Tổng Bí thư: Tăng trưởng để làm gì nếu không đáp ứng nhu cầu của dân?

Tổng Bí thư: Tăng trưởng để làm gì nếu không đáp ứng nhu cầu của dân?
4 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Quốc hội dành trọn buổi sáng 13/2 để thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước. Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu gần 40 phút, chia sẻ nhiều quan điểm của người đứng đầu Đảng. Tri Thức - Znews trích lược.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, trước hết tôi thấy một không khí chung rất phấn khởi ủng hộ chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn bộ máy. Nhân dân, các cơ quan, đại biểu Quốc hội đồng tình ủng hộ và tổ chức triển khai rất nhanh, rất tốt. Tôi nghĩ đây là chủ trương rất đúng và cũng là mong đợi rất lâu rồi của người dân.
Tinh gọn bộ máy không phải chỉ để tiết kiệm tiền
Tinh gọn tổ chức bộ máy không phải chỉ là để tiết kiệm tiền, tiết kiệm chi phí, đấy chỉ là một phần thôi. Cái quan trọng hơn cả là tính hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, đưa đất nước ta phát triển. Tại sao chúng ta thấy nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, nhiều nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ thực hiện chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng mong muốn của nhân dân? Phải chăng nguyên nhân là khâu tổ chức thực hiện?
Tổng Bí thư dành 40 phút phát biểu tại tổ sáng 13/2. Ảnh: Việt Linh.
Đất nước muốn phát triển thì phải thực hiện nhiệm vụ sắp xếp tinh gọn bộ máy, đạt hiệu năng, hiệu quả. Nhân dân rất ủng hộ và triển khai rất nhanh, còn nếu chưa chín thì chưa chắc thực hiện được như vậy. Tôi thấy phần nào nhiệm vụ này đã được kiểm nghiệm qua thực tế và rất hợp lòng dân, được người dân đồng tình.
Tăng trưởng đi đâu, để làm gì nếu không đáp ứng được nhu cầu của dân?
Muốn đưa đất nước phát triển, tôi nghĩ có hai nhiệm vụ rất quan trọng trong nhiều nhiệm vụ. Một là phải có sự tăng trưởng. Có sự tăng trưởng rồi thì đời sống của người dân phải được nâng cao, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người dân trên tất cả lĩnh vực. Hai nhiệm vụ này cần liên tục được đảm bảo, gắn liền với nhau.
Việc nâng cao chất lượng đời sống người dân trên mọi mặt chính là thước đo hiệu quả của Nhà nước, chứ không phải đơn thuần đo bằng con số tăng trưởng. Tăng trưởng đi đâu, để làm gì nếu không đáp ứng được nhu cầu của dân?
Thực hiện sắp xếp bộ máy là để phát triển đất nước, đời sống người dân đi lên. Đấy là mục tiêu xuyên suốt chúng ta cần tập trung thực hiện.
Chờ Đại hội Đảng thì không thể sắp xếp, tinh gọn được
Để làm được thì bước tiếp theo là xác định đúng chức năng nhiệm vụ và phải có sự hiệu quả, hiệu lực trong bộ máy Nhà nước. Vậy cơ chế, lộ trình như thế nào?
Đầu tiên là mô hình tổ chức bộ máy; thứ hai là hệ thống quy định pháp lý, pháp luật để toàn dân, toàn hệ thống, toàn xã hội thực hiện đồng nhất; thứ ba là bố trí cán bộ như thế nào để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, đúng quy định..
Vậy thì xây dựng hệ thống pháp luật như thế nào, hôm qua tổ chức Quốc hội đã thảo luận rồi (Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội - PV), hôm nay đến Chính phủ, chính quyền địa phương. Đây là các vấn đề hết sức lớn.
Vấn đề này đã tồn đọng nhiều năm, từ Trung ương Khóa VI đã nhận định bộ máy của chúng ta cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết Trung ương 18 của Khóa XII lại khẳng định điều đó nhưng chúng ta vẫn chưa thực hiện được và Khóa XIII tiếp tục phải làm. Vừa qua, tổng kết Nghị quyết 18 thì thấy còn quá nhiều việc không làm được.
