Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật

Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật
11 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật. Ảnh: TTXVN
Bộ Chính trị vừa ban hành Quyết định số 288-NQ/TW về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật, TTXVN đưa tin.
Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban; Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm phó trưởng ban.
Ban Chỉ đạo còn có 21 ủy viên là các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành trung ương.
Ban Chỉ đạo có chức năng tham mưu, giúp Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Chế độ làm việc, nhiệm vụ cụ thể và cơ chế phối hợp công tác của Ban Chỉ đạo được thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị.
Đảng ủy Quốc hội sẽ chủ trì việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường giám sát thực hiện. Đảng ủy Chính phủ sẽ xây dựng chương trình hành động triển khai Nghị quyết, phối hợp thể chế hóa chủ trương, chính sách, đồng thời chỉ đạo Bộ Tư pháp trình Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách đột phá về pháp luật.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ vận động nhân dân thực hiện Nghị quyết, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội. Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương sẽ hướng dẫn tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết.
Tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương sẽ xây dựng chương trình cụ thể tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và thi hành pháp luật tại địa phương.
Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 5-5 tới. Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi các luật liên quan đến sửa đổi Hiến pháp nhằm phục vụ việc tinh gọn bộ máy.
Theo quy định về việc sửa đổi Hiến pháp, sau khi Quốc hội quyết định sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp và Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo dự thảo Hiến pháp sau đó sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào hai nhóm nội dung là các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội nhằm sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tăng cường vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của Mặt trận; các quy định để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Gia Nghi
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/tong-bi-thu-to-lam-lam-truong-ban-chi-dao-trung-uong-ve-hoan-thien-the-che-phap-luat/