Tôi lái 'hổ mang chúa' Su30 nhào lộn trên bầu trời TP.HCM

Tôi lái 'hổ mang chúa' Su30 nhào lộn trên bầu trời TP.HCM
21 giờ trướcBài gốc
Tôi là thượng tá phi công Vi Xuân Hùng, Chủ nhiệm an toàn bay Trung đoàn 927, Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không - Không quân). Tôi là một trong nhiều phi công cầm lái máy bay chiến đấu Su30-MK2 bay trên bầu trời TP.HCM trong dịp Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước 30/4.
Từ những ngày đầu tháng 3, các trung đoàn tiêm kích, trực thăng cùng nhiều đơn vị trên cả nước đã tập trung tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) để tập luyện, chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng này.
Trong một ngày luyện tập, chúng tôi dậy từ 3h để ăn sáng, tập thể dục và chuẩn bị cho chuyến bay.
Khoảng 6h30, sau khi được các bác sĩ quân y kiểm tra sức khỏe đạt yêu cầu, Ban chỉ huy cùng các phi công họp bàn phương án bay luyện tập trong ngày. Nội dung về độ cao, hình thái bay... trong buổi luyện tập.
Các phi công của các trung đoàn tập hợp để giả định bay theo đội hình, luyện tập trao thông tin: thời gian cất, hạ cánh, thời gian tách đội, thay đổi độ cao theo từng phút...
Tổ kỹ thuật kiểm tra toàn bộ chiếc tiêm kích Su-30MK2 trước mỗi chuyến bay. Công tác này được tiến hành từ 3h sáng.
Trước khi lên máy bay tôi trực tiếp kiểm tra động cơ, thiết bị trên thân máy bay. Mọi thao tác kiểm tra trước khi cất cánh được thực hiện cẩn trọng, tránh sai sót nhỏ nhất.
Khoảng 7h, tôi ngồi vào buồng lái của một trong bảy chiếc tiêm kích Su30-MK2. Trong buồng lái, chúng tôi phải trang bị đầy đủ thiết bị như mũ bảo hiểm, mặt nạ, dây đeo an toàn, quần kháng áp...
Sau vài phút lăn bánh ra đường băng, chiếc tiêm kích cất cánh và bắt đầu quá trình luyện tập. Mỗi ngày, chúng tôi có 2 đợt huấn luyện diễn ra vào buổi sáng, kéo dài khoảng 3 giờ.
Đây là lần thứ 3 tôi tham gia bay sau 2 lần biểu diễn ở triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 và 2024. Đó là niềm tự hào, may mắn, vui sướng và vinh dự đối với một phi công của Quân đội Nhân dân Việt Nam như tôi.
Tôi cầm lái chiếc thứ 2 trong biên đội 4 chiếc Su30-MK2. Các động tác khi thực hiện cùng biên đội đòi hỏi kỹ thuật rất cao vì cự ly đội hình khá hẹp. Biên đội giải tán cũng phải làm sao để đồng đều, đồng thời tạo ra quỹ đạo bay đẹp nhất.
Một trong những động tác khó nhất trong buổi bay biểu diễn trên bầu trời TP.HCM là xoay vòng tròn như mũi khoan và bay thẳng lên trên.
Bố tôi cũng là một người lính, ông tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị sau đó tiếp tục tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Hôm nay, tôi đang bay trên bầu trời TP.HCM, chiến trường xưa của bố và các đồng đội.
Nhiệm vụ bay biểu diễn trong ngày 30/4 rất quan trọng, tôi cùng các đồng đội trong các trung đoàn đều nghiêm túc luyện tập. Thứ 7, chúng tôi vẫn học tập các phương án để những chuyến bay an toàn nhất, thành công nhất.
Lúc nào tôi cũng tâm niệm, bố đã cùng mẹ chiến đấu bảo vệ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thế hệ sau như tôi phải tiếp nối xây dựng quân đội vững mạnh, bảo vệ đất nước.
Khoảng 8h, chiến đấu cơ hạ cánh xuống đường băng sau khi kết thúc huấn luyện đợt 1. Chúng tôi sẽ nghỉ ngơi khoảng một giờ trước khi tiếp tục đợt luyện tập thứ 2 trong ngày.
Kết thúc buổi luyện tập, chúng tôi trở về nghỉ ngơi, chuẩn bị cho buổi họp kế hoạch vào đầu giờ chiều. Chúng tôi đang rất háo hức được bay trình diễn vào ngày 30/4, chắc chắn đây sẽ là một trong những màn diễu binh, chào mừng hoành tráng nhất mà chúng tôi được tham gia.
Duy Hiệu
Nguồn Znews : https://znews.vn/toi-lai-ho-mang-chua-su30-nhao-lon-tren-bau-troi-tphcm-post1542623.html