Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thăm Pháp: Quyết tâm tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thăm Pháp: Quyết tâm tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược
3 giờ trướcBài gốc
Tuần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm Pháp và dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ. Trao đổi với VietNamNet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ sự vui mừng được tiếp đón lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Pháp bởi đây là chuyến thăm rất quan trọng.
Vai trò quan trọng của Cộng đồng Pháp ngữ
Về phía Việt Nam, Pháp là một trong những nước đầu tiên mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam. Ngay sau khi nhậm chức một thời gian ngắn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã bố trí thời gian để dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao nhất tham dự sự kiện.
Theo Đại sứ, điều này cho thấy tầm quan trọng của Cộng đồng Pháp ngữ với Việt Nam không chỉ về kinh tế mà cả ở các diễn đàn, cơ chế quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 năm 2022. Ảnh: BNG
Về phía Pháp, Việt Nam có vai trò quan trọng trong Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và Cộng đồng Pháp ngữ. Trong quan hệ song phương Pháp luôn coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam.
Năm 1997 Việt Nam đã đăng cai Hội nghị cấp cao đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á.
Đại sứ nhận định, Việt Nam với hơn 100 triệu dân, dù số người nói tiếng Pháp không còn nhiều như cách đây 20-30 năm, tuy nhiên Việt Nam vẫn ủng hộ quảng bá, giảng dạy tiếng Pháp.
Về kinh tế, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường các nước nói tiếng Pháp hàng trăm triệu dân, với cơ hội kêu gọi đầu tư, xuất khẩu sản phẩm.
Hội nghị cấp cao Pháp ngữ năm nay có sự tham dự của đại diện của hơn 100 quốc gia và Chính phủ, sẽ được tổ chức tại Villers-Cotterêts và Paris.
Đại sứ Olivier Brochet thông tin, phiên khai mạc diễn ra tại Villers-Cotterêts ở Cité Internationale de la Langue Française vào ngày 4/10. Đây chính là nơi mà François I (thế kỷ 16) đã ký một trong những sắc lệnh nổi tiếng nhất của mình đưa tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính tại Pháp.
Phiên toàn thể sẽ diễn ra tại Cung điện Grand Palais ở Paris vào ngày 5/10.
Đại sứ nhấn mạnh hội nghị lần này là dịp để các lãnh đạo thảo luận về tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong không gian Cộng đồng Pháp ngữ; đề ra những định hướng hợp tác nhằm ứng phó với thách thức toàn cầu, phát huy vai trò của Cộng đồng Pháp ngữ...
Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Múuhikiwabo (giữa) trong chuyến thăm Việt Nam tháng 3/2022 đã khánh thành Phòng Pháp ngữ ở Học viện Ngoại giao. Ảnh: Học viện Ngoại giao
Trong khuôn khổ hội nghị, đại biểu các nước trong đó có Việt Nam sẽ tham dự nhiều hoạt động.
Sẽ có một Làng Pháp ngữ với các gian hàng giới thiệu văn hóa các nước thành viên. Triển lãm "FrancoTech" sẽ giới thiệu về kinh tế, doanh nghiệp cũng như các thị trường trong khối Pháp ngữ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự kiến tham dự sự kiện này và có bài phát biểu tại đây.
"Chúng tôi vui mừng thông báo hai bạn trẻ của Việt Nam cùng với các bạn trẻ của Campuchia, Lào sẽ đến Pháp để giới thiệu về một dự án chung ba nước. Đây là một minh chứng cho thấy Cộng đồng Pháp ngữ tạo nên sự thống nhất giữa các nước thành viên...
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cũng rất tích cực quảng bá tiếng Pháp và văn hóa Pháp; tại Việt Nam chúng tôi tập hợp thành Nhóm các đại sứ quán, phái đoàn và các tổ chức nói tiếng Pháp. Nhóm có quan hệ hết sức thân tình với các đối tác Việt Nam" Đại sứ Pháp chia sẻ.
