Tổng Bí thư: Chiến thắng 30/4/1975 là biểu tượng của khát vọng độc lập dân tộc, tự do và hòa bình

Tổng Bí thư: Chiến thắng 30/4/1975 là biểu tượng của khát vọng độc lập dân tộc, tự do và hòa bình
9 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà cho các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Cùng tham dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và TPHCM.
Tiết mục văn nghệ tại chương trình
Tri ân quá khứ
Tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ sự vui mừng, trân trọng, cảm phục, đánh giá cao những chiến công và đóng góp to lớn của các đồng chí tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là thắng lợi của ý chí quật cường, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà còn là biểu tượng của khát vọng độc lập dân tộc, tự do và hòa bình. Đó là kết tinh của bao xương máu, hy sinh anh dũng của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, qua những câu chuyện được các đại biểu chia sẻ trong buổi gặp mặt, như thấy lại những cung đường Trường Sơn huyền thoại, với hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong ngày đêm băng rừng, lội suối, chịu đói rét, bệnh tật, vượt qua mưa bom bão đạn để vận chuyển vũ khí, lương thực và đưa những đoàn quân vào giải phóng miền Nam; thấy trùng trùng quân đi như sóng tiến vào giải phóng các cửa ngõ Sài Gòn…
Thế hệ hôm nay và mai sau luôn trân trọng, biết ơn và tự hào vì trong thành tựu chung của đất nước, luôn có sự đóng góp, cống hiến của các đồng chí tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đặc biệt là sự hy sinh to lớn của các cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân đã làm non sông đất nước vang khúc khải hoàn, trường tồn và phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm trò chuyện cùng các đại biểu.
Tổng Bí thư ghi nhận và trân trọng các ý kiến tâm huyết của các đại biểu; cho biết các kiến nghị sẽ được cấp ủy đảng và chính quyền các cấp xem xét, giải quyết theo tinh thần "nếu làm được thì làm ngay".
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khái quát những thành tựu đạt được của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng - an ninh và nêu lên một số định hướng phát triển đất nước trong thời gian tới.
Các nữ đại biểu tham dự buổi gặp mặt
"Chúng tôi vượt qua tất cả khó khăn là nhờ tình yêu quê hương đất nước"
Trong thời chiến, các cô, các chú, các bác là những người anh hùng, tướng lĩnh, những người đi đầu dẫn dắt và chỉ huy các trận đánh, góp công sức to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời bình, các cô, các chú, các bác tiếp tục cống hiến ở những vị trí lãnh đạo, chủ chốt. Họ là những người bản lĩnh, kiên cường, mạnh mẽ trước quân thù, thế nhưng, trong giây phút gặp mặt này, họ không khỏi xúc động, bồi hồi, rưng rưng nhớ về thời "cơm nắm ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt", về những đồng đội đã nằm xuống nơi chiến trường.
Cô Nguyễn Thị Bích Nga, cựu nữ biệt động Sài Gòn, phát biểu tại chương trình
Trong khoảnh khắc của buổi gặp mặt hôm nay, cô Nguyễn Thị Bích Nga, cựu nữ biệt động Sài Gòn, cho biết, những cảm xúc của ngày ấy như ùa về nguyên vẹn - xen lẫn giữa tự hào và một phần ký ức bi tráng. Những đau thương, mất mát không thể diễn tả hết bằng lời. Đó không chỉ là những vết thương trên thân thể, mà còn là những ám ảnh khôn nguôi về sự tra tấn tàn nhẫn, dã man của kẻ thù mỗi khi chúng bắt được những chiến sĩ cộng sản kiên trung. Dẫu máu đổ, đầu rơi, ý chí chiến đấu của các chiến sĩ biệt động chưa bao giờ từng lung lay. Những người nữ chiến sĩ biệt động như cô đã sống và chiến đấu với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
"Chúng tôi vượt qua tất cả khó khăn là nhờ một tình yêu quê hương đất nước, tấm lòng nhân hậu thủy chung nhưng mạnh mẽ và kiêu hãnh vô bờ bến trước quân xâm lược. Chúng tôi hy vọng, tin tưởng vào lớp trẻ hôm nay của thành phố - những người con tiếp nối thế hệ, tài năng, sáng tạo tiếp tục kế tục xứng đáng và làm tốt hơn những gì mà thế hệ chúng tôi đã làm", cô Nguyễn Thị Bích Nga nhắn gửi.
Tại buổi gặp mặt, tất cả đại biểu đều vỗ tay thật to khi nghe ông Trần Văn Triệu, nguyên cán bộ Điệp báo An ninh miền Nam, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bước lên bục phát biểu và nói "Tôi năm nay 93 tuổi". Người tướng lĩnh ấy tóc đã bạc phơ, bước từng bước run run, chậm rãi lên bục phát biểu. Thế nhưng, khi nhắc lại thời khắc chiến thắng của tháng tư lịch sử năm 1975 hay đồng đội vượt Trường Sơn vào chi viện cho miền Nam, giọng ông trở nên hùng hồn, đầy quyết tâm. Ông như được sống trở lại một thời tuổi trẻ gan dạ của mình.
Ông Trần Văn Triệu, nguyên cán bộ Điệp báo An ninh miền Nam, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phát biểu.
"Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, 50 năm hơn nửa đời người, những kỷ niệm nhớ nhớ quên quên nhưng khi được xem bản trường ca "Ký ức để lại" thì tôi như được trở lại nơi chiến trường xưa, được gặp lại hình ảnh những người đồng chí, đồng đội của mình. Tất cả chúng tôi bằng mọi giá kể cả hy sinh tính mạng để có được những tin tức tốt nhất, để phục vụ cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", ông Triệu nhớ lại.
Người cán bộ Điệp báo An ninh miền Nam ngày ấy còn bày tỏ rằng: Tầm vóc vì đại, ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa xuân năm 1975 luôn là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông hoàn toàn tin tưởng dưới sự lãnh đạo của đồng chỉ Tổng Bí thư, chắc chắn đất nước sẽ vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, một kỳ nguyên tươi sáng của dân tộc, xứng đáng với sự hy sinh của lớp lớp thế hệ người Việt.
Các đại biểu tay bắt mặt mừng ngày gặp mặt.
Buổi gặp mặt hôm nay là một khoảnh khắc lắng đọng, nơi những người đặc biệt gặp những người đặc biệt. Sau 50 năm, khi những thước phim lịch sử về Chiến dịch Hồ Chí Minh sống động trở lại trên màn ảnh, những câu chuyện hào hùng và bi tráng của một thời khói lửa được kể lại, trong khoảnh khắc ấy, các cô chú như được trở về chiến trường xưa, sống lại những hình ảnh không thể nào quên của đồng chí, đồng đội giữa mưa bom bão đạn, giữa máu và nước mắt.
Khép lại buổi gặp mặt đầy xúc động, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ân cần thăm hỏi sức khỏe và trao quà lưu niệm tặng các đại biểu tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, điệp báo, biệt động Sài Gòn, du kích, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Phạm Thương
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/tong-bi-thu-chien-thang-30-4-1975-la-bieu-tuong-cua-khat-vong-doc-lap-dan-toc-tu-do-va-hoa-binh-2025042120393379.htm