Việc dùng tăm sau khi ăn là thói quen phổ biến của nhiều người. Không ít người còn giữ thói quen ngậm tăm mà không phải để xỉa răng. Tuy nhiên, thói quen tưởng chừng vô hại này lại tiềm ẩn nguy cơ rất lớn cho sức khỏe, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Mới đây, Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Kiến An đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị tổn thương tiêu hóa.
Bệnh nhân bị tổn thương đường tiêu hóa do thói quen ngậm tăm tre.
Cụ thể, bệnh nhân Bùi H.Đ, 55 tuổi, trú tại Đại Hà, Kiến Thụy, Hải Phòng được đưa đến trong tình trạng đau âm ỉ quanh rốn và sườn trái. Cơn đau tăng dần và kèm theo sốt và không có dấu hiệu chấm dứt khiến sức khỏe bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng.
Sau khi được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy, trong đại tràng bệnh nhân cạnh bờ ngoài đại tràng xuống xuất hiện một ổ dịch kích thước 52x13mm, bên trong có dị vật dài khoảng 33mm cùng các dấu hiệu nhiễm mỡ xung quanh. Sau khi xác định đây là trường hợp cần can thiệp cấp cứu, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng.
Khi thực hiện nội soi, đội ngũ phẫu thuật do bác sĩ CKI Phạm Hải Linh dẫn đầu đã phát hiện dị vật dài khoảng 5cm với hai đầu nhọn đâm xuyên thủng hồi tràng của bệnh nhân.
Dị vật được xác định là một mảnh tăm tre và ekip phẫu thuật đã tiến hành gắp dị vật an toàn, khâu lỗ thủng hồi tràng, vệ sinh và đặt dẫn lưu ổ bụng.
Sau một ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã hồi phục tốt, không còn sốt và nhanh chóng trở lại trạng thái ổn định.
Các bác sĩ Bệnh viện Kiến An khuyến cáo, mọi người nên sử dụng chỉ nha khoa thay vì tăm tre để làm sạch răng miệng. Nếu dùng tăm tre, không nên ngậm trong miệng, cần bỏ tăm ngay sau khi sử dụng. Khi ăn cần nhai kỹ để tránh nuốt phải dị vật lẫn trong thức ăn mà không phát hiện được. Khi nuốt phải tăm hay bất cứ dị vật nào, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, can thiệp kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Phương Thảo