Ấn tượng trước tinh thần người Việt Nam
Pháp và Việt Nam có quan hệ lâu đời được tạo nên bởi sự tin tưởng ngày càng cao; hai nước đang quyết tâm rất lớn trong tăng cường quan hệ.
Năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 5 vừa qua nhân dịp kỷ niệm 70 năm Điện Biên Phủ, Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu đã thăm Việt Nam là minh chứng cho tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp”, vì sự hợp tác phát triển giữa hai nước, hai dân tộc.
Bộ trưởng Quân đội Pháp Sebastien Lecornu và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang ký Ý định thư về tăng cường hợp tác quốc phòng trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2024.
Theo Đại sứ Olivier Brochet, chuyến thăm tới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng là dịp để khẳng định mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm của hai nước trong tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược.
Lãnh đạo hai bên sẽ có trao đổi, đưa ra những định hướng để tăng cường quan hệ hợp tác, mở ra những lĩnh vực hợp tác mới như: phát triển bền vững, năng lượng, giao thông, đổi mới sáng tạo...
Dự kiến hai bên sẽ ký kết Hiệp định liên Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục. Đại sứ cho rằng, việc ký kết văn kiện này sẽ là điều kiện để phía Pháp phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ GD&ĐT Việt Nam nhằm tăng cường việc giảng dạy tiếng Pháp trong các trường tại Việt Nam, từ đó sẽ tăng số lượng người nói tiếng Pháp.
Về giao lưu nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ có vai trò quan trọng trong quan hệ hai nước, Đại sứ bày tỏ mong muốn ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn sang du học tại Pháp.
Về văn hóa, ngay từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước đã có sự hợp tác. Dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao năm 2023 thể hiện rõ với chủ đề "văn hóa sẻ chia". Phía Pháp cũng giúp Việt Nam phát triển "ngành công nghiệp văn hóa".
Dàn nhạc của Nhà hát Opera Hoàng gia Versaille biểu diễn tại tại Nhà hát Hồ Gươm. Ảnh: CAND
Đại sứ nói về sự hợp tác giữa Nhà hát Hồ Gươm với Nhà hát Opera Hoàng gia Versailles đã làm phong phú thêm chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam. "Chúng tôi đặc biệt biết ơn đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi ở cương vị Bộ trưởng Công an đã quan tâm đến sự hợp tác này", Đại sứ bày tỏ.
Tại Hà Nội, Pháp cũng có sự hợp tác chặt chẽ với chính quyền thủ đô trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet
"Tôi rất yêu Hà Nội, nói thế không phải để lấy lòng, bởi đây là tình cảm chân thực. Hà Nội không chỉ năng động mà còn có nét đẹp độc đáo, tôi rất thích đi dạo quanh phố phường.
Tôi cũng ấn tượng với cảnh sắc, âm thanh nhịp sống của thủ đô. Tôi nhiều lần đã rút điện thoại ra để ghi lại và đăng trên Facebook cá nhân", Đại sứ Olivier Brochet thích thú chia sẻ.
Đại sứ kể về cơn bão Yagi quét qua Hà Nội đã khiến hàng loạt cây cối gãy đổ, "sáng sớm nhìn lại tôi thực sự đau lòng và có chút e ngại".
"Nhưng điều chúng tôi ấn tượng sau đó lại chính là thái độ của người dân Hà Nội và Việt Nam. Tất cả cùng xắn tay áo lên vào cuộc khắc phục hậu quả với tâm trạng lạc quan, tin tưởng vào tương lai tốt đẹp. Đây chính là biểu trưng tạo nên nét đẹp của con người Việt Nam. Một điểm nữa tôi rất hâm mộ đó là sự tương thân, tương ái của người Việt Nam", Đại sứ Pháp nói.
Trần Thường
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-tham-phap-quyet-tam-manh-me-trong-quan-he-viet-phap-2326982.html