Ngày 6-2, bà Mai Thị Ngọc Ảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cho biết trước Tết Nguyên đán 2025, UBND huyện đã phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận đặt bảng tôn vinh những người xây dựng tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn trên núi Tà Cú.
Toàn cảnh tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn trên núi Tà Cú. Ảnh HOÀNG ANH HẢI.
Việc lắp đặt bảng tôn vinh trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ đã được du khách khắp nơi lên núi Tà Cú viếng chùa, du xuân rất đồng tình và thích thú.
Bảng tôn vinh được xây bằng xi-măng áp vào một tảng đá tự nhiên cạnh tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, với nội dung : “Song Lâm Thị Tịch chùa Linh Sơn Trường Thọ (chùa núi Tà Cú) là công trình do cố hòa thượng Thích Vĩnh Thọ (1905-1982), trụ trì đời thứ V phát nguyện xây dựng, tọa lạc ở độ cao 475m so với mực nước biển.
Song Lâm Thị Tịch có diện tích khoảng 1.000m2, điểm nhấn của công trình là tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn dài 49m, cao 11m mang vẻ đẹp uy nghi, thanh thoát, hỷ xả, từ bi.
Công trình này được khởi công xây dựng từ năm 1962, do điêu khắc gia Trương Đình Ý (1910-1995) thiết kế cùng với sự đóng góp công sức, vật chất của nhân dân. Đến năm 1966, công trình hoàn thành.
Từ tháng 2-1997, tỳ kheo Thích Nữ Ba La, trụ trì đời thứ VI, tiếp tục đầu tư hoàn thiện công trình Song Lâm Thị Tịch như ngày hôm nay.
Nội dung bảng tôn vinh.
Để xây dựng bảng tôn vinh này là cả một quá trình dài mà Báo Pháp Luật TP.HCM có nhiều loạt bài đề xuất. Sau đó, báo cũng đã nhiều lần phối hợp với Sở VH-TT&DL, UBND huyện Hàm Thuận Nam, Tập đoàn TTC, Linh Sơn Trường Thọ tự khảo sát, góp ý…Đến nay đã thành hiện thực theo nguyện vọng của gia đình cố điêu khắc sư Trường Đình Ý.
Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ và điêu khắc sư Trương Đình Ý chụp tại tượng Phật trên núi Tà Cú năm 1966.
Như đã PLO đã đưa tin, ông Trương Đình Ý là một trong 10 sinh viên Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khoa điêu khắc Trường Mỹ thuật Đông Dương 1935. Bàn tay tài hoa của ông được làng điêu khắc trong và ngoài nước đánh giá rất cao, đặc biệt là chuyên về Phật Tượng.
Ông từng là giáo sư hội họa các trường Võ Tánh, Quy Nhơn (1940), Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn (1950); giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1958); giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (1956-1957; 1961-1962).
Bảng tôn vinh áp vào tảng đá tự nhiên trên núi Tà Cú.
Đầu năm 1962, ông Trương Đình Ý bất ngờ xin nghỉ dạy, xuống tóc, mặc áo lam để lên núi Tà Cú xây dựng tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn theo lời mời của sư trụ trì - Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ. Trước đó, chùa Linh Sơn Trường Thọ (được vua Tự Đức sắc phong năm 1880) đã cử nhiều đoàn đi từ Quảng Trị đến tận mũi Cà Mau để kêu gọi phật tử đóng góp thực hiện công trình này.
Để làm được công trình đồ sộ này, hàng ngàn người đã phải vác từng viên đá, gánh từng bao xi măng từ chân núi lên kéo dài đến hơn 4 năm. Từ 1963-1966, ông Trương Đình Ý ở luôn trên núi, làm không công để xây dựng công trình này.
Bảng tôn vinh đặt cạnh tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn.
Tượng Phật Thích ca nhập Niết Bàn dài 49m là tượng trưng 49 năm, tính từ khi Đức Thích Ca thành đạo đến nhập diệt.
Ngày 7-1-1993, cụm chùa và tượng Phật trên núi Tà Cú được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di sản lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngày 2-1-2006, tượng Phật Thích Ca dài 49m trên núi Tà Cú được tổ chức Kỷ lục Việt Nam / Vietkings xác nhận là tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam.
Tháng 5-2013, tượng Phật này được Trung tâm Sách kỷ lục châu Á trao bằng xác lập kỷ lục “Tượng Phật nằm trên đỉnh núi dài nhất châu Á”. Ngoài công trình đồ sộ tạo nên sự khác biệt của núi Tà Cú, điêu khắc sư Trương Đình Ý cũng là tác giả điêu khắc 3 pho tượng A Di Đà, Quan Âm và Đại Thế Chí trên núi Tà Cú, nằm cách tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn không xa.
PHƯƠNG NAM