Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, những tháng đầu năm 2024, thành phố Hà Nội đang duy trì mức sinh thay thế. Tuy nhiên, số sinh đang có xu hướng giảm và số sinh con thứ ba trở lên tại các huyện ngoại thành vẫn còn ở mức cao.
Tại Hà Nội, hơn 10 năm qua, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra với tốc độ tăng nhanh, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh cao ở mức 117/100, Thành phố cũng đã kịp thời có những chỉ đạo để khống chế, giảm tỷ số giới tính khi sinh.
Năm 2016, ngay sau khi Chính phủ phê duyệt đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 14/11/2016 về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội năm 2016 - 2025, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa tỷ số này đạt khoảng 109 trẻ trai/100 trẻ gái, sau năm 2025 đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số tại huyện Phú Xuyên được biểu dương.
Theo báo cáo của 30 quận/huyện, 6 tháng năm 2024, tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố là 112,4 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong đó, tỷ số giới tính khi sinh của các đơn vị không đồng đều nhau, một số quận/huyện có biểu hiện mất cân bằng cao (trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái) gồm: Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ. 9 tháng của năm 2024, tỷ số giới tính khi sinh toàn thành phố là 112 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm không quá 111 trẻ trai/100 trẻ gái, hoàn thành chỉ tiêu năm.
Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội là do bất bình đẳng giới, tâm lý thích sinh con trai, dịch vụ xác định giới tính thai nhi ngày càng phát triển và thuận tiện, chính sách giảm sinh, quy mô gia đình nhỏ, tác động đến sự lựa chọn giới tính khi sinh, do tâm lý sinh con dự phòng.
Để duy trì mức sinh thay thế cần có những giải pháp đồng bộ, các đơn vị tăng cường tham mưu giải pháp thực hiện công tác dân số trong tình hình mới. Hằng năm, hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10), thành phố Hà Nội đã gặp mặt biểu dương trẻ em gái chăm ngoan học giỏi, đại diện cho các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số. Đây là hoạt động nhân văn và ý nghĩa được Thành phố duy trì nhằm xây dựng hình ảnh mới của phụ nữ, trẻ em gái trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện bình đẳng giới, khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Nhân lên những tấm gương điển hình
Từ hoạt động gặp mặt, biểu dương đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi. Đơn cử như em Vũ Ngọc Linh, học sinh lớp 7A2 Trường Trung học cơ sở Trần Phú (huyện Phú Xuyên) đã 6 năm liên tục đều đạt học sinh giỏi toàn diện. Sau mỗi buổi học, em làm việc nhà và giúp bố mẹ chăm em gái nhỏ 2 tuổi.
Em Doãn Thu Hà, học sinh lớp 4A3 Trường Tiểu học Nguyễn Việt Xuân (quận Cầu Giấy) là chị cả trong gia đình có hai chị em gái. Hà rất gương mẫu, chăm ngoan học giỏi, làm gương cho em gái út học lớp 3 cùng phấn đấu học tốt. Tuy nhỏ tuổi, nhưng Thu Hà luôn ý thức được việc học của mình. Trên lớp, em luôn chăm chú nghe cô giáo giảng bài để lĩnh hội những kiến thức mới. Vì vậy, ba năm học qua, em đều đạt thành tích cao trong học tập.
Người dân tìm hiểu các kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới tại điểm truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái tại quận Thanh Xuân.
Để triển khai hiệu quả hoạt động bình đẳng giới, thời gian qua, Thành phố đã tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về công tác bình đẳng giới, ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; đẩy mạnh thực hiện xây dựng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh, gia đình không có bạo lực…
Ngay tại trường học, hoạt động bình đẳng giới cũng được chú trọng triển khai. Bà Vũ Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (quận Cầu Giấy) cho biết: “Trường chúng tôi luôn đề cao vai trò cân bằng giới tính, cũng như đảm bảo sự công bằng cho trẻ em gái. Với 55% số học sinh là nữ, chúng tôi quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục giới tính cho các em thông qua các hoạt động tuyên truyền cụ thể”.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sách, báo, văn hóa phẩm vi phạm các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; khuyến khích hỗ trợ phát huy vai trò, vị thế của trẻ em gái.
Nhằm ổn định quy mô dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số, các quận, huyện trên địa bàn, Thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp, trong đó đẩy mạnh nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ về công tác dân số cho đội ngũ cán bộ dân số các cấp, và chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ thực hiện các Đề án, Kế hoạch nâng cao chất lượng dân số.
Đồng thời các quận, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, thực hiện hiệu quả Đề án Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật, trước sinh và sơ sinh; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; thực hiện “Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025”; đẩy mạnh các hoạt động can thiệp mô hình nâng cao chất lượng dân số Thủ đô trong tình hình mới…
N.Hoa