Tổng Bí thư gợi mở miễn phí bữa trưa cho học sinh, Hà Nội nên tiên phong

Tổng Bí thư gợi mở miễn phí bữa trưa cho học sinh, Hà Nội nên tiên phong
một ngày trướcBài gốc
Miễn phí bữa trưa tại trường sẽ giúp phụ huynh giảm áp lực đưa, đón con giữa buổi
Tại buổi tiếp xúc với cử tri 3 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (Hà Nội) trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 15 (sáng 17/4), Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở, Hà Nội có thể nghiên cứu chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí tại trường cho học sinh, song song với việc miễn học phí và có thể triển khai từ năm học 2025-2026.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Ngọc Thắng
Tổng Bí thư nêu, Hà Nội hiện có 1,2-1,3 triệu học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở, mỗi bữa ăn miễn phí khoảng 30.000 đồng. Như vậy, với số thu ngân sách của thành phố quý 1/2025 khoảng 250.000 tỷ đồng, Hà Nội hoàn toàn có thể thực hiện được việc này.
Ngay tại hội nghị, gợi mở trên của Tổng Bí thư Tô Lâm lập tức nhận được sự đồng tình của tất cả cử tri và đại biểu tham dự buổi tiếp xúc, thể hiện bằng những tràng vỗ tay đồng loạt ngay sau đó.
Bên cạnh gợi mở về miễn phí bữa ăn trưa, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề nghị giảm tải áp lực học tập cho học sinh, tạo điều kiện để các em có thêm thời gian vui chơi, giải trí và khám phá các môn học khác.
Dẫn đầu cả nước về thu ngân sách, Hà Nội cần tiên phong
Chia sẻ về gợi mở này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay, cùng với việc miễn học phí, điều này sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, và người được hưởng lợi chính là học sinh, phụ huynh.
“Học sinh đến trường được ăn uống đầy đủ, khỏe mạnh về thể chất, tốt về tinh thần, từ đó có thể tập trung học hành cả ngày. Phụ huynh cũng sẽ yên tâm khi cho con tới trường học tập”, ông Nhĩ nói.
Về việc cung cấp bữa trưa miễn phí, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, ở nhiều nước trên thế giới đã thực hiện nhằm khuyến khích trẻ đến trường, để trẻ được dùng những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, tuân theo chế độ ăn uống cân bằng. Ngoài ra, học sinh cũng được ăn giống nhau, không phân biệt giàu nghèo.
“Nếu thực hiện được chủ trương này sẽ rất tốt, rất nhân văn. Tuy nhiên, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như chống lãng phí, chống tiêu cực, từ đó ‘dư sức’ chăm lo cho bữa ăn, học phí, chất lượng học sinh cũng sẽ nâng lên”, ông nói.
Nếu thực hiện, đây là chủ trương rất nhân văn, người thụ hưởng chính là học sinh, phụ huynh. Ảnh: Hoàng Hà
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, là địa phương có nguồn thu ngân sách dẫn đầu cả nước, Hà Nội cần đi đầu, tiên phong thực hiện, làm mô hình điểm để các địa phương khác có thể học tập và nhân rộng.
Đồng quan điểm, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên nhìn nhận đây là chủ trương nhân văn, bởi học sinh rất cần được hỗ trợ bữa ăn đủ dinh dưỡng ngay tại trường.
“Bữa ăn nóng ở trường học có ý nghĩa rất quan trọng với việc phát triển thể lực của học sinh và ảnh hưởng lâu dài đối với cả đời người. Trong rất nhiều trường hợp, bữa ăn là sự trợ giúp to lớn với học sinh nghèo”, ông Nguyên nói.
Theo vị chuyên gia này, nếu bữa ăn của trường học được cung cấp miễn phí, chất lượng không bị bớt xén, được thiết kế với chuẩn dinh dưỡng tốt hơn bữa ăn ở nhà của nhiều gia đình thiếu điều kiện, điều này sẽ làm cho trường học trở thành ngôi nhà thứ hai của học sinh và trực tiếp hỗ trợ được cho các gia đình khó khăn nhất.
Ngoài ra, với bữa trưa miễn phí ở trường, những học sinh học 2 buổi/ngày sẽ không phải đi về bốn lần trong ngày, cha mẹ giảm được thời gian đưa đón, từ đó chuyên tâm vào công việc.
Tại nhiều trường học trong nội thành hiện nay, do bố mẹ phải đi làm cả ngày, đa phần học sinh đều ở lại trường ăn bán trú. Bà Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, việc tổ chức được bữa ăn trưa ngay tại trường giúp bố mẹ phần nào “không phải hớt hải về đón con rồi đưa con tới trường rất vất vả”.
Theo mức dịch vụ tiền ăn của học sinh quy định tại Nghị quyết 03 sẽ thu 35.000 đồng đối với bữa trưa, bà Tuyết Lan cho rằng, nếu được hỗ trợ khoản này, các gia đình phần nào sẽ giảm được gánh nặng kinh tế khi con em đến trường. “Chắc chắn phụ huynh sẽ rất phấn khởi nếu chủ trương này được thực hiện”, bà Lan nói.
Nhân văn và hợp lòng dân
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie (Hà Nội) đánh giá, đây là chủ trương nhân văn, “hợp lòng dân”. Từ miễn học phí, miễn phí bữa trưa cho học sinh bán trú, nếu làm được, đây đều là những khoản đầu tư thiết thực, giúp học sinh có cơ hội phát triển toàn diện, là một sự đầu tư chiến lược cho những “thế hệ tương lai của đất nước”.
Thúy Nga
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-goi-mo-mien-phi-bua-trua-cho-hoc-sinh-ha-noi-nen-tien-phong-2392419.html