Tổng Bí thư: ' Tiến tới, Nhà nước bỏ học phí, nuôi các cháu trong độ tuổi đi học'

Tổng Bí thư: ' Tiến tới, Nhà nước bỏ học phí, nuôi các cháu trong độ tuổi đi học'
3 ngày trướcBài gốc
Ngày 9/11, thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Nhà giáo, các đại biểu Quốc hội đánh giá, Dự thảo đã đề cập đến nhiều điểm mới về chính sách đối với nhà giáo để phát triển và nâng tầm, tôn vinh nghề giáo, khắc phục các bất cập trong quản lý Nhà nước về nhà giáo.
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) cho biết, về chính sách thu hút nhà giáo (khoản 1, Điều 29 Dự thảo Luật quy định đối tượng hưởng chính sách thu hút gồm: người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo”.
Đại biểu cho rằng, về cơ bản, các chính sách thu hút nhà giáo là cần thiết, tuy nhiên, nội dung tại Điều 29 còn chung chung, chưa có đột phá để tạo sức hấp dẫn; chưa đủ sức thuyết phục để thu hút người có trình độ cao, người có tài về công tác tại những vùng đặc biệt khó khăn.
"Nếu không có chính sách cụ thể, rõ ràng, việc thu hút nhà giáo như mục tiêu, mong muốn của Dự thảo Luật khi đề ra quy định này sẽ rất khó thực hiện" - đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nói.
Quan tâm đến chính sách thu hút nhà giáo, đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) đề nghị bổ sung 2 đối tượng, đó là: Những học sinh phổ thông có học lực xuất sắc, đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được tuyển thẳng vào ngành sư phạm; những sinh viên đại học tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại trường làm giảng viên.
"Những đội ngũ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở tất cả cấp học, bậc học và hệ thống giáo dục quốc dân" - đại biểu Thái Văn Thành nêu.
Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo (như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi…), trong đó nguồn lực của Trung ương và nguồn lực của địa phương như thế nào để bảo đảm Luật khả thi, hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống.
Đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, Dự thảo Luật chưa có quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp; thiếu các chính sách để xây dựng một môi trường làm việc an toàn giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định nhà giáo được quyền tổ chức dạy thêm theo quy định của pháp luật.
Phát biểu tại tổ Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dành thời gian đề cập những vấn đề trong dự án Luật Nhà giáo. Ảnh Như Ý
Cũng trong sáng 9/11, phát biểu tại tổ Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dành thời gian đề cập những vấn đề trong dự án Luật Nhà giáo.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, giáo dục đào tạo có ý nghĩa chiến lược trong công tác cán bộ, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của người thầy. Trong giáo dục và đào tạo cần xác định đâu là khâu đột phá, trọng tâm.
Tổng Bí thư cho rằng, trước hết phải xác định vai trò rất quan trọng của giáo dục và đào tạo, trong đó người thầy là chủ thể chính. Trong Luật Nhà giáo cần phải giải quyết thật tốt tương quan giữa thầy và trò.
“Nhà nước có chính sách rất quan trọng là phổ cập giáo dục, tiến dần từ tiểu học đến trung học, các cháu đến tuổi là được đến trường. Tiến tới, Nhà nước bỏ học phí, nuôi các cháu trong độ tuổi đi học. Tiến bộ là phải như vậy!”, Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư, để thực hiện được yêu cầu đó thì không thể để xảy ra tình trạng thiếu thầy cô, thiếu trường lớp vì “có thầy là phải có trò”. Hơn nữa, điều kiện đất nước hiện nay đã tương đối thuận lợi để thực hiện mục tiêu này, vì căn cứ vào dữ liệu dân cư có thể biết được một năm có bao nhiêu trẻ em đến độ tuổi đi học.
Từ dữ liệu đó, cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động chuẩn bị giáo viên, trường lớp để cho các cháu đi học. Tổng Bí thư nhắc đến vấn đề rất thời sự, đó là trong quy hoạch phải đảm bảo trường lớp cho học sinh. "Đã có trò, có thầy thì phải có trường. Không thể quy hoạch, quản lý thế nào mà không có trường được", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư đặt vấn đề, đất nước hội nhập thì ngành giáo dục đào tạo, giáo viên cũng cần hội nhập. Đặc biệt khi chúng ta phổ cập tiếng Anh trong giáo dục thì người thầy có trình độ tiếng Anh như thế nào? Ngoài ra, người nước ngoài vào giảng dạy có chấp hành Luật Nhà giáo không?
“Những vấn đề này phải có chính sách cụ thể. Nếu thầy không có tiếng Anh, làm sao học sinh có tiếng Anh được? Thầy toán cũng phải có tiếng Anh chứ không phải chỉ có giáo viên ngoại ngữ. Thầy văn cũng phải như thế. Phải tiếp cận và hội nhập như thế”, Tổng Bí thư lưu ý.
Về chính sách học tập suốt đời, Tổng Bí thư cho rằng, nếu quy định khô cứng, thầy giáo bao nhiêu tuổi phải nghỉ hưu? Người già còn đi học mà thầy đến tuổi nghỉ hưu và không được đi dạy thì rất khó khăn.
Đề cập đến vấn đề giảng dạy trong môi trường đặc biệt, Tổng Bí thư nêu ví dụ với người thầy ở khu vực miền núi, phải được coi là môi trường đặc biệt. Thầy phải dỗ dành các cháu đến trường, nuôi các cháu đi học, động viên, thầy phải hy sinh. “Với những địa bàn rất đặc biệt, phải có chính sách cụ thể”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Nhấn mạnh đội ngũ nhà giáo rất chờ đón Luật Nhà giáo được ban hành, Tổng Bí thư lưu ý, việc xây dựng dự án luật này phải làm sao để người thầy thực sự đón nhận với một sự phấn khởi, thực sự được tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi.
Khánh Linh
Nguồn Bảo Vệ Công Lý : https://baove.congly.vn/tong-bi-thu-tien-toi-nha-nuoc-bo-hoc-phi-nuoi-cac-chau-trong-do-tuoi-di-hoc-458464.html