Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta
8 giờ trướcBài gốc
Đồng chí là hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ, nhân cách của Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên định con đường mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
1. Từ học trò nghèo, vươn lên chí lớn thành tài năng của dân tộc
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng (1944-2024), sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Hai cụ thân sinh sống bằng nghề nông, sống ngay thẳng, nhân hậu và giữ nếp gia phong. Các anh chị em đều thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
Năm 1947, đồng chí Nguyễn Phú Trọng theo gia đình tản cư lên Thái Nguyên. Đến năm 1950, ông hồi cư về sống trong vùng tề, hằng ngày chứng kiến biết bao cảnh đói khổ, giặc Pháp lùng sục, vây ráp, bắt bớ, tra tấn cán bộ du kích, Việt Minh. Làng xóm lúc nào cũng nơm nớp, lo sợ. Năm 1952, Nguyễn Phú Trọng bắt đầu đi học ở trường làng, thày dạy là một ông giáo già, đức độ và nghiêm khắc.
Học sinh Trường Nguyễn Gia Thiều, tháng 5-1960.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cựu sinh viên khóa 8, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (thứ hai từ trái sang, chụp tháng 2-1965, cùng bạn học ở Ký túc xá Mễ Trì).
Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quê hương giải phóng, Nguyễn Phú Trọng được đi học trong không khí hòa bình, phấn khởi.
Lớp 2 và lớp 3, ông học ở xã nhà. Khi lên lớp 4 thì ông phải đi học xa, vì hai xã mới có một lớp. Trời rét cắt da cắt thịt cũng chỉ có vài manh áo mỏng, chân đi đất, phải đốt than bỏ vào ống bơ để sưởi ấm dọc đường. Lớp học là một gian “tảo mạc” tuềnh toàng của khu đình cổ. Dù nghèo nhưng ông học rất “sáng dạ” nên năm nào cũng đứng ở tốp dẫn đầu lớp.
Từ năm 1957 đến năm 1963, ông học trường cấp II rồi cấp III Nguyễn Gia Thiều (Gia Lâm, Hà Nội). Nhà xa, lại cách trở con sông Đuống, ông và các bạn phải đi học từ 3 - 4 giờ sáng. Mùa hè còn đỡ, mùa đông rất vất vả, nhiều hôm trời mưa, đò không chở sớm, ông đành đến lớp muộn. Được một thời gian, phải trọ học. Vài ba anh em ở nhờ một nhà dân, tự lo cơm nước và giúp đỡ nhau học tập. Ăn uống kham khổ, thiếu thốn, nhiều lúc ông phải vừa học vừa tự lao động kiếm sống. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Phú Trọng đã sớm có ý thức tự lập và có ý chí vươn lên [1].
Ngay từ nhỏ, ông đã rất thích văn học dân gian và thường ước mơ được theo nghề văn hoặc nghề báo. Ham học lại thông minh nên học hết lớp 10, ông thi đỗ vào Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1963-1967).
Trường học lúc này còn phân tán. Năm đầu học ở khu Chùa Láng, năm sau chuyển về khu Mễ Trì. Từ năm 1965 đến năm 1967, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Đó là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang hồi quyết liệt, nhưng thầy và trò nhà trường vẫn nêu cao quyết tâm dạy tốt và học tốt.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đến thăm các cháu lớp Mẫu giáo thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, ngày 14-11-2009.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thăm Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2010, nhân dịp Trường kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Mỗi khi nhớ lại những tháng ngày học tập tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng không khỏi bồi hồi, xúc động pha lẫn sự tự hào.
Ông kể: “Vào một buổi sáng đẹp trời, đầu tháng 9-1963, chúng tôi tập trung ở giảng đường 1 - phố Lê Thánh Tông[2]. Trước lúc điểm danh, tôi đứng chơi dưới vườn Tao đàn. Ngước nhìn lên cổng trường ngắm mãi dòng chữ “Trường Đại học Việt Nam” sao mà cảm thấy lâng lâng, hãnh diện. Gặp nhau buổi đầu còn bỡ ngỡ, làm quen còn rụt rè, nhưng thấy bạn hữu ai cũng “siêu” cả, không học sinh giỏi nhất, nhì Văn toàn miền Bắc (lúc đó miền Nam chưa được giải phóng) thì cũng đứng đầu hàng tỉnh…”[3].
Tháng 12-1967, sau khi tốt nghiệp Đại học, Nguyễn Phú Trọng được phân công về làm việc tại Phòng Tư liệu Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản). Ngày 19-12-1967, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ tháng 9-1973 đến tháng 4-1976, đồng chí đi học Nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế - Chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Từ tháng 5-1976 đến tháng 8-1980, đồng chí là cán bộ biên tập, Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, đồng chí được bầu làm Phó bí thư Chi bộ.
Từ tháng 9-1981 đến tháng 7-1983, đồng chí đi làm Nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa học lịch sử, chuyên ngành Xây dựng Đảng, tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 8-1983, về nước, đồng chí giữ chức Phó trưởng ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản.
Tháng 9-1987, đồng chí giữ chức Trưởng ban Xây dựng Đảng; Phó bí thư Đảng ủy (từ tháng 7-1985 đến tháng 12-1988), rồi Bí thư Đảng ủy cơ quan Tạp chí Cộng sản (tháng 12-1988). Từ tháng 3-1989, đồng chí được bầu vào Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản. Tháng 5-1990, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
Tháng 8-1991, đồng chí Hà Xuân Trường thôi giữ chức Tổng biên tập; đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Phó tổng biên tập, được cử làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản[4]. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ, khóa VII của Đảng từ ngày 20 đến ngày 25-1-1994, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng[5]. Đây là dấu mốc quan trọng để đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tham gia vào những công việc trọng yếu của Đảng và Nhà nước. Cuối tháng 6-1996, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng[6].
Ngày 26-8-1996, Bộ Chính trị quyết định cử đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản giữ chức Phó bí thư Thành ủy Hà Nội[7], kiêm Trưởng Ban Cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Sau gần 30 năm gắn bó với Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều công lao đóng góp cho Tạp chí Cộng sản trên nhiều cương vị khác nhau, với nhiều bài viết lý luận xuất sắc về Đảng, về cách mạng… đặt nền tảng cho quá trình công tác sau này.
Từ những thành tựu về chuyên môn và khoa học, đồng chí đã được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư (năm 1992) và học hàm Giáo sư (năm 2002)[8].
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp tổ Quốc hội, ngày 23-10-2018.
Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận hoa chúc mừng từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), cuối tháng 12-1997, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị[9]. Tại Hội nghị này Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) đã đồng ý để các đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt thôi tham gia Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương.
Ngày 7-2-1998, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 32-QĐ/TW, Về việc phân công các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và quyết định phân công đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo công tác tư tưởng, văn hóa, khoa giáo[10]. Đồng thời làm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Ngày 8-4-1998, để chuẩn bị văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Bộ Chính trị đã thành lập Tiểu ban văn kiện, do đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, được Bộ Chính trị quyết định làm thành viên của Tiểu ban văn kiện, trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn Văn kiện Đại hội IX của Đảng; Bộ phận thường trực Tiểu ban gồm các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Khánh, Hồng Hà[11]. Tháng 8-1999, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được cử Tham gia Thường trực Bộ Chính trị[12].
Tại Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng bộ Thành phố Hà Nội, từ ngày 27 đến ngày 30-12-2000, tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị làm Bí thư Thành ủy[13]. Tháng 4-2001, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị[14].
Ngày 10-11-2001, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 13-QĐ/TW, Về việc thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Tháng 4-2006, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X họp ngày 24-4-2006, để bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư… Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu Bộ Chính trị[15].
Từ ngày 27-5 đến ngày 28-5-2006, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, đã đồng ý với đề nghị của Bộ Chính trị giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XI để Quốc hội xem xét, bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI.
Ngày 24-6-2006, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XI đã tiến hành bầu những người đứng đầu các cơ quan nhà nước. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX, X, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX, X; Ủy viên Bộ Chính trị khóa IX, X; Bí thư Thành ủy Hà Nội được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội[16].
2. Trên cương vị người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam giành được nhiều thành tựu to lớn
Tháng 1-2011, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã họp Hội nghị lần thứ nhất, bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư[17], Bí thư Quân ủy Trung ương.
Phát biểu tại Lễ bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương: “Xin hứa trước Đại hội, trước toàn Đảng, toàn dân rằng, tập thể Ban Chấp hành Trung ương khóa XI sẽ cùng với toàn Đảng tiếp tục phát huy những truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu của Đảng ta, tăng cường sự đoàn kết nhất trí, thống nhất tư tưởng và hành động, luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, kiên định tinh thần độc lập tự chủ, phát huy dân chủ; sáng tạo, không ngừng nỗ lực phấn đấu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao… đưa nước ta từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà trước mắt, phấn đấu tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[18].
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham dự Ngày hội đoàn kết với đồng bào các buôn, thôn thuộc xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, tháng 11-2018.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong bối cảnh lịch sử đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII diễn ra từ ngày 20 đến 28-1-2016.
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày, đã khẳng định: Nhìn lại kết quả “Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng… là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu” dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử...[19].
Tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã bầu Bộ Chính trị gồm 19 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu lại làm Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “nguyện đoàn kết một lòng, toàn tâm toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phát huy năng lực, đem hết sức mình cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ to lớn…”[20], mà Đại hội XII đã giao cho.
Đầu tháng 10-2018, tại Hội nghị lần thứ tám, với 100% số phiếu tán thành, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Ngày 23-10-2018, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.
Phát biểu tại Lễ nhậm chức Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đây là một vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề đối với tôi. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ như tôi vừa tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước”.
Đồng chí đã giãi bày tâm tư, tình cảm của mình trước sự kiện này, vì “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn. Khuôn xanh biết có vuông tròn…?”, đồng chí thú thực “vừa mừng, vừa lo”, mà lo nhiều hơn trước trách nhiệm nặng nề khi cùng lúc giữ chức Chủ tịch nước, đồng chí “đang gánh” chức Tổng Bí thư của Đảng, khi tuổi tác đã lớn mà đồng chí nói là tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, “những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Trước Quốc hội và đồng bào cả nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, tân Chủ tịch nước hứa “sẽ cố gắng hết sức mình, nỗ lực phấn đấu để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó”[21].
Cuối tháng 1-2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam họp để tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bầu Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương…
Báo cáo tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới… Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[22].
Đó là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ, trong đó có nhiệm kỳ khóa XI, XII mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng với cương vị là Tổng Bí thư, người đứng đầu toàn Đảng ta sau 10 năm (2011-2021), đã tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức trà. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp và hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai (Hà Nội, 27-2-2019). Ảnh: TTXVN
Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đã bầu Bộ Chính trị gồm 18 đồng chí; đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư. Từ tháng 4-2021 đến tháng 7-2024, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng một lúc giữ nhiều trọng trách chủ chốt của Đảng ta: Tổng Bí thư; Bí thư Quân ủy Trung ương; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chíđã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, kế thừa những thành quả cách mạng; phát huy những truyền thống vẻ vang, kinh nghiệm quý báu của Đảng và dân tộc ta, hứa sẽ cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn[23], thử thách để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân ta đã giao phó.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đóng góp quan trọng vào hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Về phương diện lý luận, chính trị, nhiều đóng góp xuất sắc của đồng chí thể hiện qua hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm, sách, báo, tạp chí… nghiên cứu về Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, về lý luận chủ nghĩa xã hội, nhà nước pháp quyền, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, những vấn đề liên quan đến sự phát triển của đất nước thời kỳ đổi mới… qua những nghiên cứu và đóng góp lớn lao cho thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không những là nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta, đồng chí còn là nhà báo cách mạng của Đảng, nhà thơ, nhà văn, nhà sử học (luận án Phó tiến sĩ Khoa học lịch sử, chuyên ngành Xây dựng Đảng),… nhà ngoại giao, nhà văn hóa lớn của dân tộc ta.
Suốt cuộc đời cống hiến không biết mệt mỏi, cho đến những ngày cuối cùng của đời mình, đồng chí vẫn vì Đảng, vì nước, vì dân. Tôn vinh và biết ơn sâu sắc công lao, cống hiến vô cùng to lớn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Ghi nhận những công lao, cống hiến đặc biệt xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng và Nhà nước ta đã trân trọng trao tặng Huân chương Sao vàng.
3. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - “Tượng đài” trong lòng nhân dân ta
Gần 60 năm hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí tuệ uyên bác, sắc sảo, có tầm tư duy vượt trội, đã để lại cho Đảng và dân tộc ta hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Kiên định, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về vai trò của Đảng Cộng sản, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Di sản vô giá đó đã củng cố niềm tin mãnh liệt về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được đúc kết trong nhiều tác phẩm đồ sộ, mà theo đồng chí đó không chỉ là hàng chục, hàng trăm đầu sách, đó là “Văn bia để đời”.
Với tầm nhìn xa về tình hình thế giới đương đại, với những nỗ lực không ngừng góp phần duy trì, giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mở ra chương mới trong quan hệ giữa nước ta với đối tác quốc tế, thúc đẩy tình hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia, tăng cường sự đóng góp của Việt Nam bằng nhiều cam kết, hành động thiết thực, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa đất nước ta tiến lên trên trường quốc tế.
Ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng tỏa ra một phong thái, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học Bác bằng ý chí, quyết tâm mạnh mẽ, bằng nhân cách và danh dự người chiến sĩ cộng sản hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, với tâm niệm cuộc đời mà đồng chí hằng nói: “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Người cộng sản kiên trung đã có nhiều công lao xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đất nước ta, dân tộc ta thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới. Mà phải ở hoàn cảnh lịch sử, con người cụ thể, trong bối cảnh lịch sử cho phép, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện được sự mệnh lịch sử gánh vác trên vai.
Kế thừa những thành quả của các nhà lãnh đạo tiền bối đi trước, đồng chí đã phát triển ở tầm cao hơn, cuộc “cách mạng”, được ví là “người đốt lò” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, XII, XIII hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương chiến lược về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng. Theo đồng chí đây là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” vô cùng gian nan, vất vả, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trên lĩnh vực văn hóa, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, ý thức sâu sắc vị trí, vai trò của văn hóa “là hồn cốt của dân tộc”, “soi đường cho quốc dân đi”, Nhà văn hóa Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều tâm huyết và có cống hiến đặc biệt quan trọng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bàn sắc dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau hơn 70 năm Đảng ta đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về văn hóa - mốc son gắn kết tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trên lĩnh vực ngoại giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra và yêu cầu xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 14-12-2021, đồng chí đã khái quát lại, “hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh… chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”[24].
Trọn cuộc đời, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc đến hơi thở cuối cùng, bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí là tấm gương tiêu biểu của người cộng sản, vì dân, vì nước; chí công vô tư, lối sống giản dị, liêm khiết, nói đi đôi với làm… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hạt nhân quy tụ đoàn kết của Đảng và dân tộc ta; được nhân dân kính trọng, tin tưởng và tự hào về nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vừa có tâm, vừa có tầm.
Với 80 năm tuổi đời, gần 60 năm hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách: Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư... Trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn thể hiện tác phong sâu sát, khoa học, cẩn trọng, khiêm tốn, giản dị…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; Người đảng viên cộng sản rất mực kiên trung, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân; Đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ta.
Cả dân tộc đang bước vào những ngày tháng lịch sử, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 / 3-2-2025). Dân tộc ta sau gần một thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng, đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vị thế, uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay chính là kết quả của một quá trình miệt mài cống hiến, vun đắp của những thế hệ đi trước, trong đó có vai trò rất to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
NGUYỄN VĂN BIỂU (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)
1. Đại học Quốc gia Hà Nội, 100 chân dung, một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006, tr.686.
2. Tức khu 19 Lê Thánh Tông bây giờ, còn khu tập thể Đại học Tổng hợp nằm ở địa chỉ bên trong số 51 Cảm Hội, đường Lò Đúc rẽ vào.
3. Đại học Quốc gia Hà Nội, 100 chân dung, một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội, Sđd, tr.687.
4. Kỷ niệm 65 năm Tạp chí lý luận của Đảng (1930 - 1995), Tư liệu: Tạp chí Cộng sản qua các thời kỳ phát triển, Tạp chí Cộng sản, số 17 (12-1995), tr.27.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 53, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.314.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 55, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.542.
7. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội 1930-2000, Nxb Hà Nội, 2004, tr.727.
8. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đông Anh, Địa chí Đông Anh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.127-1275.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 56, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.648.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 57, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.22.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 57, Sđd, tr.89-90.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam những chặng đường lịch sử (1930-2012), Nxb Chính trị - hành chính, Hà Nội, 2012, tr.480.
13. Đồng chí làm Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV
14. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 60, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.451.
15. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 65, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018, tr.411, 416.
16. Văn phòng Quốc hội, Lịch sử Quốc hội Việt Nam, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.303.
17. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.3.
18. Nguyễn Phú Trọng, Vững bước trên con đường đổi mới, tập 1 (2011 - 2014), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.32.
19. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.65.
20. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.441.
21. Nguyễn Phú Trọng, Toàn Đảng, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.272-274.
22. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.25.
23. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.343.
24. Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.154.
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-nha-lanh-dao-dac-biet-xuat-sac-cua-dang-nha-nuoc-va-nhan-dan-ta-814161