Tôi không dám xem clip, không dám đọc những lời yêu thương và đau xót của người thân cô gái trẻ, một nỗi đau lớn quá. Mà tội ác thì rành rõ quá, tiềm ẩn ngay từ khi những kẻ cũng rất trẻ ấy, dắt xe máy ra khỏi nhà, ngồi lên, thậm chí là chở thêm một người phía sau và nhấn ga.
Những kẻ rú ga điên cuồng đêm khuya giữa phố có thể coi thường tính mạng của chúng và coi thường tính mạng người khác vì thiếu nhận thức, vì hoang dã. Nhưng một xã hội đảm bảo an ninh, an toàn cho tính mạng con người thì không được cho phép chúng làm thế.
Câu hỏi đặt ra là giải pháp như nào?
Tôi đọc được những bản tin trên báo chí bảo rằng cha mẹ những thanh niên đua xe đêm ấy hối hận vì giao xe cho chúng. Nhưng có những việc sự hối hận sẽ trở thành muộn màng. Thời gian vừa qua, có một số trường hợp đã bị khởi tố vì giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông như giao xe cho người đang có nồng độ cồn, như giao xe cho người không đủ tuổi...
Trong đám xe “đi bão” đêm 3/11 vừa rồi, không biết có thanh niên nào chưa đủ tuổi đã được giao xe hay không? Chỉ biết người điều khiển xe đâm vào nạn nhân, là một nữ sinh 19 tuổi. Tức là cũng đã đủ tuổi để sự ngăn chặn tội ác không phải là việc giao xe hay không giao xe. Mà là pháp luật, gia đình, nhà trường, xã hội phải đủ chế tài và trang bị đủ kỹ năng, nhận thức để ngăn chặn tội ác.
Những thanh niên mới lớn nếu được giáo dục để đủ nhận thức và điều kiện mới được điều khiển phương tiện giao thông thì có giảm được tai nạn giao thông hay không? Chắc chắn là được. Nhưng có những gia đình bất lực trước những đứa trẻ hư. Có những thanh niên mới lớn lên, xe đi ra đường là không biết đi đâu, làm gì nữa. Lúc ấy, cần luật pháp “ra roi”.
Mấy chục cái xe máy lao đi giữa phố với tốc độ khủng khiếp nếu tăng cường tuần tra, bắt giữ, xử phạt thật nặng thì có giảm được không?
Câu trả lời là công việc này vẫn được làm. Ví dụ như ngay trong đêm 2 và 3/11 – tức là ngay trong đêm định mệnh xảy ra vụ tai nạn ở ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu, hàng loạt các tổ công tác 141 Công an TP Hà Nội được triển khai hóa trang tuần tra kiểm soát, truy quét. Số lượng bắt giữ, xử lý cũng nhiều. Con số thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2024, các tổ 141 đã bắt giữ gần 800 phương tiện với 788 đối tượng có các hành vi điều khiển xe máy chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, rú ga... Nhận định của cảnh sát là các đối tượng khi thấy lực lượng chức năng còn manh động vượt đèn đỏ, thông chốt, tăng ga bỏ chạy gây nguy hiểm cho bản thân và các phương tiện tham gia giao thông khác.
Nhưng như vậy có thể hiểu đây là một vấn nạn khá nhức nhối. Cũng như việc tuần tra xử lý là không xuể. Hơn nữa, cũng chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính không đủ sức răn đe.
Những cô cậu choai choai rú ga ngoài đường trong mức phạt của pháp luật chỉ bằng một ít tiền. Nhưng về bản chất, hành vi đã tiềm ẩn tội ác. Khi nó thực sự trở thành tội ác thì đã muộn mất rồi.
Cẩm Thúy