Tôi nhớ có lần, họp đánh giá kiểm điểm hiệu quả của hoạt động Chính phủ qua các nhiệm kỳ, các đồng chí trong Ban Cán sự Chính phủ đánh giá hoạt động rất tốt, tiếp tục duy trì. Tôi nói đánh giá như vậy là mâu thuẫn với đánh giá của Trung ương. Trung ương đánh giá bộ máy cồng kềnh, bộ máy hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, thì một là Trung ương đánh giá sai, hai là Chính phủ đánh giá chưa đúng. Không thể nào cả hai đều đúng.
Tổng Bí thư cho biết quá trình sắp xếp bộ máy đã có sự nghiên cứu rất kỹ quá trình lịch sử, hệ thống kinh viện thế giới, nghiên cứu các nước. Ảnh: Việt Linh.
Bây giờ sắp xếp lại ngay thì nhiều tâm lý lắm, bộ này bộ kia... và không làm được. Tôi cho rằng nếu để đến khi Đại hội Đảng lần thứ XIV xong thì càng không làm được. Bây giờ chúng ta làm thì bước vào Đại hội mới có thể tính toán.
Trong quá trình này, Trung ương cũng nghiên cứu rất kỹ quá trình lịch sử, hệ thống kinh viện thế giới, nghiên cứu các nước thì thấy tất cả đều phải tính đến hiệu quả của bộ máy, nếu không sẽ đổ ngay. Dân bất tín nhiệm ngay. Người dân quan tâm tới khả năng đánh giá vấn đề, khả năng lãnh đạo, tầm nhìn dài hạn, khả năng thích ứng, mục tiêu chiến lược và sự đổi mới của chính quyền, Chính phủ.
Bộ máy phải phù hợp với từng giai đoạn
Mỗi giai đoạn cách mạng đều phải có một bộ máy đảm bảo thực thi. Để có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phải có bộ máy đảm bảo, chính sách pháp luật đảm bảo, định hướng xã hội chủ nghĩa. Yêu cầu của cách mạng giai đoạn này là phải như vậy, không để tồn tại cản trở.
Trên thế giới chỉ có hai nước có Bộ Kế hoạch là Việt Nam và Lào, mà Lào cũng bỏ rồi
Ở đây có đại biểu nêu ý kiến về trường hợp của Bộ Kế hoạch Đầu tư. Chúng ta đã rất vất vả để xóa bỏ nền kinh tế bao cấp, kế hoạch. Nhìn lại trên thế giới, chỉ hai nước có Bộ Kế hoạch là Việt Nam và Lào, mà Lào cũng bỏ rồi. Không còn nước nào có, chỉ Việt Nam và Lào có sản phẩm như vậy.
Vừa qua tôi nghiên cứu thì thấy Bộ Kế hoạch Đầu tư làm rất nhiều việc, phát triển kinh tế chiến lược, 3 viện nghiên cứu kinh tế cùng song song tồn tại. Tôi bảo: Nhầm hết chân rồi, nhiệm vụ này phải là Ban Kinh tế Trung ương.
Nếu chức năng tổng hợp thì là Văn phòng Chính phủ. Bộ Kế hoạch Đầu tư làm sao tổng hợp được các vấn đề của đất nước về xã hội, về công an, quốc phòng, an ninh... mà trong báo cáo thì tháng nào cũng có câu "quốc phòng được bảo đảm, an ninh trật tự xã hội được giữ vững". Rồi về tài chính, hai bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư đều thu, chi cả... là những chuyện rất vô lý
Tiêu chí thứ 2 là hoàn thiện hệ thống pháp luật và hành chính, toàn dân thực hiện. Nó phải phù hợp với Quốc hội, phù hợp với Chính phủ, các bộ ngành. Nếu không đáp ứng nhu cầu thực tiễn thì chúng ta phải tính đến khả năng phối hợp, năng lực dữ liệu, năng lực thực thi chính sách và chất lượng bộ máy. Phải liên tục phải kiểm điểm, đánh giá các yếu tố đó.
Các địa phương mang sách vở đến Đông Anh, Hoàn Kiếm mà học
Tiếp theo là khả năng quản lý ngân sách. Ngân sách có, tiềm lực chúng ta như thế tại sao không phát triển được? Chi tiêu đầu tư công tại sao khó khăn thế? Có tiền của Nhà nước mà tại sao không tiêu được? Vì sao có các hệ thống luật lệ quy định phức tạp, đủ quy định mới tiêu được tiền? Địa phương hỗ trợ địa phương khác không được? Hợp tác đầu tư công - công không được, công - tư không được, tư - tư lại càng không được nữa thì phải làm sao? Rà soát ra thì vô cùng nhiều vấn đề.
Đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã phân bổ hết nguồn vốn rồi, nhưng không thực tế, vì còn tăng thu, các nguồn khác. Sau đó muốn điều chỉnh thì lại phải xin Quốc hội. Quốc hội ra nghị quyết quy đồng nào mua muối phải mua muối, đồng nào mua gạo phải mua gạo... Dân đang thiếu ăn thiếu gạo mà ông lấy tiền mua muối đi mua gạo thì chết rồi. Tất cả đã bổ cứng rồi, thì còn việc gì để năng động sáng tạo nữa?
Thành quả của chúng ta từ khi đổi mới là quá vĩ đại nhưng nhìn ra thế giới thì thấy mình còn kém
Nhiều lúc tôi tự hỏi, như chủ tịch tỉnh, thành phố, tất cả đã phân bổ xong hết rồi thì ông còn việc gì mà làm nữa, làm khác thì ông chết. Đất một mét cũng không được điều chỉnh gì, xin Chính phủ hết. Làm sao ông quyết định được mà tiếp nhà đầu tư đến, đất đâu cho nhà đầu tư?
Về năng lực cạnh tranh của thị trường, bộ máy Nhà nước cũng phải tính đến điều đó, chứ không phải chỉ có người dân.
Về vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Thành quả của chúng ta từ khi đổi mới là quá vĩ đại nhưng nhìn ra thế giới thì thấy mình còn kém. Khả năng cạnh tranh quốc gia của Việt Nam quá khó khăn. Tôi lấy ví dụ, nhìn sang Singapore giữa thế kỷ trước trước họ chỉ là làng chài. Thời đó, họ còn mơ ước được sang Sài Gòn, khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng 40-50 năm sau nhìn thì ngược lại.
Hay Trung Quốc cũng 40 năm cải cách mở cửa, ban đầu trình độ tương đương chúng ta nhưng bây giờ thì sao? GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hơn 12.000 USD, còn Việt Nam chưa được 5.000 USD. So sánh như thế để thấy được tốc độ phát triển của chúng ta. Nguy cơ tụt hậu này, Đảng ta đã nhận định từ Đại hội VI.
So sánh trong ASEAN thì Việt Nam đang ở nhóm giữa thôi. Gặp Thủ tướng Malaysia, ông ấy nói với tôi: Nếu cứ đi lững thững kiểu các ông thì không bao giờ đuổi kịp chúng tôi cả. Nguy cơ tụt hậu là một trong 4 nguy cơ Đảng đã nhận định và đến bây giờ vẫn còn hiện hữu, càng phức tạp hơn vì thế giới phát triển nhanh quá.
Tổng Bí thư: Phát triển con người là mục tiêu rất quan trọng. Ảnh: Việt Linh.
Về phát triển con người, đây là mục tiêu rất quan trọng. Người dân có nhu cầu chính đáng được học hành, tự do, làm giàu, có quyền làm chủ đất nước, củng cố dân chủ. Tất cả đều phù hợp với mục tiêu của Đảng, Nhà nước và chúng ta phải tính đến hết.
Chúng ta phải tính đến cơ chế hành pháp, công bằng về pháp quyền, mức độ liêm chính của Nhà nước, Chính phủ. Chúng ta phòng chống tham nhũng là để làm việc này. Đấy là độ tin cậy của Chính phủ và đây chính là tiêu chí đánh giá tính hiệu năng hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, của chính quyền.
Người dân có nhu cầu chính đáng được học hành, làm giàu, làm chủ đất nước... Tất cả đều phù hợp với mục tiêu của Đảng, Nhà nước
Các nước làm rất chặt chẽ, họ có cơ quan đánh giá hiệu năng chính phủ, chính quyền. Ngân hàng Thế giới có bộ chỉ số hiệu quả Chính phủ, trên cơ sở đó đưa ra bộ chỉ số hiệu quả toàn cầu, chúng ta không thể đứng ngoài.
Mục tiêu phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Muốn phát triển với tốc độ cao, nhanh thì bộ máy phải như thế nào? Bộ máy của chúng ta hiện nay nặng nề như thế nào, không phát huy được hiệu quả. Ví dụ quận, huyện của Hà Nội như Đông Anh thu ngân sách gần 30.000 tỷ đồng, quận Hoàn Kiếm hơn 20.000 tỷ đồng, bằng mức thu của nhiều tỉnh khác, thậm chí vài chục lần của tỉnh nghèo.
