Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Tồn trữ kim loại đồng của Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt chỉ sau vài tháng, vì thị trường đang hứng chịu “một trong những cú sốc thắt chặt nguồn cung lớn nhất” trong lịch sử do lo ngại liên quan tới chính sách thuế quan của Mỹ - theo tiết lộ của các nhà điều hành cấp cao từ công ty giao dịch hàng hóa cơ bản Mercuria với tờ báo Financial Times.
Nhu cầu đồng của Mỹ tăng mạnh - do người mua từ nước này tranh thủ gom hàng trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể áp thuế quan lên đồng nhập khẩu - đang hút mạnh nguồn cung đồng từ phần còn lại của thế giới về Mỹ. Điều này cũng dẫn tới môt cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà nhập khẩu của Mỹ và của Trung Quốc để giành giật các lô đồng - theo Mercuria, công ty có trụ sở ở Geneva, Thụy Sỹ.
Lượng đồng tồn trữ của Trung Quốc đã giảm nhanh trong mấy tuần qua và “với tốc độ giảm như hiện nay, tồn trữ đồng của Trung Quốc có thể về 0 vào giữa tháng 6”, ông Nicholas Snowdon - trưởng bộ phận nghiên cứu kim loại và khai mỏ của Mercuria nhận định với Financial Times.
Trong tuần trước tuần vừa rồi, tồn trữ đồng của Trung Quốc giảm khoảng 55.000 tấn, còn 116.800 tấn - đánh dấu tuần giảm kỷ lục - theo dữ liệu từ Sở giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải.
“Đây có thể sẽ là một trong những cú sốc thắt chặt nguồn cung lớn nhà mà thị trường này từng chứng kiến”, ông Snowdon phát biểu, nói thêm rằng Bắc Kinh có một “bộ đệm đồng dự trữ quá mỏng” để đáp ứng nhu cầu trong nước”.
Ông Kostas Bintas, trưởng bộ phận kim loại và khai mỏ của Mercuria, nói rằng đây là lần đầu tiên Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc để giành nguồn cung đồng, và điều này có thể đẩy giá đồng tăng mạnh.
Ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại Mỹ lên thị trường đồng làm gia tăng thêm áp lực vốn đã có từ trước do nhu cầu đồng cao ở Trung Quốc, bên cạnh rủi ro thuế quan trả đũa có thể gây gián đoạn dòng chảy đồng vụn - một nguồn cung quan trọng.
Các nhà nhập khẩu đồng của Mỹ đang gom một lượng hàng lớn để đưa về nước trước khi ông Trump có thể đánh thuế quan lên kim loại này. Chính quyền Trump đã khởi động một cuộc điều tra để làm sáng tỏ nghi vấn về “hành vi bán tháo và sản xuất quá nhiều đồng do nhà nước tài trợ”. Kết quả cuộc điều tra này có thể dẫn tới việc đồng nhập khẩu vào Mỹ bị áp thuế quan, tương tự như nhôm và thép - hai kim loại đã bị ông Trump áp thuế quan 25%.
Biến động lượng đồng tồn trữ hàng tuần tại các nhà kho của Sở giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải. Đơn vị: nghìn tấn - Nguồn: Refinitive/FT.
Trái với sự sụt giảm lượng tồn trữ đồng ở Trung Quốc, tồn trữ đồng tại các nhà kho của sàn giao dịch COMEX ở Mỹ vào cuối tháng 4 vừa qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2018. Cùng với đó, giá đồng trên sàn COMEX cũng đang cao hơn giá đồng trên sàn LME ở London. Cuối tháng 4 vừa qua, giá đồng giao sau ở New York chênh lệch cao hơn khoảng 1.200 USD/tấn so với giá đồng ở London, sau khi chênh cao hơn tới 1.600 USD/tấn trong tháng 3 - một mức chênh lệch lớn hơn nhiều so với trung bình dài hạn.
Phiên ngày 2/5, giá đồng giao sau trên sàn LME đóng cửa ở mức 9.356 USD/tấn, còn giá đồng giao sau trên sàn COMEX đạt khoảng 4,61 USD/pound (1 pound = 0,45 kg).
Khi giá đồng tăng nhanh, các nhà đầu cơ có vị thế bán khống đồng sẽ đẩy mạnh việc mua vào để đóng trạng thái. Điều này khiến nhu cầu đồng càng tăng thêm, dẫn tới giá tăng mạnh hơn - theo ông Bintas.
Các nhà phân tích nói rằng thuế quan trả đũa mà Trung Quốc áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có thể ảnh hưởng bất lợi tới thị trường đồng vụn, khiến nguồn cung đồng càng thắt chặt hơn đối với Trung Quốc. Tình hình sẽ xấu thêm nếu Mỹ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu đồng vụn, vì Mỹ là một nước xuất khẩu lớn mặt hàng này. Năm 2024, Mỹ xuất khẩu 960.000 tấn đồng vụn và một nửa trong số đó được xuất khẩu sang Trung Quốc - theo dữ liệu từ công ty FastMarkets.
Trong 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc xuất khẩu 142.000 tấn đồng vụn, giảm từ mức 149.000 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Bình Minh