Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, cuối giờ sáng 5/5/2025, Quốc hội thảo luận tại Tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Phát biểu thảo luận tại Tổ 01 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp cần đảm bảo đúng quy trình, quy định, tiến hành lấy ý kiến nhân dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm.
“Nếu có thể, sẽ sửa đổi Hiến pháp một cách căn bản, dự kiến kỳ Đại hội sau, có thể tính toán bổ sung Cương lĩnh phát triển đất nước để có tầm nhìn dài hơn, định hình sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới như thế nào, khi đó mới xem xét sửa đổi Hiến pháp”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.
Nhấn mạnh chúng ta cùng lúc phải làm rất nhiều “đồng thời”, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chúng ta phải đồng thời tập trung chuẩn bị đại hội Đảng các cấp; sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy – muốn tổ chức đại hội Đảng thì phải có bộ máy, kể cả bộ máy hành chính và bộ máy tổ chức của Đảng; đồng thời phải đảm bảo các công việc thường xuyên; và đồng thời đảm bảo yêu cầu tăng trưởng.
Tổng Bí thư cho biết, qua đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng của năm 2025 cho thấy, có một số chỉ tiêu đạt kết quả đáng mừng như: tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 48% kế hoạch cả năm, tăng 26,3% so cùng kỳ năm 2024. Kết quả này có được cũng có sự đóng góp tích cực của thành phố Hà Nội (thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt hơn 50% kế hoạch cả năm).
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, chúng ta cần tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; tiếp tục cải thiện đời sống của Nhân dân; đất nước phát triển thì người dân phải được thụ hưởng thành quả đó và tạo tiền đề rất quan trọng cho sự phát triển của giai đoạn sau.
“Hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 là tiền đề rất tốt để chúng ta đặt ra kế hoạch cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hoàn thành các chỉ tiêu của Đại hội 14”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Thảo luận tại Tổ 13 (Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hậu Giang, Lào Cai, Bắc Ninh, Đắk Lắk), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã được Bộ chính trị, Trung ương bàn rất kỹ, cho ý kiến nhiều lần, đây là công việc rất hệ trọng, cần tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này chỉ tập trung phục vụ việc tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương, không mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Theo đó, tập trung vào sửa đổi, bổ sung 08/120 điều, với 2 nhóm nội dung: Các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; Các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Từ ngày mai, 6/5, Quốc hội sẽ dành 1 tháng để tiến hành lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp này, nếu Quốc hội quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025 thì sẽ kết thúc hoạt động cấp huyện, chức năng nhiệm vụ của cấp huyện sẽ chuyển về cấp xã, một phần chuyển cấp tỉnh. Mô hình chính quyền sẽ còn 2 cấp là cấp tỉnh và cấp xã.
Liên quan tới việc sáp nhập cấp tỉnh, dự kiến sau khi Chính phủ trình Quốc hội Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận cho ý kiến.
Nếu được Quốc hội chấp thuận nhấn nút thông qua, sẽ sáp nhập từ 63 tỉnh thành phố xuống còn 34 tỉnh, thành phố.
Quy định chuyển tiếp cũng đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, với thời gian khoảng một tháng rưỡi để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 08/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên đề nghị Quốc hội xác định hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là Nghị quyết của Quốc hội.
Chiều 5/5, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 với tỷ lệ tuyệt đối đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành.
Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Nam Yên