Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, đồng tiền số OM của MANTRA đã lao dốc hơn 90% từ mức 6,3 USD xuống còn 0,50 USD, “cuốn trôi” hơn 6 tỷ USD vốn hóa chỉ trong vài giờ.
Diễn biến này gây chấn động không gian tiền mã hóa, với nhiều thành viên cộng đồng gọi đây là vụ “rút thảm” (rug-pull) lớn nhất kể từ hai thảm họa LUNA và FTX.
Ngoài ra, dự án còn đối mặt với cáo buộc rằng một số nhân vật nội bộ nắm quyền kiểm soát quá lớn đối với lượng token đang lưu hành. Phía MANTRA đã bác bỏ thông tin này. Tuy nhiên, các rắc rối chưa dừng lại ở đó. Một tòa án tại Hồng Kông đã yêu cầu 6 thành viên của MANTRA DAO phải công khai hồ sơ tài chính do có liên quan đến cáo buộc chiếm dụng tài sản DAO hồi tháng 8/2024.
Trong một tin nhắn được ghim trên nhóm Telegram của dự án (hiện đã khóa không cho thành viên mới tham gia), người phụ trách cộng đồng MANTRA Dustin McDaniel cho biết nhóm đã nhận thức được các lo ngại và đang tích cực điều tra các vụ việc.
Quay trở lại với thị trường tiền số rộng lớn hơn, Bitcoin hiện đang giao dịch ở mức 84.493 USD, giảm khoảng 1% trong vòng 24 giờ qua. Ethereum, đồng tiền điện tử lớn thứ hai, nhích nhẹ 0,37% lên 1.631 USD. Ngược lại, XRP trượt 0,18%, BNB và Cardano lần lượt giảm 1,19% và 0,62%.
Đối với nhóm memecoin, Dogecoin mất 0,31% còn đồng TRUMP rơi 4,79%.
Vốn hóa thị trường tiền điện tử toàn cầu hiện vào khoảng 2,68 nghìn tỷ USD, với tổng khối lượng giao dịch trong 24 giờ qua đạt 82,72 tỷ USD.
Diễn biến giá Bitcoin
Một số chỉ báo kỹ thuật chỉ ra tiềm năng tăng giá của Bitcoin. Các nhà phân tích nhận định rằng chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) trong ngày vẫn trên mức 60, trong khi đó Bitcoin đang duy trì trên đường trung bình động lũy thừa 20 ngày (20-day EMA), một tín hiệu cho thấy động lực tăng giá vẫn còn.
Đáng chú ý, Bitcoin cũng đang tiến gần đến đỉnh mô hình kỹ thuật “falling wedge”, vốn thường được các nhà phân tích xem là tín hiệu cho xu hướng tăng trong ngắn hạn.
Mặc dù tâm lý thị trường nhìn chung vẫn tích cực, các nhà giao dịch vẫn được khuyến cáo nên thận trọng. Hiện tại, ngưỡng 88.000 USD là mốc quan trọng cả về mặt tâm lý lẫn kỹ thuật. Nếu Bitcoin vượt qua mốc này và đi kèm với khối lượng giao dịch lớn, đó có thể là dấu hiệu xác nhận mô hình “breakout”, thu hút thêm dòng tiền từ các tổ chức tài chính và nhà đầu tư cá nhân. Ngược lại, nếu không vượt qua được, điều đó cho thấy giá sẽ tiếp tục bị mắc kẹt trong vùng dao động hiện tại khi sự quan tâm của giới đầu tư giảm dần.
Bên cạnh đó, các số liệu lạm phát sắp công bố và động thái chính sách từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
My Vũ