Các hoạt động văn nghệ nhân các ngày lễ, dịp kỷ niệm... trong trường học không nên quá cầu kỳ, tốn kém (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Con tôi đang học một trường THPT ở TP Hải Dương. Hai tuần nay, cháu dành 3 buổi/tuần đi tập văn nghệ, có hôm đến hơn 22 giờ mới về đến nhà.
Lớp con tôi đã thuê biên đạo múa, nếu con nghỉ sẽ không có thời gian tập bù và không theo kịp các bạn. Riêng tiền thuê biên đạo múa là 4 triệu đồng. Đó là chưa kể khi biểu diễn các cháu còn phải thuê trang phục, trang điểm... Ngoài ra, còn tiền nước uống dành cho người hướng dẫn và học sinh trong quá trình luyện tập. Có thể chi phí hoàn thiện một tiết mục văn nghệ đến gần chục triệu đồng.
Gần đây trên mạng xã hội xôn xao việc một lớp 8 ở TP Hồ Chí Minh dự chi hơn 20 triệu đồng cho một tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trong đó chi phí cho biên đạo 10 triệu đồng, 5,6 triệu đồng thuê trang phục, còn lại là tiền ăn uống và chi phí khác. Số tiền này được Ban Đại diện cha mẹ học sinh đứng ra vận động phụ huynh hỗ trợ. Rất may, việc vận động này đã tạm dừng và có phụ huynh đứng ra nhận hỗ trợ cho việc dàn dựng tiết mục văn nghệ, còn chi phí ăn uống tùy thuộc vào đóng góp của phụ huynh.
Tình trạng chi phí quá lớn cho biểu diễn văn nghệ trong trường học hiện nay khá phổ biến. Giữa các lớp học còn xuất hiện cuộc "chạy đua" để tiết mục văn nghệ của lớp mình giành giải cao nên càng thi nhau thuê biên đạo múa, dạy hát, thuê trang phục...
Hiện nay, chi phí học tập cho một học sinh khá tốn kém.
Cho dù số tiền chi cho hoạt động văn nghệ được trích từ quỹ lớp hay vận động cha mẹ học sinh tài trợ thì đều là tiền của phụ huynh. Với gia đình khá giả không sao, nhưng có gia đình khó khăn, thậm chí là hộ nghèo, nếu đóng thì không có tiền, không đóng thì sinh ra tâm lý "ngại", con cái sẽ mặc cảm với các bạn trong lớp. Một số phụ huynh lo giáo viên "trù ghét" con mình nên dù không muốn vẫn phải đóng...
Siêng năng, cần cù, chăm chỉ học tập, vâng lời thầy cô, cha mẹ... chính là món quà ý nghĩa nhất dâng lên các thầy cô trong ngày 20/11 và các ngày lễ, Tết
Tôi nhớ, cách đây 30-35 năm, thế hệ 8X của chúng tôi cũng có nhiều hoạt động chào mừng 20/11 hay các ngày kỷ niệm lớn trong trường học.
Nhưng việc tập, biểu diễn văn nghệ đơn giản, mang tính chất giải trí là chính, không có sự cạnh tranh gay gắt về xếp hạng. Chúng tôi tự chọn bài hát, múa và hướng dẫn nhau tập chứ không có người hỗ trợ. Còn trang phục biểu diễn, chúng tôi mượn của các bạn trong lớp, ai có thì mang đến chứ không phải đi thuê. Dụng cụ phụ đạo cũng tự mày mò, thiết kế phù hợp. Thời gian luyện tập của chúng tôi chỉ là thời gian nghỉ giữa các tiết học hoặc chỉ cần ở lại 15-20 phút sau mỗi buổi học.
Nói như vậy để thấy rằng các em có thể tập văn nghệ nhưng theo hình thức "cây nhà lá vườn", thời gian dành cho tập văn nghệ không nên ảnh hưởng đến học tập. Việc trích quỹ hay đóng góp cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ cần vừa phải, không nên bỏ ra số tiền quá lớn…
Kết quả học tập cuối kỳ, cuối cấp, những bông hoa điểm 9, 10, sự ngoan ngoãn, vâng lời thầy cô, cha mẹ, yêu thương, giúp đỡ bạn bè… mới là những điều tốt đẹp nhất dâng lên thầy cô trong những ngày lễ. Vì thế, việc biểu diễn văn nghệ trong trường học cần được chấn chỉnh lại, tránh lãng phí.
HÀ NGÂN