Sáng 9-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự và phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện cựu chiến binh và thanh niên xung phong, cựu dân quân tự vệ tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Tại đây, Tổng Bí thư nhấn mạnh những ngày này cách đây 50 năm, với tinh thần: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội và Nhân dân cả nước đã anh dũng xốc tới, vượt qua bao gian khổ, hy sinh, làm nên Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, thu non sông về một mối, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hòa bình và phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện cựu chiến binh và thanh niên xung phong, cựu dân quân tự vệ tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: TTXVN
Giai đoạn “Ra ngõ gặp anh hùng”
Theo Tổng Bí thư, chiến thắng Mùa Xuân năm 1975 không chỉ mang ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có tầm vóc thời đại, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
“Đó là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của ý chí "không có gì quý hơn độc lập, tự do". Và trên hết, đó là thắng lợi của hàng triệu con người bình dị nhưng phi thường, những người đã sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân, thậm chí cả tính mạng của mình cho đất nước được hòa bình và thống nhất, cho dân tộc được độc lập” - Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Ông đánh giá trong chiến công chung ấy, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò đặc biệt của các Cựu chiến binh, Cựu thanh niên xung phong và Dân quân tự vệ – những người đã từng chiến đấu trên mọi chiến trường, ở mọi mặt trận – từ tuyến đầu rực lửa đến hậu phương vững chắc, từ chiến trường ác liệt Trường Sơn, Tây Nguyên, Nam Bộ đến các chiến khu, vùng địch tạm chiếm.
Theo Tổng Bí thư, các Cựu chiến binh – những người lính cụ Hồ đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hiểm nguy, viết nên những trang sử vàng trên mọi chiến trường. Các thanh niên xung phong – những "bông hoa lửa" của một thời tuổi trẻ rực cháy, đã lăn mình giữa mưa bom bão đạn, mở đường, tải đạn, cứu thương, dựng nên những kỳ tích bất tử. Lực lượng dân quân tự vệ – những chiến sĩ nơi làng quê, ngày đêm bám trụ, bảo vệ quê hương, vừa sản xuất, vừa chiến đấu – là chốt giữ vững chắc nơi tuyến sau của Tổ quốc.
“Trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ, các đồng chí – bằng lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quả cảm và ý chí kiên trung, đã vượt lên mọi mất mát, hy sinh để góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Nhiều đồng chí đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại nơi rừng xanh núi đỏ, nơi lòng đất mẹ. Có những người trở về với vết thương trên thân thể, với ký ức chiến tranh in sâu trong tâm trí. Có những người tiếp tục lặng thầm cống hiến cho đất nước trong thời bình, từ công tác xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới đến giáo dục thế hệ trẻ” - Tổng Bí thư nói và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và sự kính trọng chân thành nhất đối với những hy sinh, đóng góp to lớn, bền bỉ và thầm lặng của các Cựu chiến binh, Cựu thanh niên xung phong và Dân quân tự vệ.
“Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh to lớn của những người con đã hiến dâng xương máu, tính mạng vì non sông gấm vóc, vì sự trường tồn và phát triển của dân tộc” - Tổng Bí thư nói.
Ông khẳng định chúng ta không bao giờ quên hình ảnh những người mẹ, những bà má “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, hay “mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác” và những người vợ dịu hiền trở thành “phụ nữ ba đảm đang” tay cuốc, tay cày. Những cô gái trẻ “súng trên vai sao vuông đầu mũ" khi chồng ra mặt trận... Những Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, những nữ pháo thủ Ngư Thủy Quảng Bình, những tiểu đoàn xe không kính, những cô gái Sài Gòn đi tải đạn, những Kpa K Lơng, Út tịch, những chiến sỹ biệt động...
“Chúng ta không thể kể hết các tấm gương đáng kính trọng trong giai đoạn “Ra ngõ gặp anh hùng” của thời kỳ chống Mỹ cứu nước” - Tổng Bí thư nói và cho hay ông rất xúc động được tri ân những đóng góp to lớn của nhân dân, lực lượng vũ trang, của các nhân chứng lịch sử đã đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng trong công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…
Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: TTXVN
Sự tri ân chân thành nhất không chỉ nằm ở chính sách
Chia sẻ thêm sau đó, Tổng Bí thư cho rằng chiến tranh đã lùi xa nhưng phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, của những người thanh niên xung phong, dân quân tự vệ năm xưa vẫn luôn tỏa sáng trong cuộc sống hôm nay.
“Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trên mọi miền Tổ quốc, hình ảnh của các đồng chí vẫn luôn là biểu tượng sống động của bản lĩnh, nghị lực, tinh thần lạc quan và niềm tin sắt son vào tương lai của đất nước” - vẫn lời Tổng Bí thư.
Ông cũng bày tỏ sự vui mừng và xúc động khi những năm qua, các cấp Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam và Dân quân tự vệ trên cả nước vẫn luôn giữ vững ngọn lửa cách mạng, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần xung kích của thanh niên thời chiến và truyền thống kiên cường, bất khuất, trung thành với Tổ quốc.
Đặc biệt, các cấp Hội đã làm rất tốt vai trò bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, tổ chức nhiều hoạt động tri ân sâu sắc, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời luôn quan tâm, chăm lo thiết thực đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, cựu đồng đội – không để ai bị lãng quên hay bỏ lại phía sau.
“Những việc làm đầy nghĩa tình đó càng khẳng định dù trong chiến tranh hay trong thời bình, các đồng chí, các bác, các cô chú vẫn luôn là lực lượng nòng cốt, là điểm tựa vững chắc của Đảng, của chính quyền và của nhân dân” - Tổng Bí thư nói thêm và khẳng định trong mỗi giai đoạn cách mạng, dù khó khăn đến đâu, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và thực hiện tốt nhất có thể chính sách xã hội đối với người đã có công với nước, những người đã đóng góp, hi sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Ông điểm lại những năm qua, công tác “đền ơn đáp nghĩa” luôn là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Hệ thống chính sách pháp luật ưu đãi người có công không ngừng được hoàn thiện, ngày càng đồng bộ, nhân văn và sát thực tiễn.
Các chủ trương, chính sách như trợ cấp, bảo hiểm y tế 100%, hỗ trợ nhà ở, khám chữa bệnh miễn phí, đến chương trình đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi, tạo việc làm, chăm lo cho con em người có công, tất cả đều thể hiện trách nhiệm và đạo lý sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với những người đã đóng góp, hy sinh xương máu vì Tổ quốc.
Đặc biệt, tại Nghị quyết 42, Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% người có công và gia đình người có công sẽ có mức sống trung bình khá trở lên, được chăm lo toàn diện về vật chất và tinh thần.
Mức trợ cấp ưu đãi cũng sẽ tiếp tục được điều chỉnh ở mức cao nhất trong hệ thống chính sách xã hội. Hàng trăm nghìn căn nhà tình nghĩa đã, đang và sẽ tiếp tục được xây dựng trên khắp mọi miền đất nước.
“Sự tri ân chân thành nhất không chỉ nằm ở chính sách, mà còn ở nhận thức và hành động của thế hệ hôm nay. Những người có may mắn được sống trong hòa bình, phát triển, có trách nhiệm tiếp nối, gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng, truyền lửa cho thế hệ mai sau” - Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý.
Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: TTXVN
3 nhiệm vụ rất quan trọng của đất nước
Cuối bài phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chúng ta đang đứng trước ba nhiệm vụ trọng tâm rất quan trọng của đất nước.
Một là, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam ổn định, hòa bình.
Hai là, phát triển đất nước đạt được các mục tiêu đã đặt ra đến năm 2030, năm 2045 -100 năm nhà nước Việt Nam độc lập, trở thành nước phát triển và có thu nhập cao.
Ba là, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, thực hiện những điều mong muốn của Bác Hồ là ai cũng được ấm no, hạnh phúc, ai cũng được học hành.
Thực hiện được ba nhiệm vụ này, mọi người dân Việt Nam đều phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc hòa bình, ổn định, đoàn kết. Ai cũng phải lao động sản xuất, phải sáng tạo, tạo ra nhiều của cải, vật chất cho đất nước hơn nữa, để đất nước phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đảng và Nhà nước phải đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tự do cho mọi người dân. Không được để người dân bị đói nghèo. Ai cũng được chăm sóc sức khỏe, ai cũng được học hành, ai cũng được thụ hưởng thành quả cách mạng của đất nước độc lập, tự do.
Tổng Bí thư tin tưởng sâu sắc rằng, đội ngũ Cựu chiến binh và Cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ dù đang sinh sống và làm việc ở đâu, bằng tình yêu và trách nhiệm, tài năng và sáng tạo đều có thể đóng góp cho Tổ quốc theo cách riêng của mình, cùng nhau vun đắp, phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam, tạo thành sức mạnh nội sinh to lớn, đưa đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Mời độc giả theo dõi toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm TẠI ĐÂY
ĐỨC MINH