Tại sao một huyện, quận với quy mô đất đai, dân số khiêm tốn mà làm được những điều như vậy về phát triển kinh tế? Các địa phương khác phải mang sách vở đến mà học chứ.
Người dân quan tâm, mong được tham gia quá trình sắp xếp bộ máy
Những điểm nghẽn gì cản trở mục tiêu phát triển hai con số của chúng ta? Nếu cứ làm như hiện nay thì không thể đạt được. Chúng ta phải nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân, thúc đẩy sự tham gia của xã hội vào quá trình nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính, củng cố nền dân chủ.
Tại sao người dân đồng tình, quan tâm tới quá trình này như thế, vì người ta cũng mong muốn phát huy sức mạnh của mình. Bộ máy Nhà nước chỉ định hướng, dẫn dắt và cái hay là phải tổ chức được, phục vụ được và lôi kéo được người dân. Cần có quy định để thực hiện những điều đó.
Mình cứ lo về quyền lực, phân công quyền lực nhưng thực tế hành chính mới quan trọng, là nơi thực hiện vai trò phục vụ nhân dân. Nhiều ý kiến về quy định Ủy ban hành chính hay Ủy ban nhân dân? Có ý kiến không cần Hội đồng nhân dân nữa thì chỉ cần Ủy ban hành chính... Tôi cho rằng tất cả các ý kiến, quan điểm phải nghiên cứu, kiểm nghiệm thực tế chứ không thể máy móc.
Một số bộ, ngành vừa qua cũng có tính toán sắp xếp thì có ý kiến bộ tôi 50-60 năm truyền thống, tự nhiên giờ chả còn còn cái tên. Tên là chức năng trong bộ máy Nhà nước, chứ không phải cứ cộng thêm vào thì phải đầy đủ tên. Chức năng Nhà nước gồm những việc gì và phân công ai làm: Tài chính, Nội vụ, Đối ngoại... Phải rất gọn. Trước đây, Bộ Công Thương là từ sắp xếp từ 8 bộ, nếu ai cũng muốn giữ tên thì làm sao gộp vào được? Bộ Nông nghiệp ngày xưa cũng 6-7 bộ gộp vào, làm sao cái tên cộng cơ học được? Chức năng chính là gì, thì ta phải mạnh dạn nhìn nhận để làm cho thật hiệu lực, hiệu quả.
Chính quyền quốc gia là 3 cấp hay 4 cấp? Nhìn ra quốc tế thì 80% các nước là chính quyền 3 cấp. Nếu chúng ta áp dụng mô hình 4 cấp thì phải tổng kết, nghiên cứu như thế nào?
Vừa rồi ngành công an đã nghiên cứu thí điểm trước, bỏ công an cấp huyện, tôi rất hoan nghênh. Công an chính quy về xã rồi, vì xã trực tiếp với dân. Đăng ký hộ khẩu, đăng ký ôtô xe máy về xã, người dân rất mừng. Tất cả các giao dịch, vụ việc điều tra sự cố, trộm cắp làm sao phải chờ đến huyện, tỉnh. Vậy thì công an huyện làm gì? Cộng tất cả các xã thành huyện thì không được. Thậm chí có ý kiến so sánh tại sao Trung Quốc rộng thế mà chỉ có hơn 30 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Một tỉnh của Trung Quốc có dân số còn đông hơn cả nước Việt Nam, trong khi chúng ta có hơn 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Có ý kiến tỉnh nọ, tỉnh kia mất truyền thống, có tỉnh tách ra thì phát triển, có tỉnh kêu hết dư địa và tính tới kết nối vùng... Để có sự phát triển, thì chúng ta tiếp tục nghiên cứu. Mục tiêu là để phát triển, quản lý được và phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của nhân dân. Còn việc quản lý hành vi hay quản lý theo hiệu quả thì cũng phải thống nhất, không thể để tồn tại sự thiếu đồng nhất giữa các địa phương, bộ ngành theo các hình thức quản lý khác nhau.
Nguyễn Hưng ghi
Nguồn Znews : https://znews.vn/tong-bi-thu-tang-truong-de-lam-gi-neu-khong-dap-ung-nhu-cau-cua-dan-post1531250.html