Tôi vay 1.000 USD và 5 năm sau, tôi trở thành triệu phú

Tôi vay 1.000 USD và 5 năm sau, tôi trở thành triệu phú
14 giờ trướcBài gốc
Nhà đầu tư Phil Town. Ảnh: YouTube.
Trước khi biết Quy tắc số 1 và bắt đầu chuyến du thuyết của mình, tôi rất nghèo và không dám mơ tới việc mua những bất động sản đắt tiền hoặc du lịch vòng quanh thế giới. Tôi từng làm nhiều công việc như đào cống rãnh, làm sạch các thiết bị cho thuê, bơm xăng, lái xe tải, làm bồi bàn, may những chiếc dây đeo quần.
Tôi tốt nghiệp trung học loại trung bình và phải thi đến bốn lần mới đỗ vào trường cao đẳng. Trong suốt bốn năm phục vụ trong quân ngũ, tôi có hai năm phục vụ trong lực lượng đặc biệt (thường được gọi là lính mũ nồi xanh) và có bốn tháng tham gia cuộc chiến tranh tại nước khác.
Ngày 1/3/1972, tôi kết thúc nghĩa vụ quân sự và trở về Mỹ. Ngày cuối cùng trong quân ngũ, khi tôi rảo bước từ sân bay SeaTac tại Seattle, tự hào trong bộ đồng phục quân nhân với chiếc mũ nồi xanh thì một người đàn ông chạy lại, nhổ nước bọt vào tôi rồi chạy đi.
Tôi rời xa nước Mỹ quá lâu để biết rằng người Mỹ khinh miệt mình đến mức nào bởi những việc tôi làm khi được gửi ra nước ngoài chiến đấu. Sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, tôi chỉ cần vài ngày ngắn ngủi làm một thường dân để nhận ra rằng nhiều người Mỹ nghĩ tôi thật ngu ngốc (hoặc còn tồi tệ hơn thế) khi dấn thân ra chiến trường.
Tôi bị thất nghiệp, nhưng cuối cùng, tôi cũng tìm được việc làm hướng dẫn viên trên sông. Sau một vài năm làm việc tại California, Utah và Idaho, tôi chuyển tới làm việc tại Grand Canyon. Khi đó, tôi cũng để tóc dài như mọi người, mặc bộ đồ da đen, để chòm râu dê, sống trong một căn lều trong rừng gần Flagstaff, Arizona, và lái một chiếc Harley-Davidson màu đen có tiếng động cơ kêu ầm ĩ khiến mọi người khiếp sợ. Cuộc sống của tôi cách xa Phố Wall và thế giới đầu tư chứng khoán. Lúc đó tôi đã ý thức rằng việc kiếm sống rất khó khăn.
Cuộc sống của tôi thay đổi vào năm 1980, khi tôi dẫn các thành viên quản trị của Outward Bound đi xuống hẻm núi trong vòng hai tuần. Outward Bound là một chương trình giáo dục thử thách con người ở mọi độ tuổi trong các môi trường khác nhau, thường là những cuộc thám hiểm tới những vùng hoang vu đầy mạo hiểm, để họ có thể học cách làm việc theo nhóm, cách làm lãnh đạo, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, tự khám phá v.v...
Bởi vì Outward Bound để cho những người tham gia tự làm tất cả các công việc của họ nên chúng tôi quyết định cũng làm như vậy với các thành viên quản trị; thay vì chèo thuyền chở họ xuôi dòng sông, chúng tôi để họ tự chèo những chiếc bè nhỏ. Sau bảy ngày, chúng tôi tới Crystal, thác nước nguy hiểm nhất ở Grand Canyon. Mỗi giây, 2.400 m3 nước đổ thẳng từ vách đá granite cao hơn 10 m.
Tại vách đá, độ cao và khối lượng của nước tạo ra một xoáy nước khổng lồ (được gọi là “Hố xoáy”). Trong tất cả các chuyến hướng dẫn xuôi theo hẻm núi, tôi chưa bao giờ tới gần hố xoáy, và người duy nhất tôi biết đã tới gần xoáy nước phải cố gắng lắm mới sống sót được. Anh nổi lên mặt nước với những vết rách sâu và lưng gần như bị gãy.
Chúng tôi luôn luôn lái thuyền về phía phải của xoáy nước và tránh nó ra. Nhưng lần này, chúng tôi đang chèo thuyền, và tôi cần các thành viên khác giúp đỡ để lái con thuyền sang mé phải con sông. Chúng tôi khởi đầu khá suôn sẻ, thuyền trôi xuôi dòng về mé phải, nhưng khi tôi yêu cầu mọi người trên xuồng chèo về phía bờ phải, con thuyền gần như đứng tại chỗ. Trên thực tế, chúng tôi đang chèo ngày càng gần đến hố xoáy. “Hãy chèo hết sức! Mạnh lên nào! Cuộc sống của các bạn phụ thuộc vào đó!”
Thế nhưng, chúng tôi ngày càng bị cuốn gần hố xoáy. Lúc đó, tôi yêu cầu mọi người chèo mạnh hơn nữa như thể cuộc sống của tôi phụ thuộc vào đó, và điều đó khiến mái chèo của họ va vào nhau. Những mái chèo cứ khua trong không khí còn con thuyền vẫn bị kéo ngược lại. Con thuyền xoay vòng và ngày càng tiến thẳng đến hố xoáy. Thế này thì một số người trong chúng tôi có thể sẽ chết.
Ngay lúc đó, tôi nhận thấy có một dòng nước chảy giữa vách núi và hố xoáy. Tôi kêu to, át cả tiếng ồn của dòng thác, gọi thủy thủ đoàn của tôi chèo hết sức có thể về phía mép trên của hố xoáy với ý nghĩ có thể lướt qua ngọn sóng phía trên ghềnh đá. Đó là sự liều mạng và tôi chợt nghĩ chúng tôi có thể bị nghiền nát vì va chạm vào ghềnh đá trước khi bị nhấn chìm bởi hố xoáy.
Có thể mọi người trên thuyền cũng thấy điều đó hoặc họ cuối cùng cũng nhận ra hố xoáy là điểm kết liễu. Dù nghĩ thế nào đi nữa, mọi người đã chèo chiếc xuồng lướt bay đi và chúng tôi trượt dọc theo vành của hố xoáy. Tất cả chúng tôi khi đó đều ngoái lại nhìn chằm chằm vào xoáy nước đang cuồn cuộn như những chú chuột nhìn vào chiếc máy giặt đang hoạt động.
Tới bây giờ, tôi vẫn không hiểu làm sao chúng tôi có thể xoay xở để vượt qua thác nước đó. Chúng tôi đã chèo xuống dòng chảy nhỏ an toàn, vượt qua bờ đá, vượt qua cả hố xoáy và lên bờ bên kia. Thậm chí chúng tôi không bị ướt. Thật phấn khích.
Khi cập bờ, một thành viên đã nôn thốc nôn tháo trong lúc tôi phải giải thích cho chủ hãng, người tình cờ tham gia cùng chúng tôi trong chuyến đi này rằng thực sự tôi không có lỗi trong việc đưa sáu vị khách quan trọng của hãng tới bên bờ thảm họa trong một chuyến đi vui vẻ.
Đêm hôm đó, một trong số những tay chèo đã ôm chặt lấy tôi đầy cảm động và nói: “Không biết tôi phải cảm ơn anh như thế nào vì đã cứu sống tôi?”. Tôi không đủ can đảm để nói với ông ấy rằng tôi suýt làm ông mất mạng. Người đàn ông đó, người mà tôi gọi là “Wolf” là một triệu phú tự thân lập nghiệp.
Rất tự nhiên, khi ông bắt chuyện và cảm ơn tôi, tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy sẽ cho tôi một ít tiền vì đã “cứu sống” ông ấy. Tuy nhiên, thay vì điều đó, ông kể cho tôi câu chuyện cũ về con cá và chiếc cần câu.
Bạn biết đấy, đưa con cá cho một người, bạn giúp anh ta no được một ngày. Nếu dạy người đó câu cá, bạn giúp anh ta no ấm suốt đời. Tôi thật sự không chú ý nghe lắm. Ông ấy có thể giữ lại con cá. Còn tôi chỉ muốn tiền. Tuy nhiên, ông nhất định dạy tôi cách đầu tư và không chấp nhận sự thờ ơ hay khó chịu của tôi khi trả lời ông.
Ngồi bên ngọn lửa trong đêm hôm đó, ông hỏi tôi kiếm được bao nhiêu tiền. Tôi kể với ông rằng tôi kiếm được 4.000 đô-la trong mùa chèo thuyền và thất nghiệp trong sáu tháng còn lại của năm. Điều này khiến ông phải suy nghĩ trong vài ngày. Nhưng ông rất kiên nhẫn gợi tính tò mò của tôi và cuối cùng cũng khiến tôi quyết định đầu tư. Tôi vay 1.000 đô-la và năm năm sau, tôi trở thành triệu phú.
Thời điểm đó, tôi đã rất thông thạo Quy tắc số 1. Lúc đó, tôi không biết rằng quy tắc này đã có từ 80 năm trước và được những nhà đầu tư thành công nhất trên thế giới sử dụng. Tất cả những điều tôi biết là quy tắc này giúp tôi kiếm tiền. Đây cũng chính là lý do tôi hướng dẫn các bạn Quy tắc số 1 thông qua cuốn sách này.
Phil Town/Alphabooks - NXB Công Thương
Nguồn Znews : https://znews.vn/toi-vay-1000-usd-va-5-nam-sau-toi-tro-thanh-trieu-phu-post1524336.html