Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với tầm nhìn chiến lược về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với tầm nhìn chiến lược về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam
5 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. (Ảnh tư liệu)
Từ khi tham gia phong trào công nhân Sài Gòn-Chợ Lớn những năm 1930 cho đến khi đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, dù ở đâu, làm việc gì, đồng chí đều cống hiến hết tài năng, trí tuệ, tâm huyết cho Đảng, cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Tổng (giai đoạn 1978-1980), đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kiên trì định hướng đổi mới tư duy hoạt động công đoàn từ hành chính hóa sang hoạt động thực chất chăm lo, bảo vệ, phát huy vai trò người lao động trong công cuộc kiến thiết đất nước. Đồng chí xác định rất rõ phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để công đoàn phát huy vai trò to lớn đối với và toàn xã hội. Đồng chí chỉ rõ: “Muốn duy trì và phát triển sản xuất, trước tiên là phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân.
Người lãnh đạo cơ sở phải luôn sâu sát với công nhân, nắm bắt tình hình và kịp thời biểu dương, phát huy những tài năng mới”. Từ đó, đồng chí đã chỉ đạo các cấp công đoàn tập hợp, vận động công nhân, người lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, hoàn thành kế hoạch; tổ chức và từng bước cải thiện đời sống, phát triển phúc lợi, bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân, viên chức; vận động cán bộ, viên chức tích cực tham gia cải tiến quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước; cải tiến phương pháp công tác, xây dựng công đoàn vững mạnh.
Trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội VI của Đảng (1986), trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí tiếp tục quan tâm chỉ đạo đổi mới công đoàn và nhấn mạnh trước hết người cán bộ công đoàn phải đổi mới tư duy và phong cách, gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn. Đồng chí cho rằng: “Làm cán bộ công đoàn là phải dũng cảm, dám hy sinh quyền lợi cá nhân vì quyền lợi lao động; không được thỏa hiệp, cũng không quá cứng nhắc; phải mềm dẻo nhưng không trái pháp luật; kiên quyết nhưng không quá khích”.
Trong bối cảnh đổi mới đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ rõ đối tượng vận động của công đoàn phải mở rộng, hoạt động công đoàn không chỉ giới hạn trong đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước mà phải bao quát cả khu vực xí nghiệp tư nhân, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hợp tác xã sản xuất công nghiệp, xây dựng, vận tải. Vì vậy, theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh và Trung ương Đảng, tháng 10/1988, Đại hội VI Công đoàn Việt Nam đã quyết định đổi tên “Tổng Công đoàn Việt Nam” thành “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”. Đó không chỉ là điều chỉnh danh xưng, mà là bước khẳng định về tầm vóc và phạm vi đại diện mở rộng của công đoàn trong nền kinh tế nhiều thành phần.
Đồng chí chỉ đạo hoạt động công đoàn phải tùy theo đặc điểm của từng loại hình kinh tế để có hình thức thích hợp, phải phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng và điều kiện cụ thể của công nhân, lao động. Tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức công hội theo “sản nghiệp” và “nghề nghiệp”, theo hệ thống “ngang” và “dọc”, quan điểm này của đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tạo nền móng cho sự ra đời của các mô hình tổ chức của công đoàn trong thời kỳ đổi mới như: công đoàn ngành nghề, công đoàn khu công nghiệp, công đoàn tổng công ty, nghiệp đoàn…
Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng nỗ lực tự đổi mới, từng bước thích ứng với những chuyển động lớn của nền kinh tế-xã hội, chủ động chuyển mình để đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình đó được thể hiện rõ nét qua việc đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực đại diện, nhất là mở rộng phạm vi tập hợp .
Các nhiệm kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam gần đây, đặc biệt là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, công đoàn đã chuyển mạnh trọng tâm hoạt động, mở rộng tập hợp đoàn viên khu vực ngoài nhà nước và khu vực phi chính thức.
Ngày 27/8/2024, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-BCH về đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đến năm 2028, tầm nhìn đến năm 2033. Thực hiện chủ đề công tác năm 2025 “Tập trung phát triển đoàn viên; tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành và triển khai Kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở năm 2025. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2025, các cấp công đoàn đã kết nạp mới 507.022 đoàn viên, trong đó khu vực phi chính thức đạt 14.460 đoàn viên.
Trong bối cảnh tập trung cho khu vực ngoài nhà nước và khu vực phi chính thức, cùng với việc mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động chăm lo, các cấp công đoàn nỗ lực chuyển mạnh hoạt động sang công tác đại diện, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động thông qua tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. 6 tháng đầu năm 2025, có 1.429 bản thỏa ước lao động tập thể được ký mới; gần 33.753 cuộc đối thoại định kỳ, 7.269 cuộc đối thoại theo yêu cầu và gần 3.871 cuộc đối thoại khi có vụ việc được tổ chức. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, đã có 11,350 triệu lượt đoàn viên, người lao động và thân nhân được thụ hưởng các hoạt động chăm lo do Công đoàn tổ chức (tăng 9,25% so với năm 2024), với tổng kinh phí 7.800 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2024). Tháng Công nhân năm 2025 có hơn 1,4 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hỗ trợ, chăm lo dưới nhiều hình thức, với tổng kinh phí lên tới hơn 265 tỷ đồng.
Các cấp công đoàn đã và đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị và cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả”. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tích cực chỉ đạo việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy công đoàn các cấp, bao gồm kết thúc hoạt động công đoàn cấp huyện và tương đương, kết thúc hoạt động, không lập tổ chức công đoàn trong cơ quan hành chính, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước; rà soát, định hướng mô hình công đoàn xã, phường, công đoàn cấp tỉnh phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp, tổ chức lại các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công đoàn.
Đồng thời, tham gia xây dựng, sửa đổi hệ thống pháp luật, trọng tâm là Hiến pháp 2013, Luật Công đoàn năm 2024 nhằm bảo đảm đồng bộ thể chế với yêu cầu phát triển tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới. Cùng với sắp xếp tinh gọn bộ máy, tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục hướng trọng tâm, tập trung toàn lực cho khu vực ngoài nhà nước, nhất là khu vực kinh tế tư nhân để tiếp tục mở rộng, phát triển tổ chức, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị.
Những bước đi này là tiền đề quan trọng để Công đoàn tiếp tục khẳng định vai trò là tổ chức đại diện duy nhất của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn; đồng hành cùng đoàn viên và người lao động trên hành trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tư tưởng, phong cách và dấu ấn lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh không chỉ sống động trong dòng chảy lịch sử, mà còn lan tỏa mạnh mẽ trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam hiện nay.
Tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, năm 2019, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã báo cáo và được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho tổ chức xét chọn và trao tặng giải thưởng mang tên đồng chí Nguyễn Văn Linh - phần thưởng cao quý dành cho cán bộ công đoàn có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, có nhiều sáng kiến, đổi mới, sáng tạo vì đoàn viên và người lao động, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Đến nay, qua 4 lần trao giải, đã có 40 đồng chí cán bộ công đoàn xuất sắc tiêu biểu ở các cấp đã được vinh danh, qua đó góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sáng tạo, tác phong “nói và làm” của đồng chí Nguyễn Văn Linh để xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, cùng cả dân tộc vững bước vào kỷ nguyên mới.
NGUYỄN ĐÌNH KHANG Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/tong-bi-thu-nguyen-van-linh-voi-tam-nhin-chien-luoc-ve-doi-moi-to-chuc-va-hoat-dong-cong-doan-viet-nam-post890835.html