Tôi không còn thấy háo hức mỗi lần họp lớp

Tôi không còn thấy háo hức mỗi lần họp lớp
8 giờ trướcBài gốc
Nhiều năm trước, họp lớp là dịp để gặp lại những người từng cười nói suốt cả một thời thanh xuân. Còn bây giờ, với tôi, đó là nơi phơi bày khoảng cách: Người giàu - người nghèo, người thành đạt - người im lặng, người tự tin khoe ảnh con cái - người né tránh vì chưa "ổn định". Chúng tôi vẫn gọi nhau là bạn, nhưng tôi biết, không phải ai cũng còn thân…
Trước dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay chừng 1 tuần, nhóm chat lớp cấp ba của tôi lại sáng đèn. Một tin nhắn quen thuộc: "Lễ này nghỉ dài, lớp mình họp lớp nhỉ, kỷ niệm 12 năm ra trường". Sau đó, mọi người bắt đầu vào phản hồi. Có người chốt ngay, chỉ cần ban cán sự lớp "nổ" địa chỉ là có mặt; có người hỏi ngày giờ để sắp lịch; có người báo bận đi du lịch không tham gia được. Và có cả những người đã xem và không nói gì.
Ảnh minh họa
Tôi thuộc tuýp ngồi lặng xem từng dòng tin nhắn nhảy lên và mỉm cười. Tôi không chốt tham gia vì tôi biết, họp lớp bây giờ không còn là buổi gặp mặt vô tư như xưa. Nó giống như một hội chợ, thập cẩm mà không rõ chủ đề muốn thể hiện là gì.
Nhớ hồi kỷ niệm 10 năm ra trường, tôi cũng háo hức tham gia vì muốn gặp lại bạn bè, ổn lại kỷ niệm xưa. Tôi chuẩn bị váy đẹp, trang điểm kỹ, nghĩ sẵn vài chuyện hay ho để kể.
Thế nhưng, trong suốt buổi họp, tôi cảm nhận rõ đã có sự phân chia "tầng lớp" giữa mọi người trong lớp. Người là chủ doanh nghiệp, người làm bất động sản, người giáo viên, người làm tự do, người nội trợ, người thất nghiệp... Chúng tôi ngồi cùng bàn nhưng chỉ có thể hỏi những câu chuyện xã giao như "hỏi cho có".
Rồi khoảng cách cũng ngày càng bị nới rộng khi những người thành đạt liên tục khoe nhà mới, xe sang, con học trường quốc tế, còn những người chưa được như vậy thì lặng lẽ im lặng cả buổi, nụ cười cũng trở nên gượng gạo.
Tôi nhớ lần ấy, trên bàn nhậu, một người bạn kể về chuyện bố mẹ bệnh nặng, áp lực tài chính đè lên vai, phải vay mượn khắp nơi. Câu chuyện rơi tõm vào không khí náo nhiệt, không ai tiếp lời. Người kể cười gượng, ánh mắt thất vọng rồi đổi đề tài. Những bạn còn lại thì lảng tránh như thể sợ bị bạn hỏi vay tiền.
Rồi chuyện mượn cớ họp lớp để gặp lại người yêu cũ hoặc người tình trong mộng thủa học trò cũng xảy ra ở buổi họp hôm ấy. Nhìn những ông bố, bà mẹ đều đang có gia đình, con cái đủ đầy nhưng vẫn bồi hồi, xao xuyến trước đối phương và có những hành động không chuẩn mực khiến tôi và nhiều người không mấy thoải mái.
Dù một bộ phận các bạn vẫn hô hào, coi đó là chuyện bình thường nhưng tôi lại thấy kệch cỡm, khiến buổi họp lớp mất đi ý nghĩa trang trọng.
Sau buổi hôm ấy, tôi thấy buồn. Không phải vì bạn bè thay đổi mà vì tôi thấy họp lớp giờ không còn như xưa. Tôi không phán xét ai. Vì chính tôi cũng từng hỏi người khác: "Dạo này làm gì rồi?", "Có gì mới không?" – nhưng đôi khi những câu hỏi ấy cũng chỉ là phép lịch sự, chứ chẳng phải thật lòng muốn nghe câu trả lời.
Đó là lý do năm nay tôi không tham gia họp lớp dù cũng về quê nghỉ ngơi, không đi đâu. Tôi nghĩ, họp lớp nên là dịp để kết nối thầy cô và thế hệ học trò cũ, cùng nhau ôn lại kỷ niệm và nhìn lại chặng đường đã qua. Chứ không phải gặp nhau để khoe, không phải để đong đếm ai hơn ai hay để nối lại tình xưa khi đã có gia đình đuề huề... Phải vậy không mọi người?
N.H
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/toi-khong-con-thay-hao-huc-moi-lan-hop-lop-172250501171754078.htm