Tổng Bí thư: Tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn, có khả năng cạnh tranh quốc tế

Tổng Bí thư: Tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn, có khả năng cạnh tranh quốc tế
5 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. (Ảnh: T.Anh)
Ngày 15/1, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chủ trì tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số (DNCNS) Việt Nam lần thứ VI với chủ đề “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng DNCNS Việt Nam”.
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Tổng Bí thư Tô Lâm vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trên lĩnh vực công nghệ số Việt Nam thời gian qua. Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt khoảng 152 tỷ USD vào năm 2024, tăng 35,7% so với năm 2019 chứng minh cho sự tăng trưởng bền vững của ngành và khẳng định vai trò của công nghệ số trong nền kinh tế quốc gia. Sự phát triển này không chỉ giúp cho việc nâng cao năng lực sản xuất mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.
Tổng Bí thư cũng hết sức vui mừng khi hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số đang ngày càng lớn mạnh với 74.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó hết năm 2023 đã có gần 1.900 DNCNS đã vươn ra thị trường quốc tế với doanh thu 11,5 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2022. Điều này không chỉ cho thấy năng lực và sự sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam mà còn chứng minh tiềm năng lớn trong việc mở rộng thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng quản lý hành chính công và đổi mới sáng tạo, xếp hạng 71/193 quốc gia về mức phát triển Chính phủ điện tử; xếp hạng 44/133 quốc gia về đổi mới sáng tạo toàn cầu. Có thể nói, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã trở thành một trong ngành kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Lực lượng lao động trong ngành này ngày càng đông đảo, đạt 1,7 triệu lao động; hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ đa dạng bao gồm phần cứng điện tử, phần mềm và các công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật. Những bước tiến này không chỉ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước mà còn mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế, góp phần thiết thực vào việc xây dựng nền kinh tế số toàn diện.
Với những thành quả đó, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư ghi nhận, chúc mừng và biểu dương cộng đồng DNCNS Việt Nam cùng những nỗ lực cố gắng không ngừng và những thành tựu đạt được. Đồng thời, đánh giá cao sự đóng góp và vai trò của các doanh nghiệp số Việt Nam trong việc tạo ra những sản phẩm, những giải pháp đổi mới sáng tạo ứng dụng nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao chất lượng tăng trưởng và cải thiện đời sống cho người dân.
Tổng Bí thư ghi nhận những nỗ lực của Bộ TT&TT trong việc phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về công nghiệp công nghệ số đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… và nhiều địa phương theo dõi, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực công nghiệp công nghệ số của các DNCNS Việt Nam. Những chính sách và chương trình của Bộ không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển bền vững và cạnh tranh quốc tế.
Tổng Bí thư và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại gian trưng bày sản phẩm công nghệ số trong khuôn khổ Diễn đàn. (Ảnh: T.Anh)
Tuy nhiên, Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế cần khắc phục để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và DNCNS quốc gia. Một trong những điểm yếu lớn là năng lực nghiên cứu và phát triển hiện vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực nước ngoài; hạn chế năng lực tự chủ công nghệ Việt Nam. Bên cạnh đó, khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao chưa đủ mạnh dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu…
Nêu rõ những bất cập, Tổng Bí thư cho rằng, chúng ta nhìn thẳng vào sự thật là doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế mà chúng ta có rất nhiều cố gắng cải thiện.
Trên tinh thần của Nghị quyết số 57 được ví như khoán 10 trong nông nghiệp đối với ngành khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, Tổng Bí thư mong muốn nhận được các báo cáo là trí tuệ Việt Nam, công nghệ số Việt Nam đóng góp bao nhiêu phần trăm đối với các sản phẩm của ngành công nghệ số, đóng góp bao nhiêu phần trăm để giúp các sản phẩm đó thông minh hơn, hiệu năng hơn, thẩm mỹ hơn, được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn; những cái tên Việt Nam nào được vinh danh trong phát minh, sáng kiến.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trao Giải vàng cho các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2024. (Ảnh: T.Anh)
Từ đó, Tổng Bí thư gợi mở ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành và DNCNS trong giai đoạn tới.
Thứ nhất, phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ, phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi. Đây là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đặc biệt là ngành công nghiệp công nghệ số. Chúng ta phải đẩy mạnh và đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, nhất là các công nghệ chiến lược với trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, công nghệ nano, công nghệ thông tin di động 5G, 6G, công nghệ vũ trụ, không gian; tập trung vào việc làm chủ, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới để tạo ra sự tự chủ công nghệ, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ hai, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ số. Hạ tầng số đóng vai trò cốt lõi trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, có dung lượng lớn, băng thông rộng, đồng bộ và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối toàn quốc và phát triển kinh tế số.
Thứ ba, khơi nguồn nhân tài và thu hút chuyên gia công nghệ cao. Cần tăng cường chính sách thu hút nhân tài công nghệ cao, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực nội địa tạo ra các DNCNS hàng đầu.
Thứ tư, xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững. Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghệ số với sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức, hỗ trợ, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác công tư thu hút nguồn lực của các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế tạo ra các sản phẩm dịch vụ công nghệ số, đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu
Thứ năm, phát triển kinh tế số, xã hội số, từng bước hình thành và phát triển các lĩnh vực về kinh tế số như Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tạo điều kiện cho DNCNS phát triển các giải pháp công nghệ ứng dụng và quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy giao dịch điện tử, tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ thông tin cho mọi người dân.
Thứ sáu, nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới. Đến năm 2030 đưa Việt Nam vào top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đồng thời tạo ra ít nhất 5 DNCNS lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế. Tôi đề nghị các DNCNS tự đặt ra mục tiêu phát triển cao, đầy khát vọng và không ngừng nâng cao chất lượng nhân lực cả về số lượng và chất lượng.
Thứ bảy, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế. Chúng ta phải biết cách đứng trên vai của những người khổng lồ, muốn vậy phải tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu thế giới, thu hút thêm các tổ chức nghiên cứu, sản xuất công nghệ số vào Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đưa các sản phẩm công nghệ số của mình ra thị trường quốc tế.
Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng đã diễn ra Lễ vinh danh các sản phẩm công nghệ số tiêu biểu giai đoạn 2019-2024. (Ảnh: T.Anh)
Đối với các DNCNS Việt Nam, theo Tổng Bí thư, cần có sự đồng lòng, quyết tâm và khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, chúng ta cần nhìn thấy đây không chỉ là cơ hội mà là trách nhiệm của những doanh nghiệp trong việc góp phần hiện thực hóa các mục tiêu lớn lao của Đảng, Nhà nước đặt ra trong Nghị quyết 57, hãy biến khát vọng dẫn đầu thành hành động cụ thể. Mỗi DNCNS phải dấn thân vào những lĩnh vực tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới, không ngừng đổi mới sáng tạo.
Các DNCNS cần tập trung xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự phục vụ lợi ích của người dân, của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Hãy hợp tác, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước cùng tạo nên hệ sinh thái công nghệ bền vững. Đây là thời cơ vàng để chúng ta thực sự khẳng định năng lực cạnh tranh của mình trên trường quốc tế, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp công nghệ số khu vực Đông Nam Á và phạm vi toàn thế giới. Hãy không ngừng vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua những thách thức để cùng nhau biến những khó khăn thành động lực để vươn xa.
Chúng ta có những điều kiện thuận lợi, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý và bè bạn quốc tế, sự ủng hộ, tham gia tích cực của mọi người dân. Đây là thời điểm chín muồi của các DNCNS Việt Nam đoàn kết, chung sức xây dựng tương lai vững bền cho ngành công nghiệp số nước nhà. Đây không chỉ là sứ mệnh cao cả mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp tự khẳng định mình, đưa các sản phẩm, dịch vụ Make in Viet Nam vươn xa. Hãy tận dụng thế mạnh của trí tuệ, nguồn nhân lực, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cùng hào khí Việt Nam để góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Đối với Bộ TT&TT, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước hàng đầu về công nghiệp công nghệ số, theo Tổng Bí thư, cần có trách nhiệm dẫn dắt, định hướng phát triển, tạo điều kiện cho các DNCNS phát triển mạnh mẽ; cần khắc phục những hạn chế, bất cập, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ số tiên tiến, đồng thời hoàn thiện hạ tầng số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền cns Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nghiên cứu và phát triển, xây dựng hệ sinh thái công nghệ một cách bền vững.
Tổng Bí thư rất hoan nghênh sáng kiến của Bộ TT&TT, sự tham gia của các DNCNS Việt Nam trong việc giao và nhận thực hiện các nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 57 để làm chủ công nghệ chiến lược, công nghệ số, nhận các nhiệm vụ lớn của quốc gia. Đồng thời, tin tưởng và hy vọng rằng Bộ TT&TT sẽ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu lớn lao, giúp đất nước phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.
Cho rằng Việt Nam có những lợi thế, có đất hiếm và sự hợp tác quốc tế rộng lớn… đủ điều kiện để bứt phá, phát triển, Tổng Bí thư cho biết Việt Nam cần đi tắt đón đầu, đi thẳng vào những vấn đề lớn của công nghệ thế giới, phấn đấu đi đầu về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Thư Hoàng
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/tong-bi-thu-tao-ra-it-nhat-5-doanh-nghiep-cong-nghe-so-lon-co-kha-nang-canh-tranh-quoc-te-post537778.html