'Tôi yêu Thanh Hóa' và góc nhìn độc đáo của những trái tim trẻ

'Tôi yêu Thanh Hóa' và góc nhìn độc đáo của những trái tim trẻ
4 giờ trướcBài gốc
Tác phẩm “Khu Di tích lịch sử Lam Kinh” của Trường THCS Định Thành (Yên Định).
Video "Hòn Trống Mái - Biểu tượng quê hương” của Trường THCS Trung Sơn (TP Sầm Sơn) khiến người xem ngạc nhiên bởi sự sáng tạo, chuyên nghiệp của các em học sinh. Nhiều du khách đã không còn xa lạ với các điểm du lịch, di tích văn hóa lịch sử tại TP Sầm Sơn, người xem cũng đã quen thuộc với hình ảnh hòn Trống Mái, đền Độc Cước, bãi biển Sầm Sơn... Tuy nhiên, khi xem video “Hòn Trống Mái – Biểu tượng quê hương” người xem bị thu hút bởi sự trong trẻo, ngọt ngào nhưng không kém phần chuyên nghiệp của người dẫn chương trình nhí Hà Linh. Bên cạnh đó là những góc quay đẹp, ấn tượng từ trên cao nhìn xuống, cùng những câu chuyện được thể hiện trong video, thực sự đã khiến người xem muốn “xê dịch” đến TP Sầm Sơn, khám phá địa danh hòn Trống Mái. Dưới góc nhìn của các em, hòn Trống Mái hiện lên thú vị, cuốn hút, chính điều đó đã chinh phục ban giám khảo, giúp video đoạt giải nhì tại cuộc thi.
Hà Linh và các bạn được thầy cô trong trường chọn tham gia cuộc thi “Sáng tác video, clip tuyên truyền, giới thiệu về địa chỉ đỏ, danh lam thắng cảnh tỉnh Thanh Hóa” (là hoạt động thuộc chiến dịch truyền thông “Tôi yêu Thanh Hóa” do Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức). Để có một tác phẩm dự thi tốt, Hà Linh và các bạn đã thảo luận chọn đề tài, chủ điểm với sự trợ giúp từ thầy cô và xem các chương trình về du lịch trên truyền hình, video ngắn giới thiệu các danh lam thắng cảnh trên mạng, đồng thời đọc kỹ những lời bình nhằm tự học kinh nghiệm...
Tác phẩm dự thi của học sinh Hoàng Thị Kim Anh.
Hà Linh cho biết: “Nhóm em quyết định làm video theo nội dung trải nghiệm của chính nhân vật, cũng là người dẫn chương trình. Ban đầu em có lo lắng, sợ sẽ làm không tốt nhưng khi đứng trước địa danh của quê hương đã giúp em tự tin hơn để giới thiệu với mọi người về vẻ đẹp của mảnh đất Sầm Sơn”.
Còn tác phẩm “Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ” của Trường THCS Định Hưng (Yên Định) cho người xem cảm nhận niềm tự hào của các em về Vĩnh Lộc, vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là nơi có Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Thực hiện tác phẩm, em Hoàng Thị Kim Anh đã tìm kiếm thông tin tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và sự hỗ trợ của thầy cô giáo, kiến thức trong sách vở... Đồng thời, em tự nghiên cứu để lên kịch bản, viết lời thoại, đi thực tế, chuẩn bị phụ đề và dựng thành một video hoàn chỉnh. Em Hoàng Thị Kim Anh cho biết: “Lâu nay chúng em mới biết Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới, nhưng khi làm video, tìm hiểu sâu, chúng em biết đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn nguyên vẹn trên thế giới. Những điều này càng làm chúng em thêm tự hào về quê hương mình. Không những thế, khi tham gia cuộc thi, còn là cơ hội để chúng em rèn luyện kỹ năng dẫn chương trình, dựng video, rèn luyện tính chủ động trong công việc... Đặc biệt, sau khi video được đăng trên mạng xã hội đã có hàng nghìn lượt thích và chia sẻ, để lại những bình luận tích cực...".
Cuộc thi “Sáng tác video, clip tuyên truyền, giới thiệu về địa chỉ đỏ, danh lam thắng cảnh tỉnh Thanh Hóa” dành cho thanh thiếu niên từ 10 – 17 tuổi, đã thu hút nhiều tác phẩm của học sinh trên toàn tỉnh. Mỗi video là một địa chỉ đỏ, danh lam thắng cảnh... Qua lăng kính của học sinh, mỗi địa danh hiện lên với sự độc đáo, cuốn hút riêng và người xem đều có thể cảm nhận được tình yêu, lòng tự hào quê hương trong mỗi tác phẩm. Theo đánh giá của các cơ sở đoàn thì cuộc thi nhận được sự ủng hộ của thanh, thiếu niên. Đây là một hình thức thi mới mẻ, hiện đại phù hợp với lứa tuổi do vậy, các em đều rất háo hức tham dự.
Hà Linh tự tin trong vai trò người dẫn chương trình, giới thiệu vẻ đẹp quê hương.
Chị Đặng Thị Hồng, Trưởng Ban Thanh Thiếu nhi - Trường học, Tỉnh đoàn Thanh Hóa, cho biết: "Truyền thông “Tôi yêu Thanh Hóa” với nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực... tạo nên sân chơi trải nghiệm thú vị. Hầu hết các video đều có chất lượng cao, nội dung tốt, thể hiện sự đầu tư, công phu của các em học sinh".
Có rất nhiều cách để bồi đắp tình yêu quê hương, lịch sử dân tộc, niềm tự hào đất nước cho thế hệ trẻ. Đó có thể là sự giáo dục của cha mẹ, những bài giảng của thầy cô, kiến thức trong sách vở, lời hay ý đẹp trong mỗi bài hát, câu thơ... và có cả trải nghiệm thực tế qua những cuộc thi như “Sáng tác video, clip tuyên truyền, giới thiệu về địa chỉ đỏ, danh lam thắng cảnh tỉnh Thanh Hóa”. Ở đó là góc nhìn độc đáo của những trái tim trẻ về mảnh đất và con người xứ Thanh.
Bài và ảnh: Phong Vân
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/toi-yeu-thanh-hoa-va-goc-nhin-doc-dao-cua-nhung-trai-tim-tre-35407.htm