'Tôn trọng pháp luật như tôn trọng đạo lý'

'Tôn trọng pháp luật như tôn trọng đạo lý'
3 giờ trướcBài gốc
3 tầng nấc của văn hóa pháp luật
Tổng Bí thư đã nói rõ: “Pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh hành vi xã hội, mà phải được xem là cơ sở tổ chức, vận hành quyền lực nhà nước, là nền tảng vững chắc để bảo vệ quyền con người, quyền công dân và là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Tư duy này đã đặt ra một yêu cầu lớn: xây dựng văn hóa pháp luật như một trụ cột tinh thần để cải cách thể chế có thể đi vào thực chất.
Cần hiểu rằng văn hóa pháp luật không đơn thuần là việc phổ biến kiến thức pháp lý hay tuyên truyền tuân thủ luật. Văn hóa pháp luật là một hệ thống chuẩn mực sống, nơi luật pháp được tôn trọng, thực thi nghiêm minh, vận dụng sáng tạo và được bảo vệ như một giá trị chung. Đó là môi trường nơi pháp luật không chỉ "trị" mà còn "dẫn", nơi người dân thấy mình được bảo vệ và được khuyến khích sáng tạo, nơi chính quyền không phải là người “ban phát” mà là người “phục vụ”.
Đại biểu tham dự Hội nghị quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ngày 18/5/2025 tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
Sự hình thành nền văn hóa ấy đòi hỏi ba tầng nấc: (1) văn hóa của người xây dựng luật, (2) văn hóa của người thực thi luật và (3) văn hóa của công dân. Mỗi tầng nấc ấy đều có vai trò riêng nhưng gắn bó chặt chẽ trong tổng thể một xã hội pháp quyền.
Trước hết, văn hóa của người xây dựng pháp luật phải được đặt trên nền tảng trách nhiệm và tầm nhìn dài hạn. Những hiện tượng như luật khung, luật ống, chồng chéo, mâu thuẫn, nếu không khắc phục sẽ không chỉ làm suy yếu hiệu lực pháp luật, mà còn tạo ra tâm lý hoài nghi, nhờn luật trong xã hội. Văn hóa làm luật cần được nâng cấp thành tư duy đồng hành với đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế, bảo vệ quyền lợi công dân và thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Với người thực thi pháp luật - từ cán bộ công quyền đến các cơ quan quản lý nhà nước, Tổng Bí thư yêu cầu phải chuyển “từ tư duy quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, kiến tạo phát triển”. Văn hóa thực thi pháp luật không chỉ là tuân thủ các quy trình kỹ thuật hành chính, mà còn là sự tôn trọng người dân, dũng cảm chịu trách nhiệm và hành động vì lợi ích công. Nếu cán bộ có quyền nhưng thiếu liêm chính, nếu thủ tục được số hóa nhưng không minh bạch, thì pháp luật sẽ không còn là công cụ kiến tạo mà chỉ là rào cản vô hình cho người dân và doanh nghiệp.
Và cuối cùng, ở tầng lớp rộng lớn nhất - người dân - văn hóa pháp luật chính là nền tảng cho xã hội văn minh. Một xã hội phát triển không chỉ ở hạ tầng hiện đại, tăng trưởng cao, mà còn ở chỗ người dân sống có trách nhiệm pháp lý: không vi phạm luật dù không ai giám sát, dám lên tiếng bảo vệ lẽ phải và sử dụng pháp luật như một công cụ đấu tranh chính đáng. Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, nền tảng văn hóa pháp luật là “tôn trọng pháp luật như tôn trọng đạo lý”.
“Lời hiệu triệu cho một cuộc cải cách thể chế sâu sắc”
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với yêu cầu cao về tốc độ và chất lượng tăng trưởng, thể chế không còn là “hệ khung kỹ thuật pháp lý” đơn thuần, mà là trụ cột định hình phương thức phát triển quốc gia. Và chính vì vậy, Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị đã được Tổng Bí thư Tô Lâm gọi là “lời hiệu triệu cho một cuộc cải cách thể chế sâu sắc”, với mục tiêu cốt lõi là “xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại, thực chất, vì nhân dân phục vụ”. Tuyên bố ấy không chỉ là một định hướng hành động, mà còn phản ánh một bước chuyển tư duy căn bản: từ “pháp luật là công cụ quản lý” sang “pháp luật là nền tảng kiến tạo và động lực phát triển”.
Những điểm đột phá lớn của Nghị quyết 66 có thể được nhận diện trên ba trục chính: tư duy, thể chế và hành động. Trước hết, về tư duy, Nghị quyết yêu cầu “chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ”. Đây là điểm mấu chốt, là tinh thần cải cách đã được Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh. Bởi trong một xã hội dân chủ, hiện đại, vai trò của Nhà nước không phải là ban hành mệnh lệnh, mà là tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch để người dân và doanh nghiệp yên tâm phát triển, sáng tạo, cống hiến. Tư duy pháp quyền mới đòi hỏi những người xây dựng luật không chỉ giỏi kỹ thuật lập pháp, mà còn phải thấm nhuần đạo lý công vụ vì dân, vì nước, vì tương lai dài hạn chứ không phải vì sự tiện lợi của bộ, ngành mình trong hiện tại.
Tôn trọng, bảo vệ và chấp hành Hiến pháp, pháp luật là nét đẹp văn hóa của mỗi người dân Nguồn: phapluatvacuocsong.vn
Thứ hai, về mặt thể chế, Nghị quyết đặt trọng tâm xây dựng hệ thống pháp luật có “tính dự báo cao”, tức là pháp luật phải đi trước, phải dẫn dắt, đón đầu sự phát triển. Đặc biệt, yêu cầu “thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng, thực chất; chuyển đổi số phải gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện hóa tối đa cho người dân và doanh nghiệp” cho thấy quan điểm nhất quán: pháp luật không phải là rào chắn mà là hành lang mở, không phải áp lực mà là động lực.
Thứ ba, Nghị quyết 66 đã không dừng lại ở tuyên ngôn chính trị. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ 8 nhiệm vụ cấp bách cần triển khai ngay trong năm 2025, năm “bản lề mở ra kỷ nguyên mới”. Trong đó, có ít nhất ba nhóm nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến văn hóa thực thi pháp luật: (1) rà soát toàn diện hệ thống pháp luật để xóa bỏ các rào cản, khắc phục tình trạng luật chồng chéo, mâu thuẫn; (2) xây dựng bộ chỉ số đánh giá định kỳ việc thực hiện các nghị quyết - một công cụ giám sát mang tính lượng hóa, phản ánh chất lượng cải cách trong thực tiễn; và (3) kiện toàn bộ máy thực thi pháp luật, thiết lập “cơ chế chỉ đạo thống nhất, kiểm tra, giám sát thường xuyên” từ Trung ương tới địa phương. Ba nhóm nhiệm vụ ấy cho thấy, Nghị quyết 66 không chỉ đặt ra những vấn đề lớn, mà còn đề xuất cụ thể những cách thức triển khai thực chất, hiệu quả, lấy kết quả làm thước đo.
Nghị quyết 66 không chỉ là một chiến lược cải cách lập pháp hay hành chính tư pháp. Đó là cuộc cải cách văn hóa ở tầm quốc gia, một cuộc vận động tinh thần, đòi hỏi thay đổi cả trong tư duy lãnh đạo lẫn hành vi xã hội. Khi Tổng Bí thư nhấn mạnh “thi hành pháp luật phải gắn với chuyển đổi số, công khai và minh bạch hóa tối đa cho người dân và doanh nghiệp”, ông không chỉ đang nói về công nghệ, mà về một nền tảng đạo đức quản trị, nơi quyền lực phải có trách nhiệm giải trình, nơi pháp luật phải dễ tiếp cận, và người dân phải được xem là chủ thể trung tâm của mọi cải cách.
Nếu Nghị quyết 68 tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân, nếu Nghị quyết 57 thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nếu Nghị quyết 59 mở rộng không gian hội nhập quốc tế, thì Nghị quyết 66 chính là “xương sống” về thể chế để kết nối và bảo đảm tính bền vững của toàn bộ tiến trình ấy. Do đó, hơn cả một văn kiện chính trị, Nghị quyết 66 là lời tuyên bố chiến lược: Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới không bằng cách chỉ đầu tư vào hạ tầng vật chất, mà bằng cách tái thiết “hạ tầng thể chế”, nơi luật pháp không chỉ tồn tại, mà phải sống động, lan tỏa và truyền cảm hứng; nơi người dân không chỉ tuân thủ mà đồng kiến tạo; nơi Nhà nước không chỉ là người ban hành, mà là người phục vụ. Và nơi xã hội không chỉ phát triển nhanh, mà còn phát triển bền vững trên nền tảng của công lý, trách nhiệm và niềm tin.
PGS. TS. Bùi Hoài Sơn
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ton-trong-phap-luat-nhu-ton-trong-dao-ly-10372950.html