Từ Buôn Ma Thuột đến cửa ngõ Sài Gòn
Tháng 12-1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thanh niên Đỗ Trung Mịnh (sinh năm 1955, tại Cầu Giấy, Hà Nội) lên đường nhập ngũ và được biên chế về Tiểu đội 2 (Trung đội 1, Đại đội 2, Tiểu đoàn 80 trực thuộc Sư đoàn 304). Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, anh cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam.
Tháng 7-1973, chàng lính trẻ được biên chế về Tiểu đội hỏa lực trực thuộc Đại đội 2 (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3). Đến tháng 8-1974, Mịnh đảm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng Tiểu đội vệ binh của Ban Tham mưu Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3), có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan chỉ huy và các đồng chí thủ trưởng đơn vị.
“Với nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho thủ trưởng, chiến sĩ vệ binh phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức kỷ luật nghiêm minh, tinh thần trách nhiệm cao nhất và sự tận tụy không quản ngại khó khăn”, Đại tá Đỗ Trung Mịnh nhấn mạnh. Ảnh: Hải Ly
“Trong Chiến dịch Tây Nguyên, khi đi theo bảo vệ chỉ huy, tôi nhớ nhất là đêm trước ngày quân ta nổ súng đánh Buôn Ma Thuột. Khi ấy, địch mạnh hơn ta, nên không khí đơn vị rất căng thẳng. Đại tá Đặng Vũ Hiệp, lúc đó là Chính ủy-Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên, đã gặp Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 (đơn vị được giao nhiệm vụ thọc sâu vào trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột), và dặn: ‘Nếu tình hình khó khăn, đơn vị giữ được 1 ngày là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ’. Không ai nói gì thêm, nhưng ai cũng hiểu: đó là mệnh lệnh và sự tin tưởng tuyệt đối. Sau đó, Tiểu đoàn 4 đã thành công cắm được cờ trên sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy”, ông Mịnh tự hào.
Ngày 7-4-1975, với mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) được lệnh rời chiến trường Tây Nguyên, thần tốc hành quân theo đường mòn Hồ Chí Minh, tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trong chiến dịch này, Sư đoàn 10 được Quân đoàn 3 giao nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu ngụy. Đây là 2 trong 5 mục tiêu trọng yếu của chiến dịch. Trong đó, đơn vị của Đỗ Trung Mịnh (Trung đoàn 24) phụ trách hướng tiến công thọc sâu từ phía Nam-Tây Nam đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất chiếm Bộ tư lệnh dù, Bộ tư lệnh Sư đoàn 5 không quân ngụy, khu cố vấn Mỹ, khu nhân viên kỹ thuật và thông tin ra-đa.
Bộ đội Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu: TTXVN
Đúng 5 giờ 30 phút sáng 29-4, Trung đoàn 24 và Trung đoàn 28 cùng xe tăng, thiết giáp, pháo binh, cao xạ được lệnh xuất kích. Theo lộ tiêu do công binh cắm sẵn trên hai trục đường 5 và 6, xe ủi đất đi trước húc tung các bờ rừng, mô đất, mở đường cho xe tăng và ô tô chở quân đi theo. Đoàn xe các loại, với lá ngụy trang, cắm cờ giải phóng theo đội hình hàng dọc nối nhau băng qua cánh đồng Củ Chi, tiến về Sài Gòn.
Ông Mịnh nhớ lại: “Gần 11 giờ trưa hôm ấy, khi lực lượng chúng tôi cách Củ Chi chừng 4 cây số, thì gặp một lực lượng bộ binh và thiết giáp địch ra sức ngăn chặn. Quân ta đã chiến đấu và tiêu diệt được xe tăng thiết giáp và một trung đội địch. Ngay sau đó, xe tăng và bộ binh của ta thừa thắng nhanh chóng thọc qua Củ Chi tiến về cầu Bông”.
Từ Cầu Bông, Trung đoàn 24 tiếp tục phát triển đánh chiếm Trung tâm huấn luyện Quang Trung, ngã ba Bà Quẹo. Đến 21 giờ ngày 29-4, mũi thọc sâu binh chủng hợp thành của Sư đoàn 10 cách sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu ngụy khoảng 2km.
“Đòn kết liễu” ở sân bay Tân Sơn Nhất
Trong cuộc đời binh nghiệp hơn 50 năm, Đại tá Đỗ Trung Mịnh đã tham gia nhiều chiến dịch lớn, từ các trận đánh ác liệt ở Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh, đến những cuộc truy quét Fulro tại Lâm Đồng, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Kỷ niệm chiến trận thì nhiều, nhưng đáng nhớ hơn cả với ông là trận đánh lịch sử tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Cựu chiến binh, Đại tá Đỗ Trung Mịnh thăm lại chiến trường xưa.
Lật giở từng trang nhật ký chiến trường, ngắm lại những bức ảnh lưu giữ khoảnh khắc cùng đồng đội trở về thăm các chiến địa xưa, Đại tá Đỗ Trung Mịnh bồi hồi: Đúng 4 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Sư đoàn 10 được lệnh khai hỏa. Sau đó, các trận địa pháo lớn của Quân đoàn 3 gầm lên trút bão lửa xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay từ những phút đầu, ba mục tiêu địch trong sân bay bốc cháy. Đến 8 giờ 30 phút, các mục tiêu như: Bộ tư lệnh dù, Bộ tư lệnh không quân, Bộ tư lệnh thiết giáp của ngụy… đều chìm trong khói lửa, địch hoang mang dao động.
Lúc này, Trung đoàn của ông Mịnh được lệnh tiến công đánh chiếm mục tiêu ngã tư Bảy Hiền. Tại đây, địch tổ chức phòng thủ vững chắc, quân đội ngụy quyền bố trí dày đặc, được trang bị nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, các chiến sĩ ta và quân ngụy giành giật từng căn nhà, góc phố.
“Sáng hôm ấy, người bạn thân nhất của tôi hy sinh vì trúng bom. Tối hôm trước, hai đứa còn ngồi tâm sự, hút chung điếu thuốc, mơ đến ngày đất nước thống nhất, được về thăm gia đình. Chứng kiến cảnh đồng đội người hy sinh, người bị thương nhưng vẫn một lòng kiên cường bám trụ chiến đấu, tôi càng thêm quyết tâm xông lên tiêu diệt kẻ thù”, giọng ông Mịnh nghẹn lại.
Nữ biệt động Sài Gòn hướng dẫn quân Giải phóng tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu: TTXVN
Bằng chiến thuật “Nội ứng ngoại hợp”, “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, sau 1 giờ đồng hồ chiến đấu anh dũng, đơn vị của ông Mịnh (Trung đoàn 24) đã chiếm được ngã tư này và nhanh chóng hành quân về sân bay Tân Sơn Nhất. Tại cổng số 5 của sân bay, bộ đội ta gặp sức kháng cự mãnh liệt của quân địch, nhưng với tinh thần “Một ngày bằng 20 năm”, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 24 phối hợp cùng các cánh quân chủ lực áp sát mục tiêu, khép chặt vòng vây địch.
“Các mũi tiến công vào sân bay Tân Sơn Nhất gần như không vấp phải sự kháng cự đáng kể, bởi địch đã phần nào tan rã sau đòn tập kích dữ dội từ hỏa lực của ta. Từng mục tiêu lần lượt được kiểm soát. Đến trưa 30-4, quân ta hoàn toàn làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. Lá cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trên cột cờ Bộ tư lệnh không quân ngụy, rực rỡ giữa nắng. Khi ấy chúng tôi vui sướng lắm, nghĩ đến quê hương, gia đình rồi òa khóc như đứa trẻ”, Đại tá Đỗ Trung Mịnh xúc động.
Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30-4-1975. Ảnh: Quang Thành/TTXVN
Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976, Đỗ Trung Mịnh tiếp tục cùng đơn vị tham gia truy quét tàn quân Fulro tại Lâm Đồng. Một năm sau, ông được cử đi học tại Trường Quân sự Quân đoàn 3, rồi tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cho đến năm 1986. Giai đoạn từ 1986 đến 1999, ông lần lượt học tập và công tác tại các đơn vị như: Học viện Lục quân Đà Lạt, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) và Học viện Quốc phòng. Đến năm 1999, ông được bổ nhiệm làm Thanh tra viên chính của Bộ Quốc phòng và tiếp tục công tác cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2014 với quân hàm Đại tá.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, Đại tá, cựu chiến binh Đỗ Trung Mịnh giờ đã ở tuổi xế chiều, nhưng trong ông, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đặc biệt là trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất vẫn như vừa hôm qua. Với thế hệ hôm nay, những người lính năm xưa không chỉ là nhân chứng của lịch sử, mà còn là biểu tượng sống động của lòng yêu nước, tinh thần quật cường. Những ký ức họ kể lại không chỉ là câu chuyện, mà còn là ngọn lửa đánh thức thế hệ mai sau sống xứng đáng với những người đã lấy tuổi xuân và xương máu mình viết nên hai tiếng: Hòa bình.
TRẦN HẢI LY