Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú.
Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có: Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng các ban Đảng, cơ quan Trung ương, Ủy ban của Quốc hội…
Đoàn Chủ tọa Hội nghị có các đồng chí: Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Năm 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã trình bày Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thực hiện Kế hoạch KT-XH năm 2024.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát các Nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội để chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, khoa học, linh hoạt với phương châm "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".
Nhờ đó, tình hình KTXH nước ta tiếp tục phục hồi rất tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, năm 2024 đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực và tốt hơn năm 2023.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, năm 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề. Chúng ta phải "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu phát triển KT-XH của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2026-2030.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quốc hội, tập trung vào 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể để hướng đến các mục tiêu, chỉ tiêu.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Cụ thể, mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, pháp luật; phát triển hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra là: phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn 8%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8-1% và 71 chỉ tiêu khác.
Vượt mọi khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước giàu mạnh
Từ mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã nêu lên 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2025.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Cụ thể như: Hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá", tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ DNNN, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân; Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia; Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Bảo đảm ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; Chủ động thông tin tuyên truyền, tạo động lực và đồng thuận xã hội.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Chúng ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trên nền tảng thành tựu sau 40 năm đổi mới, với bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết tâm và hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc".
Lê Bảo