Theo các tư liệu lịch sử, đồng chí Nguyễn Văn Linh sinh ngày 1/7/1915. Có một sự trùng hợp giàu ý nghĩa là bắt đầu từ ngày 1/7/2025, đất nước chúng ta cũng bước vào một giai đoạn lịch sử đổi mới khi chính thức thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp với những đột phá táo bạo. Trong những ngày tháng lịch sử này, chúng ta lại càng nhớ về vị “kiến trúc sư trưởng" của công cuộc đổi mới - Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - "Kiến trúc sư trưởng" của đường lối Đổi mới. Ảnh: Báo Nhân dân
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên khai sinh là Nguyễn Văn Cúc (thường gọi là Mười Cúc), được sinh ra trong một gia đình công chức, quê gốc tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên (Nay là xã Nguyễn Văn Linh, tỉnh Hưng Yên). Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt, vẻ vang của đồng chí là tấm gương ngời sáng về người chiến sỹ cách mạng trung dũng, kiên cường, người lãnh đạo tài năng, sáng tạo của Đảng và Nhà nước, người Tổng Bí thư đầu tiên,“kiến trúc sư trưởng” của công cuộc Đổi mới đất nước.
Tại cuộc hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam” được tổ chức mới đây, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Lật giở lại những trang tư liệu lịch sử, cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh bắt đầu từ rất sớm, giác ngộ lý tưởng cách mạng từ khi mới 14 tuổi, cống hiến đến hơi thở cuối cùng (27/04/1998). Gần 70 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gắn liền với những trang sử vẻ vang của Đảng và dân tộc, với sự nghiệp đổi mới đất nước và được khẳng định rằng, ông là người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng, sáng tạo trong cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Ông là nhà lãnh đạo sâu sát thực tiễn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá vào khó khăn, thử thách và là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- 14 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tham gia hoạt động cách mạng.
- Năm 1930, bị địch bắt, kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo.
- Năm 1936, được trả tự do, sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia hoạt động trong phong trào cách mạng ở Hải Phòng và Hà Nội.
- Năm 1939, được Trung ương Đảng điều động vào Sài Gòn, tham gia Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
- Cuối năm 1939, tham gia lập lại Xứ ủy Trung Kỳ.
- Đầu năm 1941, bị địch bắt tại Vinh (tỉnh Nghệ An) và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
- Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ Côn Đảo trở về đất liền, Nguyễn Văn Linh về hoạt động tại địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với cương vị Bí thư Thành ủy rồi Bí thư Đặc Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
- Sau Hiệp định Giơnevơ (tháng 7/1954), đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những thành viên chủ chốt tham gia Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ và Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và giữ cương vị Bí thư Khu ủy.
- Từ năm 1957 giữ các chức vụ Quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và sau đó là Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Sau ngày thống nhất đất nước, trên cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tiên phong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân, bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thành phố đông dân nhất, phức tạp nhất cả nước. Từ đây, đồng chí Nguyễn Văn Linh được ví như vị kiến trúc sư trưởng của đường lối Đổi mới, nhà lãnh đạo sâu sát thực tiễn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá vào khó khăn, thử thách.
Với trọng trách là Trưởng Ban cải tạo xã hội chủ nghĩa, đồng chí Nguyễn Văn Linh trực tiếp tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam với quan điểm: Cải tạo để xây dựng quan hệ sản xuất mới, tạo điều kiện và mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất mới, đem lại lợi ích cho nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc diễn văn bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ngày 18/12/1986. Ảnh: TTXVN
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986), đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới. Nhận trọng trách trước Đảng và nhân dân, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân triển khai đường lối đổi mới toàn diện.
Đặc biệt, từ ngày 25/5/1987 đến 28/9/1990, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nổi tiếng với bút danh N.V.L với loạt 31 bài đăng trên Báo Nhân dân có nhan đề: “Những việc cần làm ngay” với tinh thần dân chủ, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, nói rõ sự thật, nói đi đôi với làm. Qua những bài báo này, đồng chí đã thể hiện bản lĩnh, tinh thần đổi mới, dũng cảm và quyết liệt đấu tranh chống tiêu cực trong bộ máy nhà nước, tạo luồng sinh khí mới trong Đảng và xã hội, tạo lòng tin trong quần chúng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Thư của TBT Nguyễn Văn Linh gửi Báo Nhân dân. Ảnh: Báo Nhân dân
Nhà báo lão thành Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, người đã từng nhiều lần được đi công tác cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, không bao giờ quên những tháng ngày đó vì học tập được nhiều phẩm cách quý từ vị Tổng Bí thư đáng kính, nhà báo N.V.L: “Vai trò của đồng chí Nguyễn Văn Linh cực kỳ to lớn, ông sống xả thân vì đất nước, mạnh dạn đổi mới không phải là đổi mới phủ định cái cũ nhưng thấy đất nước phải đổi mới. Tới thời điểm mà đồng chí Nguyễn Văn Linh giương ngọn cờ đổi mới từ thực tiễn yêu cầu phải “đổi mới hay là chết” và Đảng ta đã thành công. Hiện nay tôi thấy Đảng lại liên tục đổi mới, đồng chí Tô Lâm hiện nay dám thực hiện một việc lịch sử” - Nhà báo Đức Lượng chia sẻ.
Ngay từ những ngày đầu đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ những “điểm nghẽn”, đưa ra những quyết sách nhằm ổn định tình hình mọi mặt của đất nước; thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn: Lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đặc biệt là xóa bỏ tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, tạo động lực phát triển sức sản xuất xã hội. Trong đó, đỉnh cao là sự ra đời Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị năm 1988 (còn gọi là khoán l0), tạo đà để Việt Nam chủ động giải quyết được nhu cầu lương thực trong nước và từ năm 1989, xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo, mở ra một diện mạo mới cho nền nông nghiệp đất nước.
Đại tá, PGS.TS Trần Nam Chuân, Viện Chiến lược và lịch sử quốc phòng Việt Nam, Bộ Quốc phòng nhận định: “Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ngay từ đầu thời kỳ đổi mới của đất nước ta đã có những bước đi rất chắc chắn. Bác đưa ra những quốc sách rất tuyệt vời cho dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Song song với đó là củng cố và tăng cường quốc phòng an ninh trên các vùng miền, đặc biệt các hướng chiến lược. Nhờ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, lúc đó là bác Nguyễn Văn Linh đứng đầu, thì công cuộc đổi mới bắt đầu, đổi mới cả giáo dục, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đồng thời trọng tâm vào xây dựng xã hội công bằng dân chủ”.
Một trong số những bài viết của nhà báo N.V.L trên báo Nhân dân. Ảnh: Báo Nhân dân
Không chỉ tạo ra những đột phá về kinh tế, chính trị, văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nối lại quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay trong thời điểm khó khăn đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế đến năm 2000, được Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) thông qua. Cương lĩnh 1991 đã khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau; là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt soi đường cho sự nghiệp cách mạng nước ta trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm cánh đồng lúa Hợp tác xã Hải Vân, huyện Hải Hậu trong chuyến về thăm và làm việc tại tỉnh Hà Nam Ninh, từ ngày 25-29/5/1988. Ảnh: TTXVN
Đánh giá công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đảng ta khẳng định: “Với cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thu Hà/VOV2