Tổng Bí thư: Phòng chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Tổng Bí thư: Phòng chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ
11 giờ trướcBài gốc
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), chiều 15/4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, và TP Hà Nội tổ chức cuộc gặp mặt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Bắc. Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự và phát biểu tại cuộc gặp mặt.
Tham dự cuộc gặp mặt còn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài.
Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham dự cuộc gặp mặt (Ảnh: Viết Chung)
Từ trong bão, lửa chiến tranh chúng ta đã trở thành người chiến thắng
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm thân ái gửi tới các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ, các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các cựu chiến binh, thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, gia đình chính sách tiêu biểu lời thăm hỏi ân cần dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, tiếp tục dành sự quan tâm đóng góp ý kiến tâm huyết, trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, Nhân dân, và địa phương nơi các đồng chí cư trú, sinh sống; đồng thời chúc mừng 3 đảng viên lão thành được nhận Huy hiệu 80 năm và 50 năm tuổi Đảng.
Theo Tổng Bí thư, trong suốt 50 năm qua và những ngày tháng tư lịch sử này chúng ta ôn lại truyền thống oanh liệt hào hùng của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự anh dũng kiên cường bất khuất, sự hy sinh to lớn của toàn dân tộc vì mục tiêu thống nhất non sông, đất nước. “Không một áng văn nào có thể phản ánh đầy đủ sự vĩ đại của đân tộc ta, không một từ ngữ nào có thể diễn tả hết ý chí và sức mạnh to lớn của nhân dân ta, đất nước ta trong khát vọng nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Từ trong bão, lửa các cuộc chiến tranh chúng ta đã trở thành người chiến thắng, trở thành lương tri và lẽ sống của nhiều quốc gia đấu tranh giải phóng dân tộc, và trở thành điểm tựa của thời đại”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau vẫn tiếp tục tri ân, tạc ghi công lao trời biển của Đảng, của Bác, và hàng triệu các chiến sỹ, các anh hùng liệt sỹ, các tầng lớp nhân dân đã hiến dâng những gì quý giá nhất trong cuộc sống, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho một Việt Nam độc lập tự do, thống nhất, giàu mạnh, những người đã làm lên thời đại Hồ Chí Minh. Dân tộc ta đã trải qua 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 80 năm Nhà nước Việt Nam mới ra đời, 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc tích cực có hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng, triệu người như một của nhân dân, chúng ta đã đạt được những thành tựu vĩ đại, mang tính lịch sử, có những kỳ tích, trong đó có một phần đóng góp rất quan trọng của các đồng chí tham dự buổi gặp mặt hôm nay.
Tổng Bí thư nêu rõ: Chặng đường gần một thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá trong hàng chục năm liên tục, bị bao vây cô lập, nhưng đến nay Việt Nam đã trở thành nước XHCN đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại, đảm nhận nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức diễn đàn đa phương quan trọng, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, lợi ích quốc gia của dân tộc được đảm bảo. Quy mô nền kinh tế năm 2024 đạt trên 470 tỷ USD, đứng thứ 34 thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Vị thế uy tín của đất nước ngày càng được lan tỏa, có những đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc gặp mặt (Ảnh: Viết Chung)
Hội nghị Trung ương 11 là hội nghị lịch sử trong chặng đường cách mạng
Tổng Bí thư cho biết, Trung ương đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam XHCN. Đó là, thứ nhất, giữ vững, duy trì môi trường hòa bình, an ninh trật tự để phát triển đất nước; thứ hai là phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững; thứ ba là phải nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người lao động, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao hơn về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tất cả vì nhân dân.
Thông tin tới các lãnh đạo về tình hình mới của đất nước, Tổng Bí thư cho hay, Hội nghị Trung ương 11 vừa kết thúc được coi là hội nghị lịch sử trong chặng đường cách mạng của nước ta. Ban chấp hành Trung ương thống nhất rất cao các nội dung liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp với tầm nhìn xa trông rộng, ít nhất là 100 năm, đảm bảo sự hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế xã hội, văn hóa mới phù hợp cho phát triển và hội nhập của đất nước, tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, đối ngoại. Mô hình chính quyền địa phương mới có 2 cấp. Đó là cấp tỉnh gồm: tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương; và cấp xã gồm có xã, phường, và đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố.
Theo Tổng Bí thư, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương; sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay, và không tổ chức cấp huyện.
Với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương chính sách của trung ương, vừa là cấp ban hành các chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo quản lý các hoạt động của cấp xã trên phạm vi địa bàn. Cấp xã chủ yếu là thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp tỉnh ban hành, được tăng cường phân cấp phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định những việc tổ chức, thi hành pháp luật trên địa bàn, và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.
Nhấn mạnh việc chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng cho tới nay dự thảo nội dung các văn kiện cơ bản đã hoàn thành, các văn kiện sẽ được gửi tới các tổ chức Đảng để lấy ý kiến đóng góp, sau đó sẽ xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, Tổng Bí thư gợi mở, làm sao cho văn kiện của Đảng thực sự đi vào lòng dân, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, để văn kiện là “kim chỉ nam” cho đất nước ngày càng ổn định phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân.
“Phải xác lập được mô hình tăng trưởng mới, xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới là các giải pháp căn cơ để khắc phục nguy cơ tụt hậu, lấy khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia làm động lực chủ yếu, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư cho biết, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, cũng có một số người lo lắng công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực sẽ trùng xuống, lãng quên. Nhưng trên thực tế công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. “Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cao chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực và quyết định bổ sung nội hàm “phòng chống lãng phí” tạo ra bộ ba cần phải loại bỏ đó là: tham nhũng, lãng phí, và tiêu cực. Quyết định này đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn. “Công tác này sẽ tiếp tục được tiến hành kiên quyết, kiên trì, và liên tục trong thời gian tới”, Tổng Bí thư khẳng định và cho biết, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung chức năng nhiệm vụ phòng chống lãng phí cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh với trọng tâm là chỉ đạo phòng chống lãng phí trong quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công.
Việt Thắng
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tong-bi-thu-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-khong-co-vung-cam-khong-co-ngoai-le-10303712.html