn, mặn đối với vùng; đề án chống sạt lở bờ sông, bờ biển, an ninh nguồn nước vùng; mô hình, giải pháp hỗ trợ tưới tiên tiến… Qua đó, các đại biểu kiến nghị, đề xuất các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội, an ninh nguồn nươc cho vùng.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của các tỉnh, thành trong vùng. Phó Thủ tướng thống nhất với kế hoạch hoạt động năm 2025 của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, đồng chí đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đề án vùng đã được phê duyệt, nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách cho vùng về an ninh nguồn nước. Các địa phương tập trung các giải pháp triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt như: quy hoạch vùng, tài nguyên nước quốc gia… Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các đề án về nông nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các dự án quan trọng của vùng để ưu tiên nguồn vốn thực hiện sớm… tạo điều kiện cho vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
HOÀNG